Phân tích cơ bản và kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp chủ đạo khi nói đến hoạt động phân tích trên thị trường tài chính.
Phân tích kỹ thuật xem xét chuyển động giá, khối lượng giao dịch của một chứng khoán và sử dụng dữ liệu này để dự đoán biến động giá trong tương lai.
Trong khi đó, phân tích cơ bản đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các nhân tố kinh tế và tài chính có liên quan, các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển trong tương lai. Dưới đây là một số đặc điểm chính của 2 phương pháp phân tích này.
Yếu tố |
Phân tích cơ bản |
Phân tích kỹ thuật |
Mục tiêu |
Xác định giá trị nội tại của chứng khoán |
Xác định điểm mua vào và điểm bán ra của chứng khoán |
Dữ liệu đầu vào |
Báo cáo tài chính, sự kiện, tin tức về ngành và nền kinh tế |
Giá và khối lượng giao dịch của chứng khoán |
Phương pháp phân tích |
- Phân tích định lượng: báo cáo kết quả kinh doanh, sức khỏe tài chính - Phân tích định tính: các chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình ngành, tiềm năng phát triển, ... |
Phân tích dựa trên các chỉ số (RSI, MACD, Oscillator,...), hành động giá. |
Chiến lược đầu tư |
Đầu tư trung và dài hạn |
Đầu tư ngắn hạn |
Cơ sở ra quyết định đầu tư |
Mua/bán khi tài sản ở dưới/trên giá trị nội tại |
Thông tin giá, khối lượng và các dấu hiệu chỉ số kỹ thuật |
Cả hai trường phái phân tích trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Với phân tích cơ bản, nhà đầu tư có thể xác định công ty có giá cổ phiếu thấp hay cao hơn so với giá trị thực của nó. Với tính chất định lượng, quyết định đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, phân tích cơ bản cũng có mặt yếu khi khó xác định thời điểm tham gia thị trường, lượng thông tin cần thiết lớn và cần kiến thức sâu rộng. Mặc dù các dữ liệu cơ bản thường được công bố đại chúng và rõ ràng, nhưng đánh giá của mỗi cá nhân về dữ liệu có thể hoàn toàn khác nhau và dẫn đến kết quả khác nhau.
Còn với phân tích kỹ thuật, thay vì vào lệnh theo cảm tính hoặc dựa vào may mắn, các công cụ phân tích đa dạng giúp nhà đầu tư có thể tìm được điểm ra, điểm vào hợp lý. Bên cạnh đó, phân tích kỹ thuật có thể áp dụng trong nhiều thị trường không chỉ chứng khoán như thị trường hàng hóa, ngoại hối, tiền điện tử....
Dù vậy, điều này không có nghĩa phân tích kỹ thuật đúng trong mọi trường hợp. Phần nhiều các quy tắc trong trường phái phân tích này chỉ mang tính tương đối, không phải là nguyên tắc bắt buộc
Trong một số trường hợp, sẽ có chỉ báo kỹ thuật báo hiệu tín hiệu mua, trong khi một chỉ báo khác sẽ cho tín hiệu bán. Điều này gây ra sự nhầm lẫn trong các quyết định giao dịch.
Ngoài ra, cũng giống với phân tích cơ bản, với cùng một đồ thị giá và một chỉ báo kỹ thuật nhưng các nhà đầu tư sẽ cho ra kết quả phân tích khác nhau và đưa ra các dự đoán đối nghịch nhau về hướng đi của giá.
Nhìn chung, cả hai phương pháp đều có những điểm cộng và điểm trừ riêng, vì vậy khó thể xác định được phương pháp nào tốt hơn trong đầu tư chứng khoán.
Song, theo lời khuyên của các chuyên gia trên thị trường, việc chỉ tập trung vào một phương pháp có thể khiến nhà đầu tư không nhìn được đầy đủ những khía cạnh tiềm năng của chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư có thể kết hợp cả hai trường phái để có thể lập kế hoạch và thực hiện các khoản đầu tư hiệu quả nhất.