Cắt lỗ là gì? Khi nào nên cắt lỗ?
Cắt lỗ đúng thời điểm là quy tắc quan trọng trong đầu tư chứng khoán, giúp nhà đầu tư bảo vệ nguồn vốn và kiểm soát rủi ro.
Với bất kỳ hình thức đầu tư nào, quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm soát được mức thua lỗ. Điều này đặc biệt đúng khi thị trường tiến vào một đợt điều chỉnh lớn, giống như thị trường giá xuống (thị trường con gấu) giai đoạn 2008-2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoặc trong năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 và gần đây nhất là năm 2022 (do lạm phát, chiến tranh...). Khi đó, nhà đầu tư nên cần thực hiện "cắt lỗ" sớm để bảo vệ số tiền đầu tư của mình, tìm cơ hội mới để kiếm lại số tiền đã mất còn khả thi và nhanh hơn so với việc chờ giá cổ phiếu hồi phục để bán ra.
Cắt lỗ trong chứng khoán là việc chủ động bán cổ phiếu đang bị xuống giá hoặc biến động giảm mạnh để thu hồi vốn, tránh trường hợp ngày càng thua lỗ nặng hơn, nhất là đối với những nhà đầu tư sử dụng margin quá nhiều.
Theo nhà đầu tư chứng khoán Mỹ nổi tiếng Philip Arthur Fisher, thời điểm cắt lỗ tốt nhất là khi nhà đầu tư nhận thấy thị trường có nhiều biến động khiến cả những cổ phiếu tốt cũng giảm mạnh, hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng kinh doanh sụt giảm, nhận định ban đầu về doanh nghiệp là sai, khi nhà đầu tư tìm thấy một mã cổ phiếu khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn.
Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm, quyết định cắt lỗ sẽ tùy thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư, cũng như khả năng biến động của cổ phiếu đó. Thông thường, nhiều nhà đầu tư sẽ chọn bán cổ phiếu nếu cổ phiếu đó giảm 7%-8% so với giá mua vào.
Ví dụ, nhà đầu tư mua cổ phiếu T. ở mức giá 54.000 đồng/cổ phiếu, nếu cổ phiếu T. giảm còn 50.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nên cắt lỗ tại thời điểm này.
Việc cổ phiếu bị điều chỉnh giảm giá là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu một cổ phiếu được nhận định tốt mà giảm hơn 8% có nghĩa cổ phiếu đó hoặc thị trường đang bất ổn. Lúc này, nhà đầu tư cần bảo toàn vốn bằng cách cắt lỗ kịp thời. Bởi một cổ phiếu bắt đầu lao dốc thì sẽ không có dấu hiệu để nhận biết đáy ở đâu. Như trong bối cảnh thị trường nhiều biến động năm 2022, có nhiều cổ phiếu được đánh giá tốt đã giảm tới 30-40%, thậm chí nhiều hơn, so với thời điểm đầu năm.
Về lý thuyết, mức lỗ tối đa nhà đầu tư cho phép là 7%-8% số vốn đầu tư. Nhưng nếu thị trường có nhiều biến động, trong xu hướng giá xuống thì nhà đầu tư có thể cắt lỗ sớm hơn, ở mức 3-5%. Bởi xu hướng giảm của thị trường sẽ kéo theo hầu hết các cổ phiếu giảm theo. Vì vậy, nhà đầu tư cũng cần phải xem xét danh mục của mình trong bối cảnh thị trường chung, xác định được vùng cung hay vùng cầu để có quyết định bán ra hợp lý, giảm thiểu tổn thất.
Bên cạnh việc dựa vào phần trăm giảm của thị giá cổ phiếu, nhà đầu tư có thể dựa vào phân tích kỹ thuật để lựa chọn thời điểm cắt lỗ thích hợp. Dựa vào các đường trung bình động (MA), nhà đầu tư tìm được các vùng hỗ trợ (vùng cầu) và kháng cự (vùng cung) để ước lượng mức cân bằng của tâm lý thị trường và xác định xu hướng thị trường. Trong đó, thông qua các đường trung bình MA 5, 9, 20, 50, 100 và 200 ngày, nhà đầu tư xem giá cổ phiếu liệu đã đạt tới ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự chưa.
Ngoài ra, nhà đầu tư dựa trên chỉ báo Parabolic SAR để xác định các tín hiệu xu hướng xuống, là thời điểm cần bán ra.
Tuy nhiên, các phương pháp này đòi hỏi nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, phải xác định được những vùng hỗ trợ trọng yếu vì sẽ có khả năng gặp lỗ nặng nếu điểm vào cách xa với vùng này.
Nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh cắt lỗ tự động trên ứng dụng của công ty chứng khoán để quản lý rủi ro, thông qua các chiến lược giao dịch cài đặt trước như cắt lỗ tự động, chốt lời theo điều kiện.
Ví dụ: Nhà đầu tư mua cổ phiếu H. với giá 35.800 đồng/cổ phiếu và nhập lệnh cắt lỗ với giá 33.000 đồng/cổ phiếu. Nếu cổ phiếu giảm xuống dưới 33.000 đồng, cổ phiếu H. trong danh mục của nhà đầu tư sẽ tự động được bán ra với giá thị trường hiện hành.
Sử dụng lệnh cắt lỗ tự động giúp nhà đầu tư không bị ảnh hưởng cảm xúc khi ra quyết định, hạn chế rủi ro thua lỗ nặng hơn, cũng như không mất nhiều thời gan để theo dõi hoạt động của cổ phiếu thường xuyên.