Chứng quyền có bảo đảm
Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành (khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép) và được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã giao dịch riêng.
Chứng quyền có hai loại là chứng quyền mua và chứng quyền bán, nhưng dù loại nào thì cũng gắn một mã chứng khoán cơ sở như cổ phiếu, ETF, chỉ số... để xác định lãi hoặc lỗ.
Chứng quyền có bảo đảm được giao dịch ngay thị trường chứng khoán cơ sở nên nhà đầu tư không cần đăng ký thêm tài khoản mới như khi muốn giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư cũng không phải ký quỹ khi đầu tư vào chứng quyền.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền có chứng khoán cơ sở là cổ phiếu không có bất cứ quyền nào (ví dụ quyền biểu quyết, nhận cổ tức, nhận cổ phiếu thưởng, mua cổ phiếu phát hành thêm...) đối với doanh nghiệp.
Chứng quyền luôn có thời hạn, phổ biến 4-9 tháng. Giá của chứng quyền thường thấp hơn nhiều lần so với giá chứng khoán cơ sở, nhưng tính đòn bẩy cao và có thể tính được khoản lỗ tối đa. Đây là những đặc điểm khiến sản phẩm này phù hợp cho những nhà đầu tư mạo hiểm, có nhu cầu sử dụng đòn bẩy trong ngắn hạn để kiếm lợi nhuận.
Hiểu một cách đơn giản, chứng quyền có bảo đảm cung cấp cho nhà đầu tư quyền hưởng giá chênh lệch của cổ phiếu. Nếu đang sở hữu chứng quyền và có lãi, nhà đầu tư có thể hiện thực hoá lợi nhuận thông qua bán trực tiếp trên sàn hoặc chờ đến ngày đáo hạn.
Ví dụ, chứng quyền mua CHDB2101 do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam phát hành có kỳ hạn 9 tháng. Ngày giao dịch đầu tiên là 18/1/2021 và cuối cùng là 20/9/2021. Giá phát hành là 1.000 đồng và giá thực hiện là 29.888 đồng. Tỷ lệ chuyển đổi là 5:1, tức 5 chứng quyền cho 1 cổ phiếu.
Giá tham chiếu HDB tại ngày giao dịch đầu tiên chứng quyền là 27.900 đồng. Với số vốn 30 triệu đồng và không tính yếu tố lô giao dịch thì nhà đầu tư có thể mua 1.075 cổ phiếu HDB hoặc 30.000 chứng quyền.
Đến ngày 2/7, giá tham chiếu cổ phiếu là 36.450 đồng và giá tham chiếu chứng quyền là 3.240 đồng.
Trong trường hợp mua cổ phiếu và chốt lời, nhà đầu tư lời 1.075 x (36.450-29.888) = 7.054.150 VNĐ, tương ứng tỷ suất sinh lời 23%. Trong trường hợp mua chứng quyền, nhà đầu tư có mức lời 30.000 x (3.240-1.000) = 67.200.000 VNĐ, tương ứng tỷ suất sinh lời 124%.
Trong trường hợp mua chứng quyền và nắm giữ đến ngày đáo hạn (giả sử cổ phiếu HDB lên 50.000 đồng), nhà đầu tư được tổ chức phát hành thanh toán số tiền (30.000/5) * (50.000-29.888) = 120.672.000 VNĐ. Sau khi trừ vốn thì nhà đầu tư lãi 90.672.000 VNĐ, tương ứng tỷ suất sinh lời 202%.
Nhà đầu tư sẽ hoà vốn trong trường hợp thị giá HDB tại ngày chứng quyền đáo hạn là 34.888 đồng, tức bằng giá mua chứng quyền nhân tỷ lệ chuyển đội và cộng thêm giá thực hiện.
Với trường hợp mua chứng quyền và nắm giữ đến ngày đáo hạn nhưng khi đó cổ phiếu HDB chỉ còn 20.000 đồng, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đầu tư. Trong khi đó, nếu mua cổ phiếu thì nhà đầu tư chỉ lỗ (27.900-20.000) * 1.075 = 8.492.500 VNĐ, tương ứng mức lỗ 28%.