Mẹ ơi xuân này con vắng nhà. Lại một mùa xuân nơi xứ xa. Nơi này không mẹ cũng không cha. Không có anh em một mái nhà. (Phạm Quốc Hân, Đức)
Tôi nhớ Tết quê tôi, vùng đất Phú Yên yên bình và thân thiện. Nhớ phiên chợ cuối năm tấp nập hàng Tết về, nhớ chợ hoa đầy màu sắc chào đón Nàng Xuân. (Lan Phương, Mỹ)
Tết mỗi năm, mẹ làm 30 cái bánh chưng lận. Không biết sao, mình đã từng ăn qua rất nhiều loại bánh chưng, nhưng chỉ có hương vị mẹ làm đối với mình là ngon nhất. (Phương Quỳnh, Thụy Sĩ)
Tết ở đây không có hoa mai, hoa đào khoe sắc; không có những buổi chúc thọ ông bà để nhận những phong bì đỏ; không có hương vị ấm cúng của cả nhà quay quần bên những bếp lửa hồng khi nấu bánh tét.
Tết năm rồi là năm hạnh phúc nhất của tôi, được đón Tết cùng gia đình cùng với bà ngoại thương yêu. Nhưng năm nay tôi lại một mình nơi đất lạ, bỗng dưng lòng lại buồn nhớ quê da diết. (Bạch Tuyết, Hàn Quốc)
Nhánh mai, cành đào, vui đón Tết. Cúc vàng, lan nở, mừng xuân sang. Phố rộn, phường vang, nơi đất Mẹ. Xứ lạ, thăng trầm, xuân đã sang. (Nguyễn Bá Vỹ, San Jose)
Tết năm nay con lại không về, không phải vì con không đặt vé, con đã háo hức hơn nửa năm qua để được đón Tết ở nhà. Vậy mà con phải hủy vé, vì con có bầu to quá. (Lan Anh, Singapore)
Cũng có lúc ngồi khóc nhớ nhà, khi đó tôi tự hỏi tại sao mình là con trai mà dễ khóc thế. Rồi tôi ngồi nghĩ và nhận ra những giọt nước mắt đó không phải vì buồn, vì cô đơn, mà chính là vì tôi thương mẹ. (Nguyễn Văn Tình, Hàn Quốc)
Chợt nhận ra, vào thời khắc thiêng liêng nhất, ta không khao khát được ăn, được uống, được ngắm hoa, được nhận lì xì... mà lúc đó thực sự nhớ về quê nhà, thèm được nhìn thấy người thân, nhìn thấy nụ cười của mọi người, nghe được lời chúc Tết. (Hoàng Minh, Nga)
Năm đó tôi may mắn được chúc Tết nội đầu tiên, dĩ nhiên ông phải cho tiền lì xì rồi. Nhưng vẫn thích hơn nhiều cái cảm giác được ngồi cùng ông nhấp rượu. Là con gái nhưng được cho uống rượu, mà lại được uống với nội vào lúc giao thừa. (Kim An, Siberia)
Năm nay, ngày mùng 1 Tết đúng vào ngày thứ 4, tôi vẫn phải đi làm trong cái giá lạnh - 22 độ này. Tôi cố gắng tăng ca, làm thêm để ngày Tết những năm sau có thể cùng gia đình về đón Tết với ba mẹ. (Tina Ringstad, Na Uy)
Tôi sẽ không bao giờ quên những lúc ngồi làm khuôn bánh chưng bằng lá dừa, gói lại với nếp, đậu và thịt mỡ. Không gì hạnh phúc bằng lúc ngồi quanh bếp lửa, chia sẻ chuyện vui buồn và chờ đón giao thừa. (Nguyễn Hữu Đức, Mỹ)
Tuổi thơ con là nơi đất Việt, đón giao thừa và cúng tất niên, cùng mẹ cha cô bác quây quần, với bánh chưng xanh, dưa hành câu đối đỏ. (Nguyễn Danh Thành, Cộng hòa Czech)
Tôi vừa được bạn thân hồi ở Thái Lan gửi cho một chiếc bánh chưng từ Italy. Bánh được gói bằng giấy nhôm, thơm mùi nếp, đậu và thịt. (Lưu Trúc, Scotland)
