Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Dấu hiệu nhận biết thiếu oxy thầm lặng

Khi gặp tình trạng thiếu oxy thầm lặng (SpO2 < 94%), người bệnh không khó thở nhưng cần được điều trị kịp thời để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia), người sáng lập nhóm tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho biết, tình trạng thiếu oxy thầm lặng (happy hypoxia) là hiện tượng cơ thể giảm oxy máu (SpO2 < 94%) nhưng gây cảm giác chủ quan cho người bệnh vì không thấy khó thở, nhất là người già.

Tình trạng này trở nên phổ biến hơn khi chủng Delta xuất hiện, và ở Việt Nam không hiếm. Trong quá trình hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà, nhất là vào thời điểm tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 ở TP HCM và các địa phương miền Nam chưa cao, hiện tượng thiếu oxy máu thầm lặng hay xảy ra ở người già, người có bệnh lý nền như: tăng huyết áp hay đái tháo đường, mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính. Ngoài ra, "happy hypoxia" cũng xuất hiện ở người trẻ khi bệnh nhân không có các dụng cụ theo dõi nồng độ oxy máu chính xác, chỉ dựa vào cảm giác chủ quan như khó thở, rất khó đánh giá chính xác được tình trạng và diễn tiến bệnh.

Người nhiễm Covid-19 cần liên tục theo dõi chỉ số SpO2. Ảnh: Oxymetredepouls.fr

Người nhiễm Covid-19 cần liên tục theo dõi chỉ số SpO2. Ảnh: Oxymetredepouls.fr

Bác sĩ Tuấn lưu ý, khó thở là cảm giác chủ quan của người bệnh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Tâm lý: căng thẳng, lo lắng hay hồi hộp sẽ gây khó thở hơn.
- Khả năng chịu đựng với nồng độ oxy máu giảm thấp: những bệnh nhân bệnh lý hô hấp mãn tính sẽ có khả năng chịu đựng cao hơn mặc dù nồng độ oxy máu giảm nhưng nhiều khi vẫn chưa thấy khó thở.
- Thiết bị đo SpO2 cũng không hoàn toàn đánh giá chính xác được nồng độ oxy máu động mạch mà chỉ là một giá trị tham khảo và kết quả phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị đo.

Thiếu oxy máu thầm lặng sẽ gây ra sự chủ quan về phía người bệnh và cả người chăm sóc. Khi lượng oxy máu giảm thấp, mô không được cung cấp đủ oxy (đặc biệt là các mô "sống còn" như: tim, não, thận) sẽ gây ra các phản ứng bất lợi cho cơ thể và không hồi phục nếu không được cấp cứu kịp thời như suy hô hấp, hôn mê. Tình trạng bệnh lý Covid-19 sẽ nặng lên, mất sự điều hòa khiến các phản ứng viêm xuất hiện nhiều hơn, tạo thành dòng thác bệnh lý làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, khi oxy máu giảm thấp, nồng độ CO2 máu cao có thể gây ức chế thân não, gây ngưng thở (tình trạng bệnh nhân không thở nhưng vẫn còn mạch, tim đập bình thường) và sẽ tử vong chỉ vài phút sau đó.

Trong quá trình hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà, bác sĩ Tuấn đã gặp một số trường hợp đáng tiếc liên quan tới tình trạng thiếu oxy thầm lặng như một bệnh nhân ở độ tuổi hơn 30 tuổi. Khi hỏi kỹ hơn, người nhà cho biết trước đó, bệnh cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh nhưng mọi thứ diễn tiến quá nhanh, không kịp cấp cứu. Một trường hợp khác là cụ ông 90 tuổi. Dù người nhà theo dõi SpO2 dưới 94% nhưng cụ ông không thấy khó thở và nhất quyết không chịu thở oxy. May mắn là sau đó, bác sĩ và người thân đã thuyết phục được cụ hợp tác điều trị và khỏe mạnh trở lại.

Để đánh giá chính xác liệu bệnh nhân có thiếu oxy máu thầm lặng hay không, đầu tiên, phải có thiết bị đo SpO2. Nếu SpO2 < 94% cho dù không khó thở, cần phải báo cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí tiếp theo. Trong thời gian này, người nhà vẫn phải theo dõi sát sao diễn tiến của người bệnh.

"Người bệnh không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nếu chưa được điều trị tại các bệnh viện, F0 cần phải có thiết bị SpO2 và có người nhà theo dõi. Khi thấy tình trạng SpO2 liên tục < 94%, người bệnh cũng như người chăm sóc cần báo cho các bác sĩ hay cơ sở y tế để tiếp cận nguồn oxy cũng như các phương pháp điều trị kịp thời. Người bệnh cũng cần ăn uống bồi bổ, nghỉ ngơi hợp lý", bác sĩ Tuấn khuyên.

Hải My

Dấu hiệu nhận biết thiếu oxy thầm lặng - 1

Khoảng 80% bệnh nhân F0 mắc di chứng hậu Covid-19

Bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh có thể tham khảo loạt thuốc hỗ trợ tăng đề kháng, giúp giảm và điều trị các triệu chứng, biểu hiện bất thường về tim mạch, phổi, đột quỵ... nhằm tránh những biến chứng nặng nề, nguy hiểm, cần phải can thiệp ngay cũng như điều trị lâu dài.

Xem thêm tại đây. Tổng đài miễn cước: 1800 6928
Từ ngày 16/12, chuyên trang Tư vấn F0 của VnExpress mở thêm mục Chia sẻ để bệnh nhân hay người nhà F0 có thể chia sẻ hành trình chữa trị tại nhà, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, quy trình khử khuẩn, kỹ năng chăm sóc, thiết bị y tế... Độc giả chia sẻ bài viết hoặc đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây.