![]() |
Con trai tôi lần đầu tiên thấy cây đào thật. Ảnh tác giả cung cấp. |
Đẹp lắm những cành thông già, xanh mướt của nước Nga, nhưng chẳng thể khỏa lấp được nỗi nhớ nhà. Nhớ đào phai thấm đượm làn mưa mỏng, nhớ ban thờ bày mâm ngũ quả, khói nhang vòng hương trầm tỏa ngạt ngào. Nơi tuyết trắng, cõi lòng lạnh giá, lại rầu rầu thương nhớ Tết quê.
Chẳng năm nào vợ tôi làm khác cả, dù bận đến mấy cũng phải dành thời gian lội tuyết tìm chặt một cành táo già. Cành táo khẳng khiu, trơ trọi giữa giá rét, về nhà ngâm nước nóng mấy ngày mới nhú những lá non. Vợ tôi kiếm những tờ giấy Pôluya mỏng, nhuộm màu hồng nhạt rồi tỷ mẩn cắt cắt, dán dán làm nên một cành hoa đào giả. Tôi thì không muốn như vậy, bởi có giống đến mấy đi nữa cũng chẳng phải đào, cũng chẳng phải quất quê mình. Nhưng càng nghĩ lại càng thương người vợ hiền bé nhỏ, sang Nga từ khi còn thơ ấu, cứ mỗi đợt xuân về lại đúng dịp học hành, thi cử nên đã bao năm rồi không được đón tết quê hương. Hơn 20 năm đón Tết nơi đất khách quê người, trải lòng người xa xứ dưới tuyết trắng giá băng, năm nay trở về với Tết quê, vợ con tôi bồi hồi xúc động.
Chiếc máy bay Boeing 747 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Tiết trời se lạnh, mưa xuân lất phất bay. Ngày ra đi Nội Bài vẫn chỉ còn là một sân ga nhỏ bé, èo uột nay thì băng chuyền thang máy, khách Tây, khách Tàu ra vào nườm nượp. Nhà ga đã thấy trưng quất, trưng đào, khắp nơi, không khí Tết tràn ngập, ánh mắt mỗi người cũng chan chứa tình xuân. Đó là ánh mắt của sự lạc quan, tin tưởng về một đất nước sau 20 năm đổi mới, khi chiến tranh, đau khổ, của lạc hậu cơ cực đã lùi lại phía sau; bởi những con đường cao tốc hàng chục làn xe, hiện đại, rộng rãi; những tòa nhà cao tầng chọc trời, các khu công nghiệp sầm uất.
Xe lăn bánh dọc theo quốc lộ 2 đưa tôi về lại quê nhà, vùng đất Kinh Bắc dọc con sông Cầu thơ mộng. Con đường đất đỏ tôi thường đạp xe đi học năm xưa, ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa lầy lội, trơn trượt nay đã thênh thang, trải nhựa phẳng lì. Quê hương thay đổi quá nhiều, hai bên đường, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhưng xa xa vườn quất, vườn đào, những ruộng hoa vẫn khoe đủ sắc màu.
Làng tôi, không còn những bụi tre già vươn cao, không còn con đường mòn bé nhỏ có hai hàng cây "xấu hổ" vướng chân người. Tôi đang bước chân trên con đường bê tông mới đổ. Những ngôi nhà ngói khang trang có tường bao xung quanh và những chiếc cổng đồ sộ thay cho những nhà tranh vách đất xưa kia. Sao chẳng thấy như những gì còn trong ký ức!
Càng về gần đến nhà, lòng càng thấy nao nao, kỷ niệm xưa như thước phim quay chậm. Nhớ lại tuổi thơ xưa, những chiều 23 Tết, lũ trẻ đứa vác cuốc, đứa cầm bó đuốc rơm lon ton chạy theo người lớn đi khắp các cánh đồng tảo mộ. Ở nhà, mấy ông anh trong họ, chi này nhánh kia chọc tiết lợn kêu eng éc ngoài bờ giếng, làm cho mỗi nhà dăm ba cái giò. Giò cuốn xong rồi, ép tre thật chặt, thặt chắc đưa vào trong bếp luộc dưới ngọn lửa hồng tí tách. Các bà, các mẹ vừa rôm rả chuyện trò trên trời dưới biển, người vo gạo, ngâm đỗ người rửa lá, gói bánh. Xong đâu đó, nồi bánh chưng xanh thơm nức mũi được đặt cạnh với nồi giò luộc. Mùi thơm phưng phức của bánh chưng chẳng mùi nào giống nổi. Nhớ không khí đầm ấm, hạnh phúc của họ hàng, gia đình, nhớ bàn thờ tổ tiên thịnh soạn trang nghiêm.
