Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy khi mắc Covid-19

Cha mẹ cần bù nước, bổ sung kẽm, chia nhỏ bữa ăn... khi con bị tiêu chảy do nhiễm Covid-19.

Đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây

Bên cạnh sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy cấp cũng là một trong các triệu chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ khi mắc Covid-19. Đây là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ.

Theo Tổ chức Tiêu hóa Canada (Canadian Digestive Health Foundation), triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn gặp ở hơn 50% số các bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong số các bệnh nhân có vấn đề về tiêu hóa thì đến 67% số bệnh nhân có tiêu chảy. Nguyên nhân là do virus xâm nhập và làm tổn thương tế bào đường ruột, tăng tính thấm của tế bào đường ruột gây tiêu chảy. Ngoài ra, SARS- CoV-2 cũng gây thay đổi thụ thể tiếp nhận của các enzyme gây thay đổi hệ vi sinh đường ruột.

Đối với tình trạng trẻ bị tiêu chảy do Covid-19, bác sĩ Vũ Thị Việt Chinh, nhóm Bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0, khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ uống thêm dịch, bổ sung kẽm, tiếp tục cho ăn và theo dõi các dấu hiệu để đưa trẻ đi khám ngay khi thấy các dấu hiệu bất ổn. Dưới đây là những lưu ý cụ thể từ bác sĩ.

Cha mẹ cần lưu ý và chăm sóc cẩn thận khi trẻ bị tiêu chảy. Ảnh: Gleneagles

Cha mẹ cần lưu ý và chăm sóc cẩn thận khi trẻ bị tiêu chảy. Ảnh: Gleneagles

Uống thêm dịch

Đối với trẻ nhỏ, trẻ cần được bú mẹ thường xuyên và mỗi cữ bú lâu hơn. Trẻ lớn hơn cần uống thêm các loại nước như: dung dịch oresol, canh, nước cháo, hoa quả, nước đun sôi để nguội; tránh cho con uống nước đường, nước ngọt công nghiệp. Các mẹ cần chú ý khi tự pha oresol khi mua dạng gói, pha đúng tỷ lệ theo khuyến cáo trên bao bì. "Nhiều mẹ có suy nghĩ pha đặc để uống được nhiều hơn, điều này là sai lầm và sẽ làm tình trạng mất nước của con thêm nặng nề", bác sĩ Chinh chia sẻ.

Cách uống:

- Cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng cốc hoặc thìa.
- Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút, sau đó tiếp tục cho trẻ uống nhưng chậm hơn.
- Tiếp tục cho uống thêm các loại nước cho đến khi ngừng tiêu chảy.

Lượng dịch cần bù theo số tuổi:

Tuổi

Lượng oresol uống sau mỗi lần tiêu chảy

Lượng oresol tối đa một ngày
Nhỏ hơn 24 tháng 50-100ml 500 ml
2 - 10 tuổi 100-200ml 1.000 ml
Lớn hơn 10 tuổi theo nhu cầu 2.000 ml

Bổ sung kẽm

Kẽm có tác dụng tốt trong việc hồi phục biểu mô ruột. Do đó, việc bổ sung kẽm sẽ giúp giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng phân, độ nặng và thời gian mắc bệnh của trẻ. Các mẹ có thể bổ sung kẽm cho con theo liều lượng như sau:

- Trẻ bằng hoặc nhỏ hơn 6 tháng: 10mg kẽm một ngày.
- Trử lớn hơn 6 tháng: 20mg kẽm một ngày.

Dùng trong 10-14 ngày và cần theo sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Tiếp tục cho ăn

Cha mẹ nên cho trẻ ăn theo nhu cầu; khuyến khích trẻ nếu con chán, cho ăn từng lượng nhỏ, cần tránh đưa một khối lượng lớn thức ăn vì tăng gây kích thích ở ruột. Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung lipid từ dầu thực vật; giảm chất xơ và đồ ngọt trong những ngày đầu; và sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất khoáng như: chuối nhiều K, thịt gà nhiều kẽm, cà rốt, bí đỏ nhiều vitamin A.

Một số thực phẩm nên dùng cho trẻ tiêu chảy:

- Chuối: dễ tiêu hóa và hấp thu, bổ sung K do mất đi trong tiêu chảy. Chuối cũng giàu pectin và inulin là chất xơ hòa tan giúp hấp thu dịch trong lòng ruột.
- Gạo: ít chất xơ nên dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Táo: giàu pectin, nên đun chín nước táo thì chất xơ sẽ dễ hấp thu hơn.
- Sữa chua: cung cấp hệ vi khuẩn cho đường ruột.
- Thịt: là nguồn dinh dưỡng cung cấp rất tốt protein và các dưỡng chất quan trọng khác.

