Tim mạch là một trong những nhóm bệnh nền nguy cơ cao nhất. Covid-19 làm tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh tim mạch gấp 10 lần so với người không có tiền sử tim mạch, theo Viện Tim mạch Việt Nam. Các chuyên gia y tế, cho biết, những biến chứng như rối loạn nhịp tim, tổn thương tim cấp tính gồm ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim, xảy ra có thể do virus SARS-CoV-2 ức chế hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, từ đó làm giảm nồng độ oxy trong máu và gây rối loạn nhịp tim. Sự xuất hiện của virus trong cơ thể cũng kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, kích hoạt hoạt động của thần kinh tự chủ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Chu Minh Hà, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện E, chẩn đoán và xử lý những bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền tim mạch cần lưu ý ba điểm chính.
Thứ nhất, những bệnh nhân có bệnh nền tim mạch khi bị mắc Covid 19 dễ bị biến chứng tim mạch và tử vong cao hơn so với bệnh nhân không bị bệnh nền tim mạch. Do đó điều quan trọng là cần tiếp tục điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn ở bệnh nhân có bệnh nền ổn định và không có chống chỉ định. Các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể có vai trò bảo vệ tim mạch, hạn chế virus SARS-CoV-2 gây tổn thương cơ tim khi mắc Covid-19, vì vậy không nên dừng UCMC (thuốc ức chế men chuyển angiotensin) và UCTT (thuốc ức chế thụ thể angiotensin) cho bệnh nhân đang điều trị ổn định bằng thuốc này.
Thứ hai, phải chú ý đến tác dụng phụ của các thuốc kháng virus. Các thuốc kháng virus gây ra một số ảnh hưởng đến hệ tim mạch và tương tác với các thuốc tim mạch khác.
Thứ ba, ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành mạn tính hoặc đã được đặt stent động mạch vành, khi nhiễm nCoV có thể làm tăng đông máu dẫn đến mảng vữa xơ có thể nứt vỡ, tạo huyết khối hoặc stent bị huyết khối có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân Covid-19 có thể mắc tổn thương đa mạch do tăng đông và tăng viêm.
Với những trường hợp bệnh nhân có hội chứng vành cấp, đặt biệt là nhồi máu cơ tim không ST chênh lên thì thời gian can thiệp không cần quá chặt chẽ, nếu dương tính, cần phải xem xét nguy cơ khi làm can thiệp động mạch vành qua da, có thể tính đến phương án sử dụng tiêu sợi huyết hơn là can thiệp qua da. Chỉ nên thực hiện chụp động mạch vành khẩn cấp và có thể can thiệp động mạch vành qua da khi có các đặc điểm lâm sàng nguy cơ cao hoặc bất ổn huyết động. Những trường hợp này cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ tại bệnh viện.
Cũng theo bác sĩ Chu Minh Hà, tất cả bệnh nhân tim mạch là những bệnh nhân có nguy cơ cao, nên tuân thủ theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện 5K. Những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nên được tiêm phòng ngừa vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu bệnh nhân đang trong vùng có dịch và tình trạng tim mạch ổn định, tránh đến khám trực tiếp ở các cơ sở y tế, thay vào đó, có thể trao đổi với bác sĩ riêng qua điện thoại.
Để cải thiện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tim mạch, người bệnh cần ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và tránh mọi căng thẳng không đáng có.
"Bệnh nhân chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Khi có những dấu hiệu bất thường phải thông báo ngay đến nhân viên y tế hoặc bác sĩ", Tiến sĩ, bác sĩ Chu Minh Hà nhấn mạnh.
Huyền Anh