Gan là cơ quan thiết yếu của cơ thể, thực hiện hơn 500 chức năng quan trọng. Trong đó chức năng chính là loại bỏ các độc tố khỏi máu, duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh và tạo ra các chất dinh dưỡng cần thiết.
Báo cáo trên Sciencedirect cho biết, trên thế giới hiện có hơn 122 triệu người bị xơ gan, bao gồm 10 triệu người mắc bệnh xơ gan mất bù (xơ gan cổ trướng).
Theo TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, xơ gan là hậu quả của nhiều bệnh gan mạn tính, bao gồm viêm gan siêu vi, nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, các bệnh về đường mật và nhiều loại bệnh chuyển hóa hoặc di truyền..., gây suy giảm chức năng miễn dịch. Những bệnh nhân trên nền suy giảm miễn dịch, nếu không được tiêm phòng vaccine Covid-19, thường có nguy cơ nhiễm Sars-CoV-2 cao hơn và có thể gặp nhiều biến chứng.
Trong khi đó, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, những bệnh nhân đã được tiêm phòng vaccine, đặc biệt tiêm đủ số mũi, trong trường hợp không may mắc Covid-19 ít có khả năng diễn biến nặng hơn so với nhóm bệnh nhân chưa được tiêm.
![TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: NVCC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/02/28/TS-BS-Than-Manh-Hung-BV-Nhiet-3472-9068-1646046394.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6K46Gxk3X7iMmSrEinshEw)
TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
"Vaccine không có chống chỉ định với bệnh nhân xơ gan còn bù. Vì vậy, cách bảo vệ bệnh nhân xơ gan hữu hiệu nhất trước những biến chứng nặng và nguy cơ tử vong do Covid-19 hiện nay là tiêm vaccine", TS. BS Thân Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trường hợp bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối có rối loạn đông máu nặng, tiểu cầu giảm có thể xuất hiện nguy cơ chảy máu ở trong cơ khi tiêm vaccine. Vì vậy, những bệnh nhân này cân nhắc và cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn khám, đánh giá trực tiếp có được tiêm vaccine hay không. Bệnh nhân có nền xơ gan mà không có chống chỉ định thì vẫn tiêm phòng covid-19 bình thường.
Đối với những F0 có bệnh nền xơ gan đang được điều trị tại nhà, bác sĩ Hùng khuyến cáo nên theo dõi tình trạng toàn thân như thân nhiệt hay những dấu hiệu suy hô hấp. Nếu sốt, nhịp thở tăng trên 20 lần, chỉ số SpO2 nhỏ hơn 94%, bệnh nhân cần báo bác sĩ điều trị ngay.
"Thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol hay thuốc kháng virus là những thuốc chuyển hóa qua gan. Đối với người có bệnh lý xơ gan, việc sử dụng những thuốc này cần hết sức lưu ý và phải có sự tham vấn của bác sĩ điều trị. Nếu dùng không đúng liều lượng, không đúng chỉ định thì nguy cơ dẫn đến suy gan của nhóm bệnh nhân này là rất cao", bác sĩ Hùng lưu ý.
Về chế độ ăn, các F0, đặc biệt trên bệnh lý xơ gan, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu để đảm bảo việc hấp thu dinh dưỡng. Vì Covid-19 tác động một phần lên hệ tiêu hóa cũng như làm rối loạn khứu giác, vị giác nên bệnh nhân thường có cảm giác ăn không ngon miệng, từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng.
Ngoài ra, F0 có bệnh nền nói chung, bệnh lý về xơ gan nói riêng, vẫn phải tiếp tục uống thuốc đang điều trị bệnh nền, không được dừng hay tự ý thay đổi thuốc nếu không có chỉ định.
"Mọi sinh hoạt hàng ngày trước đây diễn ra như thế nào, thì khi mắc Covid-19, bệnh nhân vẫn nên duy trì như thế, bao gồm điều trị bệnh nền, vận động, tập thể dục trong nhà", bác sĩ Hùng nói.
Tuấn Thủy