Cổ phiếu lương thực còn dư địa tăng trưởng
Biến động thời tiết đẩy giá lương thực cùng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng, tạo dư địa phát triển cho nhóm cổ phiếu này, theo chuyên gia Chứng khoán DNSE.
Cụ thể, El Nino - hiện tượng khí hậu nóng lên, gây hạn hán ở một số khu vực và mưa lớn ở các nơi khác, đe dọa dến an ninh lương thực toàn thế giới. Hoạt động trồng trọt gặp khó khăn khiến sản lượng nhiều loại cây trồng được dự báo sụt giảm đẩy giá lúa gạo lên cao. Đồng thời, nhiều quốc gia giới hạn kim ngạch xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước tạo tiềm năng tăng trưởng cho cổ phiếu lúa gạo.
"Hai yếu tố trên tạo dư địa phát triển cho cổ phiếu lương thực sau thời gian tăng trưởng", bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE nhận xét.
Trước đó, cổ phiếu ngành lương thực đã có thời gian dài nổi sóng, một số mã tăng hết biên độ nhiều phiên liên tiếp do thông tin tích cực của thị trường. Đơn cử, cổ phiếu ngành gạo MCF của Mecofood ghi nhận mức tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 2-9/8, nâng thị giá của MCF từ mức 8.700 đồng một cổ phiếu lên hơn 13.700 đồng, tăng 57%.
Mã chứng khoán của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II - VSF) tăng trần nhiều phiên liên tiếp, đẩy thị giá VSF lên mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này. Ngoài ra, TAR của Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng hơn 40% từ đầu tháng 7, LTG của Tập đoàn Lộc Trời sắp trở về bằng thị giá vào tháng 6/2022, các mã PAN, SSC, AGM cũng nâng thị giá và biên độ suốt thời gian qua.
Những tín hiệu tích cực của cổ phiếu ngành lương thực được bà Linh nhận định đến từ hai yếu tố chính do xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng mạnh về lượng và giá trị trong quý II, trong bối cảnh xuất khẩu mặt hàng khác suy giảm. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, giá trị gần 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 19% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên giao dịch ngắn hoặc trung hạn, không nên tập trung quá nhiều danh mục do tình hình tài chính một số doanh nghiệp lương thực niêm yết không quá lành mạnh", bà Linh phân tích.
Đồng thời, giá của nhóm cổ phiếu này đã trải qua một giai đoạn bứt tốc mạnh nên có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh trong ngắn hạn. Do giá cổ phiếu ngành biến động khá sát với giá lương thực nên nhà đầu tư cần theo dõi yếu tố này để quyết định giao dịch hợp lý.
"Nhìn chung, thị trường có thể bước vào đợt điều chỉnh của nhóm cổ phiếu này sau thời gian 'nổi sóng', nhà đầu tư sẽ có một điểm vào hợp lý hơn, song cần cân nhắc đến rủi ro", nữ chuyên gia nhận định.
Ngoài nhóm lương thực, đại diện Chứng khoán DNSE đánh giá trong thời gian tới cổ phiếu dầu khí đang ở vùng giá hấp dẫn nhờ một số tín hiệu tích cực. Loạt dự án lớn trong nước được tái khởi động sau thời gian dài, như Lô B, Ô Môn. Trên thế giới, giá dầu có khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu thế giới được EIA dự báo vượt mức 630.000 thùng mỗi ngày, từ quý III năm nay. Do đó, nhà đầu tư cần theo sát thị trường với các nhịp điều chỉnh để đưa ra quyết định rót tiền và phân bổ đầu tư hợp lý.
Thảo Vân