Trong khi triệu chứng do Covid-19 gây ra hầu hết đã được biết đến như: sốt, mệt mỏi, mất vị giác - khứu giác, ho, đau họng... thì những di chứng vẫn đang được cập nhật. Những thông tin dưới đây sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về triệu chứng và di chứng Covid-19, trường hợp nào cần đi khám và chữa trị kịp thời.
Triệu chứng Covid-19 kéo dài
Ths.Bs Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 cho biết trong y học, triệu chứng là một biểu hiện lâm sàng của bệnh, đó là những cảm giác mà chỉ có bệnh nhân mới có thể cảm nhận được. Covid-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau.Theo định nghĩa của WHO, triệu chứng Covid kéo dài là những triệu chứng trong giai đoạn Covid cấp tính vẫn kéo dài sau khi khỏi đến 3 tháng. Hầu hết người nhiễm virus có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình, có thể hồi phục mà không cần nhập viện.
Các triệu chứng thường gặp nhất gồm: sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác.
Các triệu chứng ít gặp hơn: đau họng, đau đầu, đau nhức cơ, tiêu chảy, da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái (ngón chân/ngón tay Covid), mắt đỏ hoặc ngứa.
Các triệu chứng nghiêm trọng: khó thở, mất khả năng nói hay cử động hoặc thấy lú lẫn, đau ngực.
Thời gian ủ bệnh trung bình 5 ngày (trong khoảng từ 2 đến 14 ngày). Các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ (từ 38,1 độ C đến 39 độ C) thường kèm theo giảm vị giác và khứu giác. Ở hầu hết bệnh nhân, bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và các triệu chứng sẽ khỏi trong khoảng một tuần, thông thường bệnh nhân sẽ hồi phục tại nhà. Khoảng 10% vẫn còn triệu chứng vào tuần thứ hai. Nếu các triệu chứng càng kéo dài, nguy cơ tiến triển bệnh nặng càng cao hơn, đòi hỏi phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn.
Dấu hiệu cho thấy các triệu chứng trở nặng gồm:
Khó thở: ban đầu khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi. Khi độ bão hòa oxy máu (SpO2) bằng hoặc nhỏ hơn 93% là dấu hiệu cơ thể thiếu oxy.
Mất khả năng nói hay cử động hoặc thấy lú lẫn.
Đau ngực: đây là dấu hiệu sớm của tổn thương phổi do virus. Trường hợp đau ngực nặng là biến chứng huyết khối động mạch phổi do virus, có thể dẫn tới tử vong nhanh.
Đối tượng dễ khiến các triệu chứng trở nặng gồm: tuổi cao - nhiều nghiên cứu chỉ ra các bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong cao hơn; có bệnh kèm theo như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, suy thận, xơ gan, bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, giãn phế quản; ghép tạng: ghép gan, ghép thận...; béo phì.
Theo bác sĩ Tuấn, hiện nay, Bộ y tế hướng dẫn phân loại 5 mức độ bệnh Covid-19, gồm: không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch.
Không triệu chứng: F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở nhỏ hơn 20 lần/phút, SpO2 lớn hơn 96% khi thở khí trời.
Mức độ nhẹ: F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như :sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy... Nhịp thở nhỏ hơn 20 lần/phút, SpO2 lớn hơn 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.
Mức độ trung bình: Đánh giá toàn trạng, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20 - 25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94 - 96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang). Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 lớn hơn 300.
Mức độ nặng: F0 được phân loại thuộc nhóm nặng nếu hô hấp có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở lớn hơn 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 nhỏ hơn 94% khi thở khí phòng. Về tuần hoàn, nhịp tim người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, HA bình thường hay tăng. Về thần kinh, người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt. Chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200 -300.
