Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

F0 khó thở nên làm gì?

Người bệnh cần nằm đầu cao 45 độ, thở nhẹ và sâu... để tiết kiệm lượng oxy đảm bảo sự sống tối thiểu, theo TS. BS Đào Thị Yến Phi.

TS. BS Đào Thị Yến Phi, Nguyên trưởng bộ môn Dinh dưỡng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho biết, một trong những nguy cơ đáng ngại nhất khi mắc Covid-19 là thiếu hụt oxy do tình trạng viêm hô hấp, đặc biệt khi viêm phổi lan tỏa (cơ quan bị tổn thương nghiêm trọng nhất) làm tế bào bị thiếu oxy dẫn đến hàng loạt nguy cơ cho các cơ quan.

Theo bác sĩ, 5 hệ cơ quan quan trọng cần được bảo vệ và cung cấp oxy để đảm bảo sự sống gồm não, tim, gan, thận và hệ miễn dịch. "Quan trọng nhất là phải đưa được oxy vào máu tối đa, tức là trong giới hạn cho phép của hai lá phổi đang bị tổn thương mà không làm phổi tổn thương nặng thêm. Ngoài ra, cơ thể cần tiết kiệm sử dụng oxy hết mức có thể để giảm nhu cầu của tất cả tế bào", bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh.

Dưới đây là những cách được bác sĩ khuyến cáo với F0 để giúp dễ thở:

Cố gắng chịu đựng các triệu chứng ít nguy cơ

F0 nên cố gắng tự mình chịu đựng các triệu chứng khó chịu nhưng ít nguy cơ như: đau nhức cơ, cảm giác chóng mặt, cảm giác kiệt sức... tập trung vào việc thở để cung cấp oxy. Người bệnh cần tiết kiệm oxy tối đa bằng cách nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, đừng hoảng loạn, sợ hãi, vật vã, khóc lóc kể lể, trách móc, giận dỗi, đổ lỗi, tìm cách xem mình lây từ đâu...

TS. BS Đào Thị Yến Phi, Nguyên trưởng bộ môn Dinh dưỡng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM.

TS. BS Đào Thị Yến Phi, Nguyên trưởng bộ môn Dinh dưỡng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Ảnh: NVCC

Nằm kê cao đầu

Người bệnh nằm đầu cao 45 độ (lót từ mông trở lên chứ không chỉ kê ngay cổ), ở nơi càng thoáng khí càng tốt như: gần cửa sổ, lan can. Tư thế thở nằm sấp có thể áp dụng nếu mệt, khó thở nhiều hơn hoặc nằm nghiêng và úp chân từ hông xuống, đầu vẫn ở tư thế nằm nghiêng (giống ngủ ôm gối ôm) khi ngủ không nằm đầu cao được.

Thở nhẹ và sâu

Hít nhẹ, chậm, không gồng cơ, không ráng hít thật nhanh cho nhiều không khí vào phổi; thở ra cũng chậm nhất và nhẹ nhất có thể. Lưu ý, không phải thở kiểu tập thể dục mà thở nhẹ nhàng, chậm chạp, không gồng cơ. Chú ý xem lúc hít thở có bị đau hay khó không? Nếu hít sâu vào thấy đau ở phổi, người bệnh hít nhẹ nhàng, chậm hơn. Do hai lá phổi đang bị viêm nhưng vẫn phải làm việc nên hít thở nhẹ nhàng là cách để phổi tránh quá tải và không làm tình trạng viêm tiến triển nặng hơn.

Làm sạch mũi, họng

F0 cần làm sạch mũi, họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm đường thở thông thoáng nhất có thể, không có nhầy, đàm gây cản trở không khí vào - ra. F0 cần nằm nghỉ nơi ấm áp, không lạnh giúp làm giảm phù niêm mạc, đường thở thông hơn.

Uống nước ấm nhiều lần trong ngày

Người bệnh nên uống vài ngụm mỗi 10 phút sẽ tốt hơn uống đầy bụng. Khuyến cáo ngày tối thiểu 2 lít nước, nếu sốt thì cộng mỗi độ thêm 200ml(500ml nếu nhiệt độ môi trường cao, trời nóng). Nhiệt độ nước tốt nhất là khoảng 35 độ C (một sôi 2 nguội); không uống các loại nước gây kích thích thần kinh như: trà, cà phê...

Nước chanh, gừng, sả, tắc... chủ yếu giúp tăng thông thoáng đường hô hấp nhưng uống với liều cao và trên những cơ địa nhạy cảm, có thể làm tăng nguy cơ kích thích đường ruột, thần kinh thực vật, gan thận... Loại nước này không làm tăng khả năng sống sót với bệnh Covid-19. Vì vậy, tốt nhất là sử dụng nước lọc ấm.

Việc ngủ nghỉ sẽ giúp người bệnh đỡ mệt và tiết kiệm lượng oxy tiêu hao. Ảnh: Freepik

Việc ngủ nghỉ sẽ giúp người bệnh đỡ mệt và tiết kiệm lượng oxy tiêu hao. Ảnh: Freepik

Hạ sốt

Khi sốt, người bệnh có thể uống thuốc Acetaminophen (Paracetamol, Acetamol, Panadol, Tylenol... đều cùng loại), không dùng Ibuprofene, Aspirin, Alaxan... F0 uống thuốc hạ sốt mỗi 4 giờ, tối đa 6 lần/24g. Nếu uống thuốc mà chưa hạ, có thể lau ấm, đắp khăn ấm hay tắm bằng nước ấm; không cần hạ đến dưới 37 độ, dưới 38 độ C là đạt yêu cầu.

Giảm ho

Nếu ho nhiều, F0 có thể dùng thêm các loại thuốc giảm ho thảo mộc như: Eucalyptin, tần dày lá, tắc chưng đường phèn... Không dùng các thuốc giảm ho có Codein (Terpi Codein hay Dextromethorphan).

Làm sạch mũi họng là cách giảm ho rất tốt trong giai đoạn đầu của viêm hô hấp. Việc dùng thuốc chắc chắn phải có chỉ định, không nên tự ý sử dụng kháng sinh, kháng viêm, kháng đông... Mọi loại thuốc đều có tác dụng phụ, ngay cả Paracetamol hạ sốt cũng sẽ gây hại cho gan, nên uống bao nhiêu, bao nhiêu lâu mới uống lại... đều phải nằm trong ngưỡng an toàn.

Kháng viêm corticoid dùng ở giai đoạn sớm có thể làm giảm miễn dịch, virus sinh sôi nhanh hơn hay xuất huyết tiêu hóa; thuốc bổ có chứa sắt (Fe) có thể nuôi dưỡng sự sinh sản của virus; kháng đông có thể gây xuất huyết nặng ở những người có rối loạn đông máu... Vì vậy, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ khi dùng thuốc trong trường hợp cụ thể ngay lúc đó, không được tự ý uống theo các toa thuốc lưu truyền trên mạng.

Ăn cháo loãng

Cháo nấu chín kỹ và mềm nhừ để có thể húp, nuốt mà không cần nhai. Món ăn cần phải cung cấp năng lượng nhanh và sạch cho các tế bào (glucose tốt nhất); không tạo ra thêm chất chuyển hóa làm cơ thể ứ đọng chất độc (giảm đạm và béo). Món cháo cần dễ tiêu hóa, hấp thu dễ dàng, không làm hệ tiêu hóa gắng sức (giảm đạm và béo); cung cấp các chất vi lượng rất ít dự trữ trong cơ thể: vitamin nhóm B, C; dễ nấu, dễ bảo quản, có ngay liên tục để người bệnh ăn nhiều lần.

Với tất cả yêu cầu trên, món ăn đơn giản và phù hợp nhất chính là món cháo đậu xanh giữ nguyên vỏ:

- Cách nấu để giữ vitamin: cho 200g gạo với 50g đậu xanh bẻ đôi còn nguyên vỏ vào nồi, vo sạch, đổ 1 lít nước, nấu vừa sôi thì tắt bếp, đậy kín nắp bỏ đó trong 2 giờ. Mỗi lần ăn lấy ra khoảng 100 - 150ml, nấu vừa sôi lại, nêm các mùi vị khác nhau như: đường, hành, muối mè, chà bông, nước mắm... Phần cháo chưa ăn, bảo quản trong tủ lạnh.
- Yêu cầu lúc ăn: cháo loãng và ấm, không ăn lạnh, có thể nuốt dễ dàng mà không cần nhai.
- Lưu ý: không cần và không nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua...) trong thời gian bệnh nhân đang mệt, khó thở, ho nhiều... Đa số bệnh nhân mất khẩu vị, nên chỉ cần nấu cháo loãng để có thể nuốt dễ dàng không cần mùi vị đặc biệt gì.
- Ăn nhiều lần, mỗi 1-2 giờ cho húp nửa chén cháo nóng tốt hơn ăn 3 bữa mỗi ngày.

Người bệnh có thể bồi dưỡng phục hồi sau khi cơ thể ổn định. Khi các chuyển hóa trong cơ thể đang rối loạn, cần ăn nhẹ nhất để giảm tối đa nhu cầu oxy của của tiêu hóa và chuyển hóa tế bào.

Ngủ nghỉ

Người bệnh cần ngủ càng nhiều càng tốt. Nếu không ngủ được, F0 cần nằm nghỉ; không sử dụng oxy cho việc gì khác ngoài thở và nuôi dưỡng các cơ quan trọng yếu đã nêu trên.

Theo dõi

F0 cần theo dõi nhịp thở nhỏ hơn 20 lần mỗi phút, xem thở nhẹ hay nặng, thở có đau ở đầu không, môi tím tái, thở có co kéo ở các xương sườn... và triệu chứng nhức đầu dữ dội; sốt bao nhiêu độ, uống hạ sốt vào có đáp ứng không; tay chân lạnh. Các triệu chứng như mất vị giác khứu giác, mắt phù phù đỏ đỏ, nhức mỏi người, đau cơ... gây khó chịu nhưng không tăng nguy cơ chết nên người bệnh cố gắng chịu đựng.

Xin tư vấn từ bác sĩ

Người bệnh hoặc người chăm sóc có thể gọi cho một bác sĩ quen có video call để bác sĩ nhìn được bệnh nhân và tư vấn dùng thuốc (nếu cần).

Bệnh sẽ kéo dài 7 - 14 ngày và ngay cả khi xét nghiệm virus đã âm tính, người bệnh vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, ho, khó chịu kéo dài. Sau khi qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần tiếp tục tập thở theo một chương trình phục hồi chức năng hô hấp để tránh xơ phổi và ăn chế độ tăng cường dinh dưỡng để phục hồi cơ thể sau.

Với các F0 đang trong giai đoạn bệnh tiến triển, mục tiêu là làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng và sống sót. Trong trường hợp ở tại nhà, phổi viêm nặng, không đem oxy vào máu được, không có máy thở, không có oxy hỗ trợ, việc tiết kiệm oxy là biện pháp cần chú trọng hàng đầu.

Hải My