Thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực... là những dấu hiệu chuyển nặng mà gia đình cần chú ý khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với biểu hiện viêm đường hô hấp trên cấp tính hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Tuy vậy, trong quá trình chăm sóc, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu chuyển nặng(1) hoặc dấu hiệu bất thường(2).
Trong đó, những trẻ có yếu tố nguy cơ chuyển nặng như: trẻ đẻ non, cân nặng thấp, béo phì, thừa cân, đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản, ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...), bệnh thận mạn tính, ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu, bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp), bệnh lý thần kinh ( sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần)...
Bác sĩ chuyên khoa Nhi Nguyễn Ngọc Ánh - Nhóm bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0 tại nhà, khuyên cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần gọi cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để được hỗ trợ tại nhà hoặc đưa bé tới viện khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển nặng dưới đây.
Thở nhanh theo lứa tuổi
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có tần số thở khác người lớn và thay đổi theo tuổi. Vì vậy, ba mẹ bé sau khi đếm nhịp thở xong, cần so sánh với bảng thở nhanh theo tuổi (theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới - WHO).
- Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi: nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 60 lần/phút.
- Trẻ 2-11 tháng tuổi: nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 50 lần/phút.
- Trẻ 1-5 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 40 lần/phút.
- Trẻ 5-12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 30 lần/phút.
- Trẻ trên 12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 20 lần/phút.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vài tháng đầu, nhịp thở thường không đều do trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh và trưởng thành nên ba mẹ bé cần đếm nhịp thở trong vòng một phút để đảm bảo chính xác.
Các bước tiến hành bao gồm:
- Để trẻ nằm trên giường hoặc bế ngang trên tay (chú ý, đếm nhịp thở khi trẻ nằm ngủ hoặc nằm ngoan không quấy khóc, không sốt cao), kéo nhẹ áo để hở bụng của trẻ.
- Đặt đồng hồ hoặc điện thoại bấm giờ bên cạnh, mắt vừa nhìn đồng hồ, vừa nhìn di động bụng của trẻ, bụng di động lên xuống tính là một nhịp thở.
- Đếm như vậy trong vòng đúng một phút, có thể đếm 2 - 3 lần.
Khó thở, cánh mũi phập phồng
Với trẻ lớn, trẻ có thể phàn nàn với ba mẹ về cảm giác khó thở của mình, trẻ phải ngồi dậy để thở, thay đổi tư thế hay đi lại thấy khó thở... Với trẻ nhỏ hơn, triệu chứng khó thở có thể khó phát hiện và đòi hỏi sự quan sát tinh tế từ ba mẹ.
Một trong những biểu hiện khó thở ở trẻ nhỏ cũng như trẻ lớn là cánh mũi của trẻ phập phồng theo nhịp thở do cơ quan hô hấp phải gắng sức để đưa một lượng khí lớn hơn vào trong phổi.
Rút lõm lồng ngực
Thông thường, khi trẻ hít vào, không khí đi vào phổi sẽ làm lồng ngực căng lên và phồng ra. Dấu hiệu trẻ thở rút lõm ngực xuất hiện khi trẻ hít vào thấy phần dưới lồng ngực (vị trí tiếp giáp giữa bụng với ngực) bị lõm bất thường.
Đây là một trong những dấu hiệu của khó thở. Tuy vậy, để nhận biết được triệu chứng này, ba mẹ trẻ cần lưu ý:
- Khám trẻ khi trẻ ở trạng thái yên tĩnh (trẻ nằm yên, không khóc hoặc trẻ đang ngủ).
- Vén áo lên và quan sát toàn bộ lồng ngực của trẻ trong vòng vài phút.
- Ba mẹ có thể quay video lại rồi gửi cho các bác sĩ tư vấn nếu không chắc đó có phải biểu hiện rút lõm lồng ngực hay không.
- Với trẻ dưới 2 tháng, thành ngực của trẻ còn non nớt nên cha mẹ có thể thấy trẻ rút lõm lồng ngực nhẹ ngay cả khi không khó thở. Vậy nên, với lứa tuổi này, rút lõm lồng ngực nặng mới có giá trị đánh giá khó thở.
Li bì, lờ đờ
Đây là dấu hiệu nặng ở bất kỳ bệnh lý nào. Ba mẹ gọi, hỏi, kích thích mà bé đáp ứng kém hoặc chậm chạp là biểu hiện của li bì, lờ đờ.
Bỏ bú hoặc bỏ ăn uống
Khi mắc bệnh, trẻ có thể biểu hiện chán ăn nên ăn ít đi so với bình thường nhưng nếu trẻ bỏ tất cả bữa ăn, ăn vào là nôn hoặc nôn tất cả mọi thứ, cha mẹ cần liên hệ với cơ quan y tế ngay để đưa trẻ nhập viện.
Tím tái môi, đầu chi
Đây là triệu chứng mà ba mẹ dễ quan sát bằng mắt thường nhưng nó thường xuất hiện muộn hơn so với thở nhanh hay rút lõm lồng ngực.
SpO2 nhỏ hơn 95%
Để đo được SpO2, cha mẹ cần sử dụng máy đo SpO2. Mỗi máy đo SpO2 thường hiển thị hai chỉ số bao gồm: SpO2 và nhịp mạch (nhịp tim). Ký hiệu trên mỗi loại máy khác nhau có thể khác nhau. Thông thường, SpO2 có ký hiệu là SpO2, còn nhịp tim có thể ký hiệu là trái tim hoặc PR bmp (Pulse Rate – beat per minute).
Cha mẹ có thể dùng máy đo thông thường của người lớn cho trẻ em; xoa ấm tay, chân, dỗ trẻ ngoan khi đo (vị trí đo bị lạnh sẽ cho kết quả sai); kẹp máy vào ngón tay hoặc ngón chân cái, có thể dùng băng dính để cố định, đọc kết quả sau 1-3 phút.
Khi thấy SpO2 nhỏ hơn 95%, phụ huynh cần kiểm tra lại máy bằng cách dùng máy đó đo cho người khác hoặc lấy máy khác đo lại cho trẻ, kiểm tra lại cách đo và vị trí đo.
Ngoài ra, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: sốt liên tục trên 38,5 độ, đau rát họng, ho; tiêu chảy; trẻ mệt không chịu chơi; tức ngực, cảm giác khó thở...
Khi chăm sóc trẻ bị Covid -19, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn, vệ sinh tay, bề mặt tiếp xúc thường xuyên, mở cửa sổ thông thoáng, đảm bảo dinh dưỡng và các thuốc để điều trị triệu chứng cho trẻ tại nhà. Bên cạnh đó, người nhà cũng nên động viên và ổn định tâm lý trẻ, hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đeo khẩu trang (với trẻ trên 2 tuổi), vệ sinh tay cho trẻ, tập thể dục thường xuyên, xử lý chất thải theo hướng dẫn và cần biết cách nhận biết dấu hiệu chuyển nặng, bất thường để trẻ được hỗ trợ y tế kịp thời.
Triệu Vy