Nhớ nhất là chiều 30 Tết cuối năm, hình ảnh thầy tỉ mẩn, cẩn thận sửa soạn, chu đáo bên ban thờ tổ tiên. Chỉ vài hộp mứt Tết, mấy gói chè mậu dịch, dăm bảy hộp kẹo, mấy chai rượu Lúa Mới, cây bồng bồng lá xanh ngắt. Càng nhớ hơn mâm ngũ quả "cây nhà lá vườn", với nải chuối xanh, cam bưởi vàng ươm, ớt chỉ thiên đỏ rực... Thêm bát hương, vài nén nhang mà mùi hương trầm thơm ngào ngạt tự nhiên thấy yêu gia đình mình kỳ lạ! Mẹ thì tất tưởi ngâm gạo đỗ, rửa lá dong, gói bánh chưng cạnh giếng nước bên sân nhà. Mấy anh chị em, người chẻ củi, người nhóm bếp, đặt nước, cọ nồi... Khi mọi thứ đâu vào đó cũng là lúc bếp lửa bập bùng, củi nổ lách tách, tàn than bay ra như pháo hoa và nồi bánh chưng sôi sùng sục. Còn đó cảm giác háo hức thức khi mấy anh em ngồi ngóng cả đêm, đợi nồi bánh chín cho kì được để lấy chiếc bánh dài, nhỏ mà mẹ gói riêng cho mình, rồi buộc lạt hai đầu bánh, đeo bên sườn như một khẩu súng AK.
Bao năm bôn ba xứ người, đã đón biết bao cái Tết trong tuyết trắng, trong nỗi cô đơn của người xa xứ, trong cái nhớ Tết quê cồn cào gan ruột. Chỉ chớm tháng Chạp thôi, ai cũng đau đáu nhớ về quê nhà, những ai may mắn còn bố mẹ già thì mong ngóng được đưa con cháu về để quây quần bên ông bà, nghe các cụ kể chuyện tổ tiên xưa. Những ai không còn cha mẹ, thì muốn được về quê hương, dọn dẹp ngôi mộ, để thắp nén hương giữ tròn chữ hiếu.
Hôm nay trên mảnh đất đã sinh ra mình, cảnh vật đã đổi thay nhiều, mái nhà xưa đã là ngôi biệt thự rộng rãi, mắt liếc nhìn lại vườn xưa mong tìm thấy những gì quen thuộc thời thơ ấu mà nước mắt rưng rưng. Không còn nụ cười rạng rõ của thầy nơi hàng rào gần cổng, không thấy ánh mắt rạng ngời, dáng đi tất bật của mẹ... Chỉ còn đó ký ức chìm trong nước mắt của đứa con xa quê trở về thắp nén hương tạ lỗi với tổ tiên. Cây đào phai thầy trồng vẫn còn đó, tuy giá rét nhưng vẫn xanh tươi và đã nhú những nụ hoa đầu tiên như đón chào người con trở về. Cây bưởi sau nhà quả to và vàng ruộm, cây bồng bồng xang ngắt vẫn còn đây. Tôi lặng lẽ ra vườn, chặt cành đào, hái mấy bông hoa vườn nhà như vô thức làm lại những gì mấy chục năm trước bố tôi vẫn làm, đặt lên ban thờ tổ tiên, cả nhà lặng lẽ trước ban thờ.
Các con tôi, sinh ra nơi xứ người lạ lẫm nhìn những chú gà trống gáy vang, những đống lá dong chất cao, mặt ngơ ngác như những chú nai vàng lạc mẹ. Chúng đòi đi chợ quê, đòi được xem cây đa, giếng nước, sân đình trong những câu chuyện bố mẹ kể hàng ngày. Chợ quê tôi, giờ đây vẫn còn hàng hương, hàng lạt, hàng bánh chưng rán, hàng khô bày bán la liệt. Nhìn bọn trẻ ngắm nghía đủ thứ, tôi lại nhớ lại ngày xưa, cứ những ngày chợ phiên giáp Tết, lại được lẽo đẽo theo mẹ đi bộ vài cây số để được đi mua pháo, mua bóng bay về chơi Tết. Chợ quê giờ đây đã có mái che bằng ngói, nền chợ bằng bê tông sạch sẽ, nhưng cái gốc đa sù sì nơi tôi vẫn ngồi trông quang gánh cho mẹ thì vẫn còn đây, gốc đa ấy sao vẫn thấy thân thương lạ kỳ.
Dù có trí tưởng tượng phong phú đến đâu, bọn trẻ cũng sẽ không hiểu được tuổi thơ của người sinh ra nó gian truân, vất vả dường nào. Cũng sẽ không thể hình dung được Tết xưa tuyệt vời đến dường nào. Mọi thứ đã đổi thay, con đường, hàng cây, ngôi nhà... nhưng hương vị quê hương, không khí Tết quê vẫn còn đó. Không tiếng pháo, không tiếng loa đài, không tiềng hò reo như ở xứ người nhưng còn đó tiếng củi nổ lách tách, tiếng sôi bùng bục của nồi bánh chưng, tiếng chúc Tết của bà con lối xóm. Mọi thứ thật thân thương, ấm áp.
Chẳng đâu bằng ở quê mình, con chim có tổ con người có tông, quê hương là nguồn cội, gốc rễ sinh ra và nuôi nấng con người trưởng thành. Cội nguồn ơi lá cũ đã rơi về - mùa xuân này tôi muốn nói với các con mình như vậy.
Ngô Tiến Điệp (Liên bang Nga)
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.