Một số thực phẩm không nên dùng:

- Đồ ăn nhanh.
- Sản phẩm từ sữa: bơ, phomat, kem, sữa. Vì khi bé tiêu chảy, một phần men tiêu hóa đường lactose sẽ bị mất đi gây nên tình trạng không dung nạp đường làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột.
- Sản phẩm có nhiều đường đơn: nước ngọt, kẹo, bánh.
- Thực phẩm sinh hơi: đậu đỗ, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh.
- Thực phẩm nhiều chất béo: làm tăng co bóp ruột.

Sau khi trẻ khỏi tiêu chảy, cha mẹ cho con ăn thêm một bữa ngoài những bữa ăn bình thường trong ngày khoảng 2 tuần để đảm bảo hồi phục cân nặng.

Theo dõi các dấu hiệu bất thường

Một số dấu hiệu mất nước các mẹ có thể theo dõi con như trẻ kích thích vật vã, li bì, khó đánh thức; tình trạng mắt trũng. Ngoài ra, thiếu nước biểu hiện ở giai đoạn nhẹ, trẻ khát nước, đòi uống nước hoặc chỉ tay với bình nước (nếu trẻ không uống được hoặc uống kém là tình trạng rất nặng).

Để theo dõi tình trạng mất nước ở con khi bị tiêu chảy, cha mẹ có thể để ý nếp véo da ở bụng, đường dọc giữa rốn và hông, theo bác sĩ Vũ Thị Việt Chinh. "Mẹ dùng 4 ngón tay làm một mặt phẳng và ngón cái véo da bụng, bình thường da sẽ đàn hồi trở lại ngay. Trẻ có dấu hiệu mất nước khi nếp véo da mất chậm (nhỏ hơn 2 giây) hoặc mất rất chậm (lớn hơn 2 giây)", bác sĩ Chinh cho biết.

Ngoài ra, các biến chứng mà mẹ cần biết gồm: rối loạn điện giải (co giật, li bì, hôn mê, bụng chướng, liệt ruột, giảm trương lực cơ...); rối loạn toan kiềm (thở nhanh, sâu...); hạ đường huyết (vã mồ hôi, da nhợt, li bì, co giật, hôn mê...); suy thận cấp (tiểu ít, phù...).

Ngay khi con có những dấu hiệu bất thường như trên, cha mẹ cần liên hệ với các y, bác sĩ, nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời. Thông thường, trẻ sẽ cần được bổ sung men tiêu hóa và thuốc kháng tiết đường ruột như Hidrasec (dùng trong ngày 1,2 của bệnh, dùng trong 3 ngày). Cha mẹ không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, chống nôn cho con (tuyệt đối không dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm đi ngoài khi bị tiêu chảy cấp).

Trong trường hợp phân có nhầy, máu, mủ hoặc màu sắc bất thường (đen như bã cà phê, đỏ...), người nhà cần cho bé nhập viện hoặc liên hệ với y tế phường để được hỗ trợ.

Bác sĩ Việt Chinh khuyến cáo, cha mẹ cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc cho con bởi không ít mẹ lạm dụng thuốc kháng sinh cũng như các loại thuốc bổ sung mà không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ khiến hậu quả của việc tương tác thuốc rất khó lường.

"Nhiều trẻ bị tiêu chảy vì uống và thay đổi tới cả chục loại thuốc, chưa kể có thuốc không rõ nguồn gốc, không chính thống được các mẹ mua qua đường 'truyền tai nhau'. Điều này rất nguy hiểm. Các mẹ cần bình tĩnh khi con bị tiêu chảy và cần liên hệ ngay với bác sĩ của gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi để nhận được tư vấn chuẩn xác", bác sĩ nhấn mạnh.

Hải My

Từ ngày 16/12, chuyên trang Tư vấn F0 của VnExpress mở thêm mục Chia sẻ để bệnh nhân hay người nhà F0 có thể chia sẻ hành trình chữa trị tại nhà, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, quy trình khử khuẩn, kỹ năng chăm sóc, thiết bị y tế... Độc giả chia sẻ bài viết hoặc đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây.