Bệnh nhân Covid-19 cần giữ tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ và thường xuyên giao tiếp trực tuyến với người thân.
F0 cần giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, tránh hoang mang để không ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận dinh dưỡng, thuốc... Tâm lý hoang mang, lo sợ dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, để kiểm soát căng thẳng, mọi người cần:
- Học cách thích nghi, chấp nhận "sống chung an toàn" với dịch bệnh.
- Thực hiện cách ly đúng thời hạn với tâm lý thoải mái, không tự tạo áp lực cho bản thân, không suy nghĩ quá nhiều.
- Thường xuyên liên hệ với các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp qua điện thoại, tin nhắn, gọi video mỗi ngày.
- Trong thời gian giãn cách xã hội, nếu cách ly cùng gia đình, hãy dành thời gian chăm sóc họ nhiều hơn để giảm suy nghĩ tiêu cực.
- Ngoài ra, cần tránh nghe, đọc hoặc xem tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các trang mạng xã hội.
F0 cũng cần tích cực phối hợp với y tế phường để sớm khỏi bệnh thông qua việc:
- Uống thuốc đúng giờ.
- Ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa.
- Tránh tâm lý buông bỏ hoặc quá lơ là, chủ quan.
- Luôn trong tâm thế sẵn sàng, báo cáo ngay khi có dấu hiệu mệt mỏi quá sức hoặc bất kỳ dấu hiệu cần cấp cứu nào như: oxy trong máu dưới 94%; nhịp thở nhiều hơn 24 lần một phút; đau thắt ngực, khó thở khi vận động; không thể nói đủ câu; lẫn lộn về thời gian, địa điểm; da xanh, môi nhợt; không tự đi, cầm nắm, ăn uống được; lạnh đầu ngón tay, ngón chân...
- Tìm hiểu trước về quy trình nhập viện, cấp cứu điều trị Covid-19 tại các bệnh viện gần nhà hoặc bệnh viện tầng cao (tầng 3 trong phân tầng bệnh viện điều trị dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao) để tiết kiệm thời gian khi gấp rút.