Đáo hạn phái sinh là gì?
Nhà đầu tư cần nắm rõ ngày đáo hạn phái sinh để kịp thời thực hiện đóng các vị thế, chốt lời/cắt lỗ hiệu quả khi đầu tư phái sinh.
Ngày đáo hạn phái sinh là ngày giao dịch cuối cùng các sản phẩm hợp đồng phái sinh. Vào ngày đáo hạn, hợp đồng của tháng hiện tại được tất toán thành tiền mặt và chuyển sang các tháng tiếp theo để giao dịch.
Tại thị trường Việt Nam, ngày đáo hạn phái sinh định kỳ rơi vào ngày Thứ Năm thứ 3 trong tháng đáo hạn. Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày nghỉ lễ thì ngày giao dịch liền trước đó sẽ được tính là ngày đáo hạn. Thanh toán khi đáo hạn là ngày làm việc liền sau ngày đáo hạn. Số tiền tăng/ giảm được ghi trên trên tài khoản khách hàng tương ứng với giá trị lãi/ lỗ khi thực hiện tất toán hợp đồng. Tháng đáo hạn được hiểu lần lượt là tháng hiện tại, tháng kế tiếp, tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.
Ví dụ:
Trong quý II năm 2022, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ diễn ra 3 phiên giao dịch:
- Mã VN30F2204 (Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 4/2022) có lịch đáo hạn vào tháng 4/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 18/2/2022, ngày đáo hạn phái sinh là 21/4/2022, ngày thanh toán cuối cùng là 22/4/2022.
- Mã VN30F2205 có lịch đáo hạn vào thàng 5/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 18/3/2022, ngày đáo hạn là 19/5/2022, ngày thanh toán cuối cùng là 20/5/2022.
- Mã VN30F2206 có lịch đáo hạn trong tháng 6/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 22/10/2021, ngày đáo hạn là 16/6, ngày thanh toán cuối cùng là 17/6/2022.
Thông thường, trong giai đoạn đầu của hợp đồng, thị trường không có nhiều biến động hay thay đổi giao dịch. Càng gần đến ngày đáo hạn, thị trường càng trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt trước ngày đáo hạn hai ngày, do hoạt động thực hiện vị thế của nhà đầu tư ồ ạt. Khi tham gia thị trường phái sinh, nhà đầu tư cần phải nắm rõ ngày đáo hạn để kịp thời thực hiện đóng các vị thế để chốt lời/cắt lỗ hiệu quả.
Nếu không đóng vị thế trước khi hợp đồng hết hạn, nhà đầu tư sẽ không được nắm giữ vị thế mua nữa, đồng thời không chủ động được giá chốt lời/ cắt lỗ theo ý muốn.
Ví dụ: nhà đầu tư mở vị thế mua 10 hợp đồng tương lai mã VN30F2206, ngày đáo hạn là 16/6. Để kết thúc hợp đồng và mua một hợp đồng tương lai khác, nhà đầu tư đó phải đóng vị thế trước hoặc trong ngày 16/6 để nhận lãi hoặc lỗ của mình. Nếu không đóng vị thế, nhà đầu tư vẫn giữ hợp đồng nhưng không có quyền mua theo vị thế nữa.
Muốn giữ vị thế mua, người đó phải bán hợp đồng để đóng vị thế, mua một hợp đồng mới vào tháng kế tới (mở vị thế mua mới). Khi đó, giá trị thanh toán của mỗi hợp đồng được gắn với giá đóng cửa (ATC) của cổ phiếu vào ngày cuối cùng.