![]() |
Ảnh do tác giả cung cấp. |
Mẹ,
Con viết thư này cho mẹ khi mẹ đã không còn ở bên con. Tết này con không còn có mẹ, không có nơi để con về, không bận rộn, mua vé từ hồi trước Tết cả tháng, không xếp soạn đồ đạc, không thức từng đêm, đếm từng ngày để chờ ngày về với mẹ nữa, cũng không còn nốt cái niềm hân hoan lâng lâng trong lòng.
Mẹ đã ra đi mãi mãi, những ngày Tết ấm áp cũng theo mẹ ra đi. Năm ngoái con về bên mộ mẹ, để tưởng nhớ mẹ, để nhớ lại cái không khí ấm áp khi ngày đầu năm con còn có mẹ, và để thấm thía nỗi đau cứ bóp nghẹn trong tim khi con nhớ về mẹ.
Mẹ ơi, mẹ còn nhớ không những ngày cận Tết, người miền nam mình hay nấu bánh tét. Nồi bánh tét mẹ nấu vừa thơm vừa ngon, cái bánh tét chuối con hay ăn mẹ thường nấu ngon hơn, to hơn, và làm giấu cho con. Mẹ chưa bao giờ ăn ngon hơn chúng con, và mẹ cũng chưa bao giờ quên cái bánh tét của con.
Ngày đưa ông Táo về trời, mẹ hay ngồi mãi trong bếp, châm lửa đốt cây nhang, mẹ làm thật chậm, khấn cũng thật chậm, có lúc con ngồi đó, không biết mẹ khấn gì, chắc mẹ khấn ông Táo về Trời xin cho gia đình mình no đủ. Mẹ, ông Táo là hai bà một ông, còn mẹ, mẹ chỉ có một mình. Từ ngày cha mất khi tụi con con đỏ hỏn, mẹ chỉ có một mình, đến ngày mất, mẹ cũng chỉ có một mình, cuộc đời mẹ không hề có một bờ vai nương tựa, tụi con, lũ con gái lớn, lại là bờ vai của mẹ, những bờ vai yếu đuối dựa vào nhau.
Ông Táo sẽ chứng cho mình, mẹ đã nói như thế, nên có lẽ, nhờ vậy mẹ tần tảo nuôi chúng con mấy mươi năm.
Hôm nay gần Tết, Ngoài chợ Việt Nam ở đây người ta bày hoa mai giả ra bán, người ta bày cả pháo giả, hình ảnh, câu đối, câu liễn Tết, nhìn câu thơ ngưới ta viết mà nước mắt con chảy dài:
“ Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
Mẹ ơi, sao mẹ không còn với con? Con nghe đâu đây thoang thoảng mùi nếp mới trong gió, mùi nếp nhân đậu xanh, thêm chút thịt nạc, thịt mỡ… cái bánh xanh xanh, dẻo dẻo còn thơm nồng mùi lá… Mẹ bỏ tôm khô vào củ kiệu, đồ chua, ăn chung với bánh. Củ kiệu và đồ chua cả nhà mình cùng làm, Thủy với chị Hai sắc gọt rất nhanh, còn con là lâu nhất, tính con làm gì cũng chậm, mẹ cũng chưa bao giờ trách con về điều này mẹ nhỉ? Nhà mình phơi củ kiệu trên sân thượng mất hai ngày, cho khô, rồi mới ngâm.
Bây giờ không cần đâu mẹ, củ kiệu bây giờ bán qua Mỹ nhiều lắm, chỉ mấy đồng một hũ, nhưng con không mua, vì chồng con không ăn mẹ à. Con đâu có Tết, ngày Tết là ngày Bill vẫn đi làm, mà có không đi làm thì ảnh cũng không ăn, ảnh không biết ăn cả bánh chưng thì mua củ kiệu làm gì. Nếu con có con, con sẽ dạy nó ăn bánh chưng, bánh tét rồi hai mẹ con cùng ngồi gói bánh như mẹ con mình ngày xưa, con lại sẽ để lại cho nó cái đẹp nhất, to nhất, nhiều nhân nhất nhưng đó là nếu, phải không mẹ.
Còn một tuần nữa thôi là tết rồi, bây giờ ngoài trời bây giờ âm mười hai độ, lạnh. Con ghen tị làm sao với những ai đang chuẩn bị mua thịt, róc lá chuẩn bị nồi bánh chưng, ghen tị với cả thời tiết ấm áp mọi người được đi hội hoa xuân. Con nhớ mãi cảnh mẹ con mình đi chọn hoa xuân chưng Tết, mẹ hay mua vạn thọ, mẹ bảo vạn thọ là vạn phước, vạn điều may, là vạn niên. (Ước chi mẹ cũng sống đến một vạn năm nhỉ?).
Con nghĩ đến bông Tết là nghĩ đến màu vàng, màu đó là màu mẹ hay chưng Tết nhất, bàn thờ là cúc vàng, hoa vạn thọ vàng đặt dưới đất, cây mai vàng trước nhà, cây quất đầy những trái vàng ươm trong phòng khách. Cứ đến mồng hai mồng ba là cây mai vàng lại rụng những cánh vàng ươm của nó xuống đất, quện màu vàng vào màu đỏ của xác pháo, hay màu đỏ nâu nâu của những vỏ hạt dưa ăn làm rơi còn chưa quét kỹ. Ở đây không bằng Cali mẹ à, không có hoa thật, người ta bày hoa mai giả bán trong tiệm. Ở Mỹ bây giờ không thịnh mai giả bằng hồi mấy năm trước, nhưng con nhớ hồi còn ở Việt Nam, nhà nghèo, Thủy nó làm bông giả thử bán Tết hay sao đó, rốt cuộc chắc ế quá nên nó chỉ còn có nước lấy hoa lì xì mấy đứa nhỏ thay cho tiền lì xì tết. Giờ Thủy ở Seattle, ở tận bờ đông của đất nước rộng lớn này, trong khi con ở bờ tây, sao thăm nhau được, Tết cũng như ngày thường, Thủy nó lấy chồng người Việt nên Tết nó bận rộn hơn con, không biết nó có đỡ buồn hơn con không? Còn con, chắc giao thừa cũng chỉ một mình, một mình bày bàn thiêng, khấn cái gì bây giờ mẹ nhỉ?
