Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Dấu hiệu trẻ mắc Covid chuyển nặng cần nhập viện

SpO2 dưới 94-96%, khó hạ sốt, nôn trớ nhiều, khó thở, bỏ bú/ăn, tiêu chảy... là những dấu hiệu chuyển nặng ở trẻ F0, cần nhập viện để theo dõi, điều trị.

Khi trẻ không may mắc Covid-19, phụ huynh cần bình tĩnh, nắm rõ kiến thức cơ bản để chăm sóc đúng cách. Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc virus SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng cần theo dõi sát.

Nhóm bác sĩ Học viện Quân Y tư vấn điều trị cho F0 tại nhà, lưu ý, khi trẻ có một những biểu hiện sau phải lập tức đưa bé tới bệnh viện:

- SpO2 dưới 94-96% (trẻ nhỏ thường đo ngón chân cái)
- Sốt khó hạ khi phối hợp cả Paracetamol và Ibuprofen
- Co giật, mất ý thức trong cơn, tay chân co quắp...
- Nôn nhiều (hơn 4 lần trong 1 giờ hay hơn 6 lần trong 4 giờ): nôn nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải gây nguy hiểm tính mạng
- Bú kém đặc biệt là bỏ bú, đặc biệt với trẻ đang bú mẹ bởi đây là nguồn cung năng lượng chủ yếu
- Cử động ít (chỉ cử động khi kích thích hoặc không cử động gì cả) hoặc li bì khó đánh thức
- Quấy khóc nhiều (biểu hiện thiếu oxy não, tổn thương hệ thần kinh trung ương)
- Thở nhanh (trẻ nhỏ hơn 2 tháng: nhịp thở trên 60 lần một phút; 2-11 tháng: nhịp thở trên 50 lần một phút; 1- 5 tuổi: nhịp thở trên 40 lần một phút; lớn hơn 5 tuổi: nhịp thở trên 30 lần một phút)
- Cánh mũi phập phồng theo nhịp thở hoặc thở rên
- Thở có tiếng rít hoặc khò khè
- Tím tái: môi, tai, đầu tay chân
- Bé thở gắng sức: co kéo cơ gian sườn, phải cố gắng thở
- Đi ngoài phân lỏng tóe nước hơn 3 lần một ngày
- Tiêu chảy kéo dài từ 14 ngày
- Tiêu chảy có máu trong phân
- Thóp phồng
- Chảy mủ tai
- Mắt trẻ bị viêm tấy hoặc chảy mủ
- Mụn mủ da nặng hay nhiều mụn mủ (từ 10 mụn mủ)
- Rốn trẻ sưng tấy hoặc chảy mủ

Những trẻ mắc bệnh nền như tăng áp phổi, tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, nội tiết bẩm sinh cần được theo dõi sát sao hơn khi mắc Covid-19. Ảnh: freepik

Những trẻ mắc bệnh nền như tăng áp phổi, tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, nội tiết bẩm sinh cần được theo dõi sát sao hơn khi mắc Covid-19. Ảnh: freepik

Bên cạnh đó, trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc có các bệnh lý nền: tim bẩm sinh, đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa... có nguy cơ lây nhiễm cao, dễ chuyển nặng hơn do sức đề kháng yếu. Bác sĩ Từ Vy, Học viện Quân Y tư vấn, tư vấn khi chăm sóc trẻ F0 mắc bệnh nền cần chú ý ba khía cạnh: dinh dưỡng, sinh hoạt vệ sinh và thuốc men.

Về dinh dưỡng, phụ huynh cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều bữa để trẻ dễ hấp thu. Các bác sĩ khuyến cáo cho trẻ ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả, nhiều cá... để tăng đề kháng. Trẻ đang bú thì tăng cường sữa.

Về sinh hoạt, vận động: những bé bị bệnh nền có khả năng bội nhiễm cao, viêm phổi, trở nặng khi mắc Covid-19. Do đó, với các bé lớn, cha mẹ hướng dẫn bé súc miệng bằng nước muối sinh lý 3-4 lần mỗi ngày, đeo khẩu trang. Bé nên được vận động nhẹ nhàng. Với các bé tim bẩm sinh, cần hạn chế để bé khóc, sốt, táo bón (những hoạt động quá sức) vì có thể làm bé khó thở.

Về thuốc: gia đình duy trì đơn thuốc của bác sĩ đã kê với từng trường hợp cụ thể, dùng đúng theo hướng dẫn. Bé mắc Covid nếu dùng thuốc khác điều trị triệu chứng phải có sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Ngoài ra, với trẻ mắc tim bẩm sinh, việc tiêm phòng đầy đủ trước đó cũng góp phần làm giảm khả năng bội nhiễm nếu mắc Covid-19.

An Nhiên