Canh khổ qua. Ảnh google. |
Lấp lánh những tia nắng ấm hòa trong tiết trời se lạnh, nhành mai bắt đầu đâm chồi nảy lộc, đàn én chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm... Tất cả tạo nên một bức tranh mang sắc màu của sự sống. Xuân lại về trên quê hương Việt Nam để lòng người thêm chứa chan bao cảm xúc.
Thời gian cứ như một mũi tên bay vô hồn và xuyên qua tất cả mọi thứ trong cuộc sống một cách vô hình. Đôi khi tôi chợt giật mình khi nhìn lại những ngày tháng mình đã đi qua. Âm thầm và vội vàng quá, tôi đã bước qua tuổi 26 nơi xứ người trong tiết trời se lạnh. Và rồi, lòng chợt bâng khuâng khi nhận ra rằng tôi đã xa nhà suốt 5 mùa xuân.
Xuân này, tóc của mẹ đã bạc nhiều hơn và đôi mắt của ba càng thêm nhiều nét chân chim. Tôi vẫn nhớ như in những cái Tết thiếu thốn của ngày ấu thơ. Những ngày xưa ấy tuy nghèo nhưng niềm vui thì không tả xiết.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một xóm lao động nghèo. Vì thế, lũ trẻ con thường náo nức chờ mong ngày Tết để được mặc áo mới và cắn hột dưa, ăn bánh mứt cho thật thỏa thích. Cứ mỗi dịp xuân về, lòng tôi náo nức như ngày hội.
Những ngày xưa đó tuy khó khăn nhưng để lại trong tôi cả một khoảng trời thương nhớ. Tôi nhớ lắm dáng người nhỏ nhắn của bà nội. Độ giáp Tết, tôi thường lon ton theo nội đi chợ Biên Hòa để mua sắm vật dụng ngày Tết. Rất cẩn thận và khéo léo, nội chọn từng trái khổ qua, từng cây củ cải để chuẩn bị thức ăn cho cả gia đình trong những ngày đầu năm.
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 30 là nội cặm cụi chăm chút cho nồi thịt kho thật thơm, hũ dưa kiệu trắng muốt và một món ăn đã khắc sâu trong tâm trí của tôi đến tận hôm nay, đó là canh khổ qua hầm tuy đắng ngoài mà lại rất ngọt bên trong. Nội thường nói với tôi: "Năm hết Tết đến nên mình ăn cho cái khổ nó qua đi đó con".
Rồi thời gian dần trôi, tôi đón những cái Tết xuân thì trong sự thay đổi của tuổi tác. Tuy nhiên, dù là Tết sang hay Tết nghèo thì tôi vẫn không thể quên được hương vị độc đáo của nồi khổ qua hầm mà nội vẫn nấu hàng năm.
Nội tôi lớn lên ở thôn quê nên bà rất kỹ lưỡng trong việc chăm chút món ăn ngày Tết. Có thể nói, dù đi xa hay ở gần thì lòng tôi vẫn bùi ngùi khi nhắc đến canh khổ qua của bà nội. Cứ đến chiều 30 là cả nhà lại quây quần bên mâm cơm cúng tân niên với những món ăn dân dã mà đậm tình quê hương.
Tôi như lịm người đi trong hương thơm ngào ngạt của món canh khổ qua. Đắm mình dưới làn nước trong vắt là những trái khổ qua hầm vừa chín tới cùng với một chút nước mắm tươi và gia vị thích hợp, hương vị nhẫn nhẫn mà rất thanh tao của khổ qua hầm như xua tan đi bao mệt nhọc của mọi người sau một năm trời ròng rã ngược xuôi cùng dòng đời.
Rồi thời khắc giao thừa cận kề, lòng tôi rộn ràng biết bao khi tiếng pháo chào xuân mới vang lên như lời chúc mừng cho một năm an khang, hạnh phúc đang tìm đến với cuộc đời.
Có thể nói, Tết Việt Nam là mùa của tình yêu và sự sống. Tết không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình hay phố phường, mà ngày Tết quê tôi còn lan tỏa khắp mọi nơi, trên mọi vùng miền của tổ quốc với sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vạn vật.
Tôi chợt lặng người đi khi nhớ về những mùa xuân yêu thương được quấn quít trong vòng tay ấm áp của gia đình. Thương làm sao quê hương tươi đẹp với biết bao kỷ niệm. Và rồi đôi mắt của tôi bỗng cay xè khi những câu hát rất tình cảm và đậm chất Nam Bộ của ca sĩ Cẩm Ly cất lên: "Thương con mẹ tôi đón xuân lặng lẽ, nơi phương trời xa có nghe tiếng mẹ!?".
Ngày qua ngày, ba mẹ tôi vẫn âm thầm chịu nhiều khổ cực, bôn ba giữa dòng đời tấp nập để lo miếng ăn giấc ngủ và cả chuyện tương lai cho con cái. Ngày tôi rời Việt Nam sang Mỹ tu nghiệp, gia đình chỉ còn lại ba và mẹ. Rồi thời gian trôi, sức khỏe của cả ba và mẹ không còn tốt như ngày trước nữa. Những cơn đau nhức cứ bám vào cái lưng đã chai sờn của mẹ mỗi khi đêm về, và căn bệnh tim mạch đôi khi khiến cho giấc ngủ của ba không trọn vẹn.
Dù rằng sức khỏe đã hao mòn theo thời gian nhưng ba mẹ luôn lạc quan và san sẻ với tôi những buồn vui tủi nhục mỗi khi tôi đối diện với biến cố của cuộc đời. Dẫu rằng đã 5 mùa xuân trôi qua, ba mẹ đón Tết trong sự đơn chiếc và lặng lẽ của cuộc đời nhưng ba mẹ vẫn vui sống vì biết rằng nơi phương trời xa tôi đã và đang cố gắng rất nhiều để mang về những mùa xuân yêu thương đến với ba mẹ.
Có xa quê mới cảm nhận được cái tình của người Việt mênh mông rộng lớn thế nào và hiểu rõ sự phong phú trong giá trị văn hóa của ngày Tết quê hương. Lòng chợt bồi hồi khi tôi nhớ đến câu hát mà mẹ vẫn thường ru tôi ngủ thuở ấu thơ: "Ai cách xa cội nguồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh".
Tôi viết những dòng này khi cơn bão tuyết ở Utah vừa tan. Ngoài trời vẫn còn u ám bởi sự che phủ của những đám mây mù. Nhìn về phía trời xa giữa xứ người giá rét mà lòng nghẹn ngào và thương về quê nhà một cách lạ lùng đến nức nở.
"Xuân đang đến nghĩa là xuân sẽ qua". Tôi xin chúc cho những người đang yêu nhau sẽ sống trong sự nồng nàn của mùa xuân hạnh phúc, xin chúc cho ông bà cha mẹ sẽ đón nhận thật nhiều điều an lành tốt đẹp khi mùa xuân mới sang và chúc mọi nhà sẽ vui xuân trong cảnh sum vầy quấn quít để cuộc đời luôn được tô điểm sắc thắm của mùa xuân.
Tim Phan
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.