Độc giả chia sẻ câu chuyện tại đây.
Dù đã an toàn vượt qua Covid-19 hơn 10 ngày nhưng Lam Trang vẫn rùng mình khi nghĩ lại những ngày cô và hai con mắc Covid. "Trải nghiệm đáng sợ khiến tôi bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi vừa mệt mỏi vì bản thân gặp nhiều triệu chứng khi nhiễm virus, vừa lo lắng, sợ hãi khi các con cũng mắc bệnh, sốt cao", cô chia sẻ.
Trong gia đình, Lam Trang là người đầu tiên mắc Covid, với triệu chứng ban đầu là rát họng và ho. Sau một đêm, ca sĩ bị biến chứng xuống phổi, người đau như bị trúng gió, ho sâu, tức ngực. Bác sĩ hỗ trợ Lam Trang cho biết cô là ca bệnh nặng nhất lúc đó. Để điều trị, bác sĩ kê cho Lam Trang thuốc kháng sinh (không có thành phần kháng thể), bổ phổi, tăng đề kháng... nhằm giảm các triệu chứng cũng như tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ngày thứ hai, sau khi Lam Trang dương tính với Covid-19, con gái 4 tháng tuổi của cô cũng bắt đầu sốt, bỏ bú. Tới trưa ngày thứ ba, con trai 8 tuổi kêu rét, không ăn và bắt đầu sốt.
Ngay khi biết các con cùng nhiễm bệnh, tinh thần của nữ ca sĩ hoảng loạn, suy sụp. Ngày thứ ba, Lam Trang có biểu hiện rét, hai chân run lẩy bẩy, chỉ số oxy chỉ ở mức 90-92, tinh thần xuống dốc. Tuy nhiên, nữ ca sĩ nhanh chóng cân bằng, bình tĩnh sắp xếp lại mọi việc... để có thể chăm sóc tốt cho bản thân và hai con.
Hai ngày cao điểm, con trai của cô sốt tới 40,8 độ. Sau khi được cho uống thuốc hạ sốt và chườm, nhiệt độ của bé vẫn ở mức 38,5 đến 38,7 độ, chỉ số oxy có lúc tụt xuống 89. Lam Trang như "ngồi trên đống lửa" vì con trai có tiền sử co giật khi sốt. Hai đêm liền, cô thức trắng trông con.
"Con trai lớn sốt li bì không rời mẹ, con gái nhỏ khóc ở phòng bên cạnh, tôi ngồi phòng bên này khóc theo. Hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi vì vừa lo sợ các con gặp chuyện, vừa mệt mỏi và xót xa khi không thể cùng lúc chăm sóc cho các con. Tôi tự trách mình vì mang dịch bệnh lây cho hai con", cô tâm sự.
Nhưng không dằn vặt bản thân lâu, Lam Trang tự nhủ phải mạnh mẽ vì các con. Cô liên tục chườm trán, bẹn... cho con để bé hạ sốt. Sau 3 ngày, bé lớn hết sốt, bé nhỏ cũng bắt đầu ăn ngủ được.
Khi các con dần ổn định, nữ ca sĩ bắt đầu thấy đau khớp chân, lưng và đầu, hai chân và hai tay run lẩy bẩy, ho nhiều... Cô vẫn kiên trì uống thuốc, súc họng bằng nước muối, khử khuẩn hàng ngày... Ngày thứ 6, cô xét nghiệm âm tính, các triệu chứng cũng giảm dần.
Trong thời gian ba mẹ con nhiễm bệnh, Lam Trang luôn tuân thủ hướng điều trị của bác sĩ. Các đơn thuốc đều có chỉ định sử dụng rõ ràng gồm: thuốc bổ phổi, tăng đề kháng... Cô và con trai lớn duy trì súc miệng, rửa mũi và xịt mũi bằng nước muối hàng ngày. Với bé nhỏ chưa thể súc miệng nước muối, cô xịt mũi.
"Mọi người không nên chủ quan với Covid-19 vì mỗi người một thể trạng. Do đó, việc tự sử dụng thuốc cho bản thân và đặc biệt là trẻ nhỏ cần có sự tư vấn của bác sĩ", nữ ca sĩ nhấn mạnh.
Về chế độ ăn uống, Lam Trang lên thực đơn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho chính mình và các con, tăng cường cung cấp vitamin từ rau, củ, quả. Với bé gái 4 tháng tuổi còn đang bú mẹ, cô tích cực cho con bú để cung cấp dinh dưỡng.
Hậu Covid-19, giọng ca 8x vẫn mệt, thường bị run, hai đầu gối và đầu đau nhức, mất ngủ, trầm cảm, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Tuy nhiên, cô cố gắng chăm sóc sức khỏe, cân bằng lại tinh thần và tìm kiếm lời khuyên của các bác sĩ. Hiện tại, người đẹp dần hồi phục. Cô hy vọng mọi thứ sớm ổn định trở lại để có thể chăm sóc tốt cho hai con.
Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, Lam Trang thấy mình mạnh mẽ hơn. "Với tôi, sức khỏe và tinh thần đều rất quan trọng. Do đó, các gia đình có con nhỏ mắc Covid-19 cần thật bình tĩnh xử lý và tạo cho con không khí tích cực, vui vẻ để dễ dàng vượt qua dịch bệnh", cô chia sẻ.
Nữ ca sĩ cũng thấy may mắn vì đã xử lý kịp thời biến chứng xuống phổi, tránh để bệnh diễn tiến nặng. Theo bác sĩ CK I Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, trường hợp bị biến chứng Covid-19 xuống phổi chỉ sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh không hiếm gặp. Đây được gọi là bội nhiễm vi khuẩn do sức đề kháng kém. Theo bác sĩ, sức đề kháng yếu kém là cơ hội để virus và vi khuẩn dễ dàng tấn công vào đường hô hấp, khiến người bệnh có thể bị viêm tiểu phế quản và thậm chí viêm phổi.
Trong trường hợp này, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh, thậm chí các loại kháng sinh liều cao. Bởi nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng như: viêm phổi, suy hô hấp, xẹp phổi,... Người bệnh cần được điều trị dứt điểm, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bệnh tái phát nặng hơn.
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cũng cần chú ý tới một số phương pháp phòng, tránh như: giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết giao mùa; vệ sinh chân tay sạch sẽ để hạn chế virus, vi khuẩn tấn công; bảo vệ bản thân trước khói bụi, ô nhiễm môi trường... và cần có chế độ dĩnh dưỡng khoa học nhằm tăng hệ miễn dịch của cơ thể.