Nhọc nhất là gánh nước từ trên giếng làng. Quê tôi nằm sát ven núi nhưng mùa này chỉ có giếng làng mới còn nước. Nước luộc bánh chưng phải là thứ nước trong vắt, có vị ngòn ngọt từ núi. (Nguyễn Văn Tình, Belarus)
Hà Nội trời lất phất mưa. Nụ hoa đào e ấp nở. Chàng trai ngập ngừng gõ cửa. Em ơi đi đón giao thừa. (Lê Phương Uyên, Đức)
Chúng tôi rất thèm đồ Tết, nhưng chỉ có thể mua luỡi, tai, và chân giò lợn về làm món giò xào. Bánh chưng, giò lụa thì rất may một tháng trước mẹ tôi đã gửi sang cho. (Amy Huong, Tây Ban Nha)
Ở London có đủ nguyên liệu để gói bánh chỉ trừ lá dong. Lướt mạng một hồi, con tìm được cách gói bánh bằng lá chuối tươi. Nghe thật lạ tai đấy, nhưng có còn hơn không. (Mai Thị Nguyệt, Anh)
Bắt đầu từ bây giờ, độc giả có thể bình chọn cho các bài dự thi viết về Tết, được đăng trong tuần từ ngày 17/1-21/1.
Chúng tôi chọn được vài cành đào mà chúng tôi gọi vui là "đào không thế". Cành thắng tắp như cành tre. Nhưng thẳng cũng là một thế đấy chứ, thế của người quân tử. (Đào Phi Cường, Pháp)
Toàn bộ kiều bào điều tập trung tại các chùa người Việt để cùng đốt pháo và đón giao thừa. Sau giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa mọi người được nhận lộc đầu năm do các thầy và tăng ni phát. (Hoài Nguyên, Mỹ)
> Chợ Tết ở California
Hội người Việt ở Canada chuẩn bị cho Tết trước cả hai tháng. Công việc được phân công khá chi tiết với việc tổ chức các hoạt động như ca hát, các trò chơi dân gian, làm lễ dâng hương vua Hùng, nấu ăn các đồ ăn Việt.
Giao thừa, mọi người ngồi lại bên nhau, chia sẻ những câu chuyện, cùng ăn những món ăn Việt Nam, cùng hát những bài hát về Tổ quốc Việt Nam để xua bớt đi nỗi nhớ. (Hữu Dư, Nga)
Tôi đặt vội một tấm vé vì tôi muốn về nhà, về sau hai năm xa cách. Về để được thấy cái rộn ràng của phố phường, của cái tấp nập Sài Gòn những ngày gần Tết. (Hồng Ngọc, Mỹ)
Đúng giao thừa, chị em chúng tôi cùng ôm nhau hô vang câu chúc mừng năm mới. Ngoài trời pháo hoa nhiều màu sắc bay nhảy rộn ràng. Má chuẩn bị bánh mứt để ba làm lễ gia tiên cúng rước ông bà. (Minh Nguyệt, Mỹ)
Không khí Tết rõ nhất là ngày Hai mươi ba tháng Chạp, chúng tôi làm lễ tiễn ông Táo chầu trời, với mâm cỗ mặn, áo mũ, vàng tiền, cá chép. (Nguyễn Đắc Như-Mai, Pháp)
Tất cả kỷ niệm như một cuốn phim đang chạy trong đầu con. Con thèm miếng bánh tét nóng hổi mới vớt khỏi nồi vào lúc đêm khuya 28, 29 tết. Với con, bánh tét mẹ gói là ngon nhất. (Tố Quyên, Italy)
Còn lâu mới tới Tết. Tôi thực ra cũng không biết đích xác Tết sẽ rơi trúng ngày nào dương lịch. Nhưng đúng là mọi thứ thật vời vời xa ngái, ít nhất là với tôi, vậy nên Tết vẫn ở đâu đó lâu lắc. (Trang Ami, Pháp)
Ngày tết quê ngoại với tôi, đó là phút giây hồi hộp chờ đón thời khắc giao thừa cùng với tiếng pháo nổ đì đùng. Cả đêm đó tôi không sao chợp mắt vì chỉ mong trời sáng mau mau. (Diễm Trang, Canada)