Giá trị SpO2 bình thường dao động ở mức 95% - 100%, nếu xuống dưới 95%, cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng thiếu oxy máu.
Chỉ số SpO2 có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe người bệnh. Đây là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, nhịp thở và huyết áp. Trong quá trình điều trị F0 tại nhà, việc theo dõi chỉ số SpO2 là rất cần thiết, ngoài việc đo nhiệt độ cơ thể thường xuyên. Chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Dũng, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về chỉ số SpO2 cũng như có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà nếu nhiễm Sars-CoV-2.
Định nghĩa về SpO2
SpO2 (viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral Oxygen) là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Rất nhiều người hiểu chưa đúng "SpO2 là nồng độ oxy máu". Hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Chi tiết hơn, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein có chức năng vận chuyển oxy và CO2 trong các tế bào hồng cầu. Chỉ số SpO2 được đo bằng phép đo xung - một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn (không đưa các dụng cụ vào trong cơ thể).
Máy đo SpO2 hoạt động bằng cách phát ra và tự hấp thu một làn sóng ánh sáng đi qua các mạch máu hoặc mao mạch trong đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi của sóng ánh sáng xuyên qua ngón tay, ngón chân hoặc dái tai sẽ cho biết kết quả của phép đo SpO2 vì mức độ oxy bão hòa gây ra các biến đổi về màu sắc của máu.
Chỉ số SpO2 ở người bình thường
Giá trị SpO2 bình thường dao động ở mức 95% - 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng thiếu oxy máu. Các nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số SpO2 từ 95% trở lên là bình thường, đảm bảo an toàn.
Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn (ở người bình thường không có bệnh nền):
- SpO2 từ 97 đến 100%: Chỉ số oxy trong máu tốt.
- SpO2 từ 94 đến 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần theo dõi, kiểm tra tìm nguyên nhân và cân nhắc việc sử dụng oxy.
- SpO2 từ 90% đến 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị sớm.
- SpO2 dưới 90%: Một trong những dấu hiệu suy hô hấp nặng cần cấp cứu.
Chỉ số SpO2 ở trẻ sơ sinh:
Ở trẻ sơ sinh, chỉ số SpO2 an toàn giống như của người lớn, đó là trên 95%. Nếu chỉ số SpO2 của trẻ giảm xuống dưới mức 90% thì cần thông báo cho y, bác sĩ để được hỗ trợ can thiệp kịp thời.
Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả đo SpO2
Chỉ số SpO2 đo được có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
Chất lượng máy
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy, mọi người nên sử dụng máy thuộc một số thương hiệu đảm bảo của Đức, Nhật, một số máy của Trung Quốc nhưng chất lượng tốt... Các loại máy không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá thành quá rẻ... vẫn đo được nhưng đôi khi cho kết quả không chính xác, đặc biệt khi người bệnh không có kinh nghiệm, không thường xuyên sử dụng.
Ngoài ra, đo SpO2 bằng phần mềm trên điện thoại không có giá trị do sai số quá lớn.
Vị trí đo
Ba vị trí cơ bản:
- Đầu ngón tay.
- Đầu ngón chân.
- Dái tai (khi không thể đo ở ngón tay, ngón chân).
Lưu ý: Phải để đèn cảm biến soi đúng vào vị trí móng tay hoặc chân (mặt máy phải cùng phía móng). Móng tay hoặc chân nên cắt ngắn, để sạch, không sơn vẽ... làm ảnh hưởng đến việc dẫn truyền ánh sáng cảm biến.
- Tình trạng giảm tưới máu ngoại vi do bệnh lý, tình trạng sốc, hạ hay mất huyết áp, sử dụng thuốc gây co mạch hoặc hạ thân nhiệt nặng... có thể khiến máy không đo được hoặc cho kết quả không chính xác.
- Hemoglobin bất thường, gặp trong một số bệnh lý về máu, ngộ độc cấp...
- Cử động, giãy dụa... làm cảm biến bị lệch khỏi móng tay, chân, vị trí đo.
Khi thấy một kết quả SpO2 không tương xứng với tình trạng người bệnh, mọi người cần kiểm tra lại các vấn đề trên.
Triệu chứng khi SpO2 giảm
Tình trạng giảm SpO2 (thiếu oxy trong máu) tùy mức độ, có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Tím, tái, vã mồ hôi.
- Khó thở, thở nhanh, thở rít, khò khè...
- Tăng nhịp tim (giai đoạn sớm), giảm nhịp tim (giai đoạn muộn - nguy kịch).
- Rối loạn ý thức (thiếu oxy não).
- Mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở...
Đây là những dấu hiệu thiếu oxy máu từ mức độ nặng đến nguy kịch và tử vong. Nó biểu hiện tình trạng thiếu oxy mô cơ quan, đáp ứng bù trừ của cơ thể đến một giới hạn nhất định, khi não, gan và nhiều cơ quan khác trên cơ thể bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Vì vậy, theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng thiếu oxy máu, từ đó, đưa ra phương án xử trí phù hợp và kịp thời, tránh diễn biến nguy hiểm cho người bệnh.
Trong bệnh cảnh Covid-19, SpO2 cũng là một dấu hiệu để phân độ bệnh và là căn cứ để điều trị.
- Nhẹ: SpO2 > 96%, không thở oxy.
- Trung bình: SpO2 94% - 96%, thở oxy và dùng thuốc.
- Nặng: SpO2 < 94%, liệu pháp oxy (các mức độ), điều trị tại bệnh viện.
- Nguy kịch (Nhiều triệu chứng khác): điều trị tại Hồi sức tích cực.
Nếu không có máy SpO2, người chăm sóc vẫn có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng cần có kinh nghiệm và tỉ mỉ hơn.
Bác sĩ Nguyễn Dũng