Nhớ năm đầu ở xứ người, khi cụm pháo đầu tiên của năm mới vút lên cao, cũng là lúc khách khứa tản hết ra ngoài xem. Mấy đứa sinh viên bồi bàn bọn tôi và nhóm phục vụ nhà hàng cũng được ngơi tay dọn dẹp. (Hoài Linh, Đức)
Tôi ráng vươn mình thật cao để cắt cho được những nhánh mai có thật nhiều nụ (mà sau này sẽ nở thành hoa) đem vô ngâm trong nước ấm và vợ tôi sẽ thay nước mỗi ngày để hoa sẽ nở đúng ngày mồng một Tết. (Mỹ Nguyễn, Mỹ)
Lần đầu tiên ở Pháp tôi may mắn được đón Tết với bà con người Việt mình. Vài ngày trước Tết, các bà, các cô, các chị đã chuẩn bị mua sắm đầy đủ các vật liệu để gói bánh chưng, bánh tét, chả giò, xôi vò, dưa chua và các món bánh mứt khác. (Bích Thuận, Pháp)
Tôi và ba vừa lau xong lá gói thì người hàng xóm hớt hải chạy vào: "Thầy ơi, cô về chưa? Chuyến cuối đò chìm, thầy ạ". Với người dân sống bên dòng Gianh quê tôi, chìm đò không có gì lạ nhưng vào dịp giáp Tết, đò đầy lại nguy hiểm vô cùng. (Thanh Thỏa, Hàn Quốc)
Hôm nay, ngồi một mình trong phòng, nhớ lại tất cả mọi thứ, hình ảnh gia đình đêm giao thừa, tiếng pháo bông giòn giã và lời tường thuật hào hứng trên TV chợt choáng ngợp trước mắt con, đã bao lâu rồi con không khóc nức nở như thế? (Nhật Linh, Phần Lan)
Giao thừa trên đất khách, bên ly rượu mừng xuân. Trong không khí sôi nổi của lứa trẻ, tôi vẫn nhận ra những ánh mắt buồn da diết khi Tết đến rồi mà vẫn chưa thể về quê. (Đào Thị Minh, Czech)
Tôi đóng cửa phòng lại, khóc rất thoải mái trong niềm sung sướng. Tết nay, cả gia đình tôi đã sẵn sàng sau mười mấy năm, với tư cách là Việt kiều Anh Quốc thăm quê. (Hoa Nguyễn, Anh)
Mẹ đã ra đi mãi mãi, những ngày Tết ấm áp cũng theo mẹ ra đi. Năm ngoái con về bên mộ mẹ, để nhớ lại cái không khí ấm áp khi ngày đầu năm con còn có mẹ, và để thấm thía nỗi đau cứ bóp nghẹn trong tim. (Kim Đào, Mỹ)
Bánh ông gói chẳng bao giờ cần khuôn, nhưng cái nào cũng vuông vức. Ông gói xong bao giờ cũng dư ra một tí gạo, tí đỗ, tóm lại thành cái bánh bé, ông bảo cái này đặc biệt cho mỗi cháu gái của ông thôi. (Sô Ny, Phần Lan)
Để nấu được nồi bánh, ba của con cũng thật vất vả, phải thức cả đêm để trông. Con hiểu rằng tình cảm và sự hy sinh ba dành cho tụi con thật lớn biết bao. (Thu Trang, Nga)
Càng ngày Tết càng đến gần, con nhớ lắm, nhớ những ngày gần Tết cùng mẹ đi mua sắm, đêm giao thừa ngồi xem mẹ cúng cuối năm và hai giờ sáng rủ con lên chùa. (Vân Anh, Pháp)
Ở xứ này, tìm được một con gà còn sống đã khó, để được phép thịt gà ở nhà còn khó hơn. Cuối cùng, gà không có, cá chép cũng không, đành ngậm ngùi để ông Táo cưỡi tôm đông lạnh hấp vậy. (Lưu Bá Mạc, Australia)
Nhìn xung quanh, mọi người có gia đình bên cạnh, tôi bỗng nhớ nhà da diết. Tôi chơt nhận ra rằng, vào thời khắc ấy, tôi không khao khát được ăn, được uống, được đi chơi, được nhận lì xì như ngày xưa nữa. (Thu Trang, Mỹ)
Bánh quê mẹ nấu hương còn nóng. Thoảng đến quê xa ấm cả lòng. Thương mẹ, nhớ nhà dâng lớp lớp. Khóc thầm ôm mẹ những ngày đông. (Ngọc Mai, Bắc Mỹ)
Mùa Tết trong ký ức không phải là Tết một ngày. Thi thoảng những người thuộc về nền văn hoá Văn Lang, do sống trong tuyết dày đã lâu, tưởng rằng “Còn lâu mới Tết”. Tết chưa đến thì lẽ thường Tết cũng chưa qua. (Trần Quang Ngọc, Phần Lan)