Những ngày còn mẹ, tuy sài Gòn cũng đã cấm nổ pháo, giao thừa không còn náo nhiệt như xưa nhưng con vẫn thấy hạnh phúc. Hạnh phúc khi buổi tối, khi bàn thờ nhà mình rực sáng, nhà người ta cũng rực sáng, cái không khí chung vui nhà ai cũng cúng, nhà ai cũng có bàn thờ, có nén nhang, cảm giác đó nó thiêng liêng lắm. Nó làm cho mình cảm thấy hình như trên trời, Thượng Đế, Chư Phật cũng phải ngó xuống, vì đây như một buổi cầu nguyện tập thể, của cả mấy triệu con người… Vô hình chung, mình tin tưởng rằng, mình cầu gì được nấy. Lúc đó, vừa cầu nguyện xong, tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ trong cái giao thời giây phút ấy bỗng dưng vang lên thiêng liêng, lay động, nức lòng không thể tả.
Không còn có pháo, Sài gòn thiếu đi cái cảm giác lâng lâng sung sướng khi buổi sáng thức dậy, ngoài sân nhà ai cũng đỏ rực xác pháo. Nó như một niềm hân hoan về một năm mới tràn đầy niềm vui, niềm hy vọng. Không ai quét xác pháo giao thừa ấy ngay, và con còn nhớ mãi cái mùi thơm nồng nồng của buổi sáng những ngày mồng một ấy.
Có một niềm vui không hề thay đổi cho dù có tiếng pháo hay không, đó là niềm vui sum họp, niềm vui cả nhà gặp nhau, vui sướng chào nhau, chúc nhau ngày tết. Ăn trưa xong, cả nhà quây quần đánh bài xì dách, đặt cược cốt chỉ để cho vui, chứ cái hạnh phúc nhất là niềm vui được quây quần đông đủ để nói tào lao, chuyện mèo cắn chó, chó cắn mèo, toàn chuyện trên trời dưới đất. Mẹ biết không, lúc đó nhà mình ai cũng thay áo đẹp ra, mặc áo cộc để đỡ nóng, để được ngồi với nhau lâu hơn.
Còn mẹ, mẹ không tham gia những trò nhí nhố của tụi con. Mẹ chỉ lặng lẽ ngồi đó cười, nụ cười mẹ hiền, hiền lắm, nhưng niềm vui khôn tả ẩn trong ánh mắt mẹ long lanh, con biết mẹ lẳng lặng dọn dẹp cho tụi con có thêm thời gian vui đùa.
Bây giờ con đâu còn có mẹ, cũng không còn hội đủ anh chị em, tụi con, đứa nào hướng về mẹ cũng là hướng đến nguồn cội thiêng liêng, nhưng mỗi đứa một phương trời. Không còn mẹ, tụi con đâu còn động lực để mỗi năm về Việt Nam. Bây giờ con mới thấm thía câu thơ của Đỗ Trung Quân: "Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi".
Một năm sau khi mẹ mất, tụi con còn về chung, cốt để qua một cát Tết để tưởng nhớ mẹ, nhưng vẫn buồn. Giờ đây, cái ý nghĩa về thăm mẹ đâu còn nữa, mỗi đứa lại một gia cảnh. Mẹ bây giờ, con biết, đã có thể vượt thời gian, không gian ở bên từng đứa. Còn con, như con đã nói, không còn thức từng đêm, hân hoan từng ngày để chờ ngày nhìn thấy gương mặt mẹ rạng ngời ở cửa ra Tân Sơn Nhất nữa. Bây giờ chặng đường về nhà của con sao thấy xa quá mẹ ơi.
Mấy hôm nay lạnh lắm, nhưng ở đây con có heat trong nhà, đọc báo con thấy miền Bắc mình lạnh lắm mẹ à. Nhiều cụ già em thơ còn chưa được mặc ấm. Mẹ ơi mẹ ra đi rồi nhưng quê hương còn ở lại, con muốn được trở về tạ ơn với quê hương, con sẽ nhìn thấy mẹ trong mắt các cụ già, các em nhỏ phải không mẹ?
Mùa xuân về rồi mà bên ngoài nhà con bây giờ là cánh đồng mênh mông tuyết phủ, hắt hiu như nỗi đau trong lòng con vậy. Con bất chợt mở cửa sổ, một bông tuyết bay vào tay con, cái lạnh phả vào mặt con, vào tim con, một bông tuyết bỗng đi lạc vào mắt con. Con nhắm mắt lại, ô kìa, con lại thấy hình ảnh mẹ. Mẹ đang vui lắm, mẹ cười dẫn con đi vào lối chợ hoa, kia là vạn thọ, là mai và cúc vàng rực rỡ sắc xuân, một màu vàng đượm niềm hạnh phúc chan lên nụ cười của con, của mẹ, của những khách du xuân, trên những con phố sài gòn rộn ràng tiếng xe lên bức tranh xuân sài gòn óng ả.
Mẹ ơi, mẹ con mình cùng về quê nhé, hôm nay, Sài Gòn rực rỡ vào ngày nắng đầu mùa.
Philadelphia ngày tuyết phủ
Đặng Thị Kim Đào
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.