Mức độ nguy kịch: F0 thuộc nhóm nguy kịch có biểu hiện thở nhanh hơn 30 lần một phút hoặc nhỏ hơn 10 lần một phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy. Ý thức người bệnh giảm hoặc hôn mê. Nhịp tim bệnh nhân có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt, tiểu ít hoặc vô niệu. Kết quả X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 nhỏ hơn 200, toan hô hấp, lactate máu lớn hơn 2 mmol/L.
Các F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ được chỉ định điều trị tại nhà, chủ yếu bằng các thuốc điều trị triệu chứng như: giảm ho, long đờm, hạ sốt. Các thuốc chống viêm, chống đông và thuốc kháng virus cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
Các F0 mức độ trung bình và nặng được điều trị tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hội chứng hậu Covid-19
Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, biến chứng và khái niệm hậu Covid còn khá mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid -19, công bố tháng 10/2021. Hội chứng này thường xảy ra ở những người nhiễm bệnh được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Nhiều người lo lắng và đi khám hậu Covid-19, tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép.
Triệu chứng ở người lớn: Các báo cáo cho thấy di chứng hậu Covid-19 nhiều, song phần lớn nhẹ. Người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, mất ngủ, đau tức ngực, khó thở, một số trường hợp khác rụng tóc, chậm kinh nguyệt, ho nhiều, tiêu chảy; một số khác bị suy giảm sinh lý... Nếu triệu chứng xuất hiện 1-2 tháng thường là dấu hiệu Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19. Khi nào người bệnh thấy triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khiến bản thân lo lắng thì có thể đi khám, không nên đi khám theo phong trào.
Triệu chứng ở trẻ nhỏ: Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn người lớn, các triệu chứng cũng không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hậu Covid-19 cũng rất ít báo cáo đề cập. Một biểu hiện đáng lưu ý là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) nhưng tỷ lệ này rất thấp. Các biểu hiện MIS-C là: sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng.
WHO ghi nhận hơn 200 triệu chứng sau Covid đã được báo cáo. Trong đó, ba triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể khởi phát sau khi hồi phục hoặc kéo dài từ đợt nhiễm bệnh cấp tính, có thể thay đổi và tái phát theo thời gian.
Ths.Bs Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 cho biết dấu hiệu cho thấy các triệu chứng trở nặng bao gồm: khó thở tăng dần phải thở oxy; mệt mỏi kéo dài tăng dần; rối loạn ý thức; đau ngực tăng dần. Và nhóm nguy cơ cao mắc các triệu chứng hậu Covid-19 gồm: người phải nằm viện vì Covid-19; người có hơn 5 triệu chứng (ho, khó thở, tiêu chảy, chóng mặt, đau nhức người...) trong tuần đầu tiên mắc bệnh; người có bệnh nền, người trên 60 tuổi mắc Covid-19; người có kết quả xét nghiệm máu bất thường nhiều (hỏi nhân viên y tế) trong giai đoạn cấp tính.
Ngoài ra, bác sĩ cho biết các triệu chứng và biến chứng kéo dài khó phục hồi hoặc không phục hồi, ảnh hưởng, gây tổn thương bộ phận cơ thể nào đó do Covid-19 sẽ được gọi là di chứng như: đột quỵ nhồi máu não, thuyên tắc phổi dẫn đến ngưng tim, phổi tổn thương, xơ hóa, phải lệ thuộc máy thở...
Ths.Bs Nguyễn Chí Tuấn khuyến cáo người bệnh nên chủ động khám sức khỏe trong vòng một đến ba tháng đầu sau khi khỏi Covid-19. Riêng người có bệnh nền, trên 60 tuổi; người mắc Covid từng điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực; người có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường nên đi khám ngay.
Đồng thời, khi người bệnh thấy có những biểu hiện như: mệt mỏi kéo dài, khó thở tăng dần, đau ngực, rối loạn nhận thức... sau khi mắc Covid-19, cần tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng cũng như chăm sóc sức khỏe cần thiết. Việc điều trị tình trạng hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng.
Các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách điều trị tốt nhất.
Hải My