Cứ giữa tháng Chạp khi gió mùa đông bắc tràn về, trời cao và trong hơn là tôi ra vườn lặt lá mai để hoa kịp nở đúng giao thừa. Tôi tỉ mẩn từng lá còn xanh, ngắt nó bỏ đi mà thấy đau lòng và sợ cành rung rinh làm nụ hoa non rụng. (Nhung Le, Mỹ)
Rồi thì điều mong ước của mình cũng đến, mình được bảo lãnh sang Mỹ sống. Rồi 10 năm qua đi, 10 lần cái ngày 23 tháng chạp không còn rạo rực, hăm hở nữa. Con nhớ quê mình lắm Ông Táo ơi! (Nha Tran, Mỹ)
Niềm vui của ông và bà, Tết đến sum họp cả nhà đón xuân. Trước kia con cháu ở gần, gặp nhau vui vẻ nhiều lần một năm. Cháu con giờ ở xa xăm. Ông bà thu xếp đến thăm ngại gì. (Nguyễn Đình Tuấn, Singapore)
Một món ăn đã khắc sâu trong tâm trí của tôi đến tận hôm nay, đó là canh khổ qua hầm tuy đắng ngoài mà lại rất ngọt bên trong. Nội thường nói với tôi: "Năm hết Tết đến nên mình ăn cho cái khổ nó qua đi đó con". (Tim Phan, Mỹ)
Tôi thích tết từ bé. Tết là khi tôi được má mua cho hẳn bộ quần áo mới nhưng má giấu rất tài, nhờ vậy mùng một Tết tôi mới có bộ đồ mới “keng” để diện và lấy le với bọn trẻ trong xóm. (Huỳnh Ngọc Hiền, Hà Lan)
Mọi thứ đã đổi thay nhưng hương vị quê hương, không khí Tết quê vẫn còn đó. Không tiếng pháo, không tiếng loa đài, nhưng còn đó tiếng củi nổ lách tách, tiếng sôi bùng bục của nồi bánh chưng, tiếng chúc Tết của bà con lối xóm. (Ngô Tiến Điệp, Nga)
Còn đâu những buổi đi chọn đào, mứt, bánh kẹo chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất. Cũng đâu còn những buổi ngồi gói bánh chưng cùng bố, rồi nghịch ngợm tự gói cho mình một chiếc nho nhỏ. (Lý Xuân Ngọc, Rumani)
Nhìn thoáng lại mà đã 38 năm tôi không ở nhà để hưởng cái Tết truyền thống. Tôi đang ở một nơi cách quê hương hơn nửa vòng trái đất. Tuyết trắng lạnh lẽo bao phủ khắp sân nhà cả mùa đông. (Phúc Nguyễn, Canada)
Giáp Tết, hầu như nhà nào cũng bận, nhất là ngày 30. Ấy vậy mà cô em họ tôi lại chọn đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất để quấy quả mẹ cô mới hay chứ. Đấy là buổi trưa ngày 30 Tết năm 1992. (Hồ Điệp, Canada)
Tết này buồn lắm mẹ ơi, con thèm được nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ, được ngửi những mùi hương thơm ngát của mùa xuân, và mùi hương đặc biệt mà ba ngày Tết mẹ vẫn thắp. (Hoài Thanh, Ukraina)
Dù sống trong thành phố với nhiều tiện nghi hơn, tôi vẫn thường tự nhủ mình thật may mắn được sinh ra ở nông thôn, khó khăn lắm nhưng kỷ niệm cũng thật nhiều. (Nguyễn Bá Bình, Australia)
Xuân này chẳng khác mấy xuân qua, chẳng biết bao nhiêu Tết xa nhà. Mai vàng vẫn nở, đào vẫn nở. Gió vẫn mênh mang khắp mọi nhà. (Trần Thanh Nhã, Mỹ)
Cái không khí náo nhiệt của Tết được lan tỏa từ khu chợ về dần đến mỗi cửa nhà. Nhà mình cạnh chợ nên năm nào cũng được đón lây không khí đó trước tiên. (Ha Dang, Mỹ)
Vào giờ phút này con chỉ muốn bỏ hết, vứt hết để về với bố mẹ thôi. Con muốn về đi ăn bữa thịt chó tất niên với bố, để nhận phong bì lì xì to và uống ly champagne đêm 30 Tết, để đưa mẹ đi chùa sáng mồng 1. (Khánh Linh, Pháp)