Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn F0 tại nhà, ước lượng có tới 90% F0 tại nhà đề cập tới kháng sinh khi xin tư vấn dùng thuốc. Nhiều người không liên hệ được y tế, ra hiệu thuốc được người bán khuyên dùng. Số ít tỏ ra không tin tưởng bác sĩ dù đã được cảnh báo, tự ý mua thêm với tâm lý "thừa còn hơn thiếu", "sợ virus chạy vào phổi, uống thuốc để đề phòng"... "Có trường hợp bác sĩ còn cẩn thận kê hai loại kháng sinh khi gặp F0 bị ho nhiều, viêm họng", ông Hoàng nói.
Theo bác sĩ Hoàng, có ba nhóm kháng sinh đang bị lạm dụng điều trị cho F0 tại nhà, liều lượng trong đơn thuốc cao hơn so với khuyến cáo như: Nhóm macrolide gồm erythromycin, azithromycin và clarithromycin; nhóm β-lactam gồm amoxicillin/clavulanic, ceforuxime, cefradil, cefixim; nhóm Quinolon ví dụ ciprofloxacin, levofloxacine.
Khi sử dụng không đúng chỉ định, các thuốc này làm tăng gánh nặng cho gan, thận. Một số sản phẩm có tác dụng phụ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em dưới 12 tuổi.
Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng gây ra kháng kháng sinh. Đây là tình trạng thuốc không thể tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, hoặc ký sinh trùng gây bệnh. Hậu quả là liệu pháp điều trị không hiệu quả, người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng thông thường hoặc nhiễm khuẩn bệnh viện mà không có thuốc phù hợp để điều trị.
Tại Việt Nam, kháng sinh nằm trong danh mục thuốc phải do bác sĩ kê đơn. Theo bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn, việc người dân tự ý mua về uống là sai quy định và không có lợi cho sức khỏe.
"Kháng sinh sử dụng để điều trị vi khuẩn gây nhiễm trùng, không có hiệu quả điều trị Covid-19 vì bệnh này do virus gây nên", bác sĩ Tuấn giải thích. Trong khi đó, F0 tại nhà thường rất ít bị nhiễm trùng do sống trong môi trường tương đối sạch. Kháng sinh nên được sử dụng cho các F0 điều trị tại bệnh viện, môi trường dễ lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm kháng sinh cần thiết cho người dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Song, nhóm này cũng cần được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.
Các chuyên gia khuyến cáo F0 tại nhà cần bình tĩnh điều trị, tham khảo tư vấn bác sĩ khi sử dụng thuốc. Bác sĩ Hoàng cho biết mọi người không nên vội vàng uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng. Thay vào đó, F0 có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho.
Khi ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, đau bụng, người dân có thể dùng thuốc hoặc siro có alimemazin hoặc diphenhydramin. Đây là các chất có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, F0 nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Chi Lê