Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

3 cách tập thở hỗ trợ phục hồi phổi hậu Covid-19

Người sau khi mắc Covid-19 đặc biệt là gặp hội chứng Covid kéo dài nên tập thở hàng ngày như một cách điều trị để cải thiện sức khoẻ.

Các triệu chứng Covid-19 có thể tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng sau khi mắc bệnh. Hiện tượng này được gọi là Covid kéo dài. Coronavirus chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, do đó, một trong những triệu chứng sau khi hồi phục ban đầu có thể là khó thở liên tục. Dưới đây là một số bài tập thở người sau khi nhiễm nCoV có thể áp dụng tại nhà để cải thiện tình trạng sức khoẻ.

Thở bằng cơ hoành

Hướng dẫn kỹ thuật tập thở sau mắc Covid-19
 
 

Hướng dẫn kỹ thuật thở bằng cơ hoành. Video: Chương trình phòng chống lao - Bộ Y tế

Mục đích: tăng thông khí vào phổi, giảm khó thở mệt mỏi, tăng cường hoạt động của các cơ vùng bụng.

Thực hiện kỹ thuật:
- Người bệnh ngồi ghế, hai chân mở rộng bằng vai, thả lỏng cơ thể.
- Đặt 1 hoặc 2 tay lên bụng.
- Hít vào bằng mũi sao cho bụng phình lên, cảm nhận bụng phình lên đẩy tay ra..., rồi nín hơi sau đó thở ra bụng từ từ thót lại.
- Có thể thực hiện kỹ thuật ở tư thế ngồi, đứng, đi hoặc nằm.

Lưu ý: hít vào bụng phình lên và thở ra bụng thót lại, không ưỡn lưng để bụng phình lên. Duy trì tập luyện mỗi ngày ít nhất 2 lần mỗi lần 15 phút hoặc khi có cảm giác khó thở, mệt mỏi.

Thở mím môi

Hướng dẫn kỹ thuật tập thở sau mắc Covid-19
 
 

Hướng dẫn kỹ thuật thở mím môi. Video: Chương trình phòng chống lao - Bộ Y tế

Mục đích: làm tăng thông khí, tăng khả năng bong tróc đờm dịch để dễ dàng đẩy đờm dịch ra ngoài.

Thực hiện kỹ thuật:
- Người bệnh ngồi trên ghế/ giường hai chân mở rộng bằng vai, thả lỏng cơ thể.
- Hít vào làm căng lồng ngực sau đó mím môi thở ra từ từ sao cho thời gian thở ra ít nhất bằng 2 lần thời gian hít vào.
- Có thể tập ở tư thế nằm nếu người mệt mỏi, tốt nhất nên tập ở tư thế ngồi để dễ dàng ho khạc khi có đờm.

Lưu ý: Thời gian thở ra dài gấp đôi thời gian hít vào. Duy trì tập luyện mỗi ngày ít nhất 2 lần mỗi lần 5 đến 10 phút, nên thở mím môi ngay sau khi ngủ dậy, khi khó thở hoặc khi có cảm giác muốn ho.

Thở chu kỳ chủ động

Hướng dẫn kỹ thuật tập thở sau mắc Covid-19
 
 

Hướng dẫn thở chu kỳ chủ động. Video: Chương trình phòng chống lao - Bộ Y tế

Mục đích: kỹ thuật này được áp dụng trên tất cả các trường hợp bệnh lý hô hấp có biểu hiện tăng tiết hoặc ứ đọng đờm dịch.

Thực hiện kỹ thuật:
- Người bệnh ngồi hơi gập người về phía trước (tư thế đánh cờ) hoặc đứng. Đối với người bệnh không thể tự ngồi, đặt tư thế đầu cao 60 độ, đầu gối hơi gập.
- Bước 1: Người bệnh hít thở nhẹ nhàng, từ từ bằng mũi sao cho cơ thể thoải mái và thư giãn. Thời gian thở ít nhất từ 20 đến 30 giây.
- Bước 2: Người bệnh hít thật sâu bằng mũi sao cho lồng ngực được căng giãn tối đa, sau đó nín hơi khoảng 2-3 giây rồi thở ra nhẹ nhàng bằng miệng. Lặp lại bước này 3-5 lần.
- Lặp lại bước 1 và bước 2 vài lần trước khi chuyển sang bước 3.
- Bước 3: Người bệnh hít thật sâu rồi nín thở khoảng 2-3 giây, sau đó, tròn miệng hà hơi thật mạnh. Thực hiện bước này 1-2 lần nếu chưa khạc được đờm thì lặp lại chu kỳ từ bước 1.

Lưu ý: thực hiện kỹ thuật 1-2 lần hoặc đến khi cảm thấy đường thở thông thoáng thì dừng. Nếu có dấu hiệu ho ra bọt màu hồng cần báo với nhân viên y tế để xử trí kịp thời.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cảm giác khó thở do Covid kéo dài, ngoài các kỹ thuật tập thở, bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục hoặc thể dục nhịp điệu. Hoạt động thể dục nhịp điệu cũng có thể làm giảm đau ngực và mệt mỏi do Covid kéo dài bằng cách đẩy chất bài tiết ra khỏi phổi và cải thiện quá trình oxy hóa của bạn. Bên cạnh đó, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ hoặc bất kỳ hoạt động nào giúp bạn vận động. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên tập thể dục quá sức khiến tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn; chỉ tăng cường độ của các hoạt động khi tình trạng khó thở giảm xuống.

An Nhiên