Danh mục
×
Tất cả chuyên mục Đóng
Trở lại Sức khỏe

Cách dùng thuốc chống đông

F0 mức độ nhẹ nếu đang dùng thuốc chống đông theo bệnh nền thì cần duy trì, F0 mức độ trung bình dùng thuốc tùy theo kết quả xét nghiệm.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của Covid-19 là rối loạn đông máu, gây ra tình trạng vi huyết khối tại phổi (gây sung huyết phổi, khó thở và suy tim) và các cơ quan khác, thậm chí gây tắc các mạch máu lớn, có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch phổi... Rối loạn đông máu cùng với rối loạn phản ứng viêm là hai hậu quả chính của "cơn bão" cytokin khiến suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng của cơ thể. Do vậy, việc sử dụng thuốc chống đông trong dự phòng và điều trị các biến chứng liên quan đến rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid-19 rất quan trọng.

Khác với thuốc kháng viêm corticoid không được sử dụng để dự phòng do nhiều tác hại nguy hiểm, thuốc kháng đông có thể dùng để dự phòng tương đối an toàn. Dưới đây là hướng dẫn dùng thuốc kháng đông cho F0 từ bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

F0 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ

Theo Bộ Y tế, F0 mức độ nhẹ là người có SpO2 trên 96% và nhịp thở dưới 20 lần/phút. F0 mức độ trung bình là người có SpO2 từ 94% đến 96%, nhịp thở 20 - 25 lần/phút, tổn thương trên X-quang <50% hoặc F0 mức độ nhẹ nhưng có bệnh lý nền.

- Nếu F0 đang dùng thuốc chống đông theo bệnh nền thì tiếp tục duy trì.
- Nếu F0 có nguy cơ cao, bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính, bệnh mạch vành, tiền sử huyết khối, béo phì thì dùng liều dự phòng.

Hình minh họa: rivaroxaban (Xarelto) và enoxaparin (Lovenox) là hai loại thuốc kháng đông thông dụng.

Theo bác sĩ Huy Hoàng, Rivaroxaban (Xarelto) và Enoxaparin (Lovenox) là hai loại thuốc kháng đông thông dụng. Ảnh: NVCC

F0 mức độ trung bình

Dùng liều dự phòng tăng cường và liều điều trị tùy theo kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm dựa trên các tiêu chí sau:

- CRP (xét nghiệm quan trọng để xác định và đánh giá tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng) dưới 15mg/L, dùng liều dự phòng tăng cường; trên 15mg/L dùng liều điều trị.
- Ferritin (kiểm tra định lượng sắt đang có trong cơ thể) dưới 1.000ng/ml dùng liều dự phòng tăng cường; trên 1.000ng/ml dùng liều điều trị.
- D-dimer (xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu) tăng 2 - 5 lần ngưỡng bình thường, dùng liều dự phòng tăng cường; trên 5 lần ngưỡng bình thường hoặc tăng nhanh gấp đôi trong vòng 48 giờ dùng liều điều trị.
- IL-6 nếu 15 - 40 pg/ml, dùng liều dự phòng; trên 40 pg/ml dùng liều điều trị.
- Bạch cầu lympho chưa giảm, tham khảo các tiêu chuẩn khác; bạch cầu lympho giảm dưới 0,8G/L, dùng liều điều trị. Nhiệm vụ chính của bạch cầu lympho là tăng cường sức để kháng của cơ thể để chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng và những tác nhân gây bệnh.
- Bạch cầu trung tính dưới 10 G/L, dùng liều dự phòng; trên 10G/L, dùng liều điều trị. Bạch cầu trung tính là cơ chế phòng vệ chính của cơ thể chống lại nhiễm khuẩn và nhiễm nấm.

Chống chỉ định: dùng chống đông nếu F0 đang chảy máu, mới xuất huyết não, Fibrinogen < 0,5g/L, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp. Thận trọng nếu F0 đang có giảm tiểu cầu.

Người có chức năng thận bình thường

Liều dự phòng và điều trị dưới đây dành cho các F0 có chức năng thận bình thường, nếu chức năng thận suy giảm, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ.

Liều dự phòng hoặc dự phòng tăng cường, dùng 7 - 10 ngày:

Người bệnh lựa chọn một trong các thuốc sau:

- Enoxaparin (Lovenox hoặc các biệt dược khác): với BMI < 30, tiêm dưới da 40mg một lần mỗi ngày; BMI > 30, tiêm dưới da 40mg, có thể 1 - 2 lần mỗi ngày. Liều dự phòng tăng cường: với BMI bất kỳ, tiêm dưới da 0,5mg/kg cân nặng, 2 lần mỗi ngày.
- Rivaroxaban (Xarelto hoặc các biệt dược khác) 10 - 20mg, uống một lần/24h.
- Apixaban (Eliquis hoặc các biệt dược khác) 2,5mg uống 2 lần/24h.
- Dabigatran (Pradaxa hoặc các biệt dược khác) 220mg uống một lần/24h.

Liều điều trị, dùng 2 - 6 tuần, nếu có bằng chứng huyết khối dùng 3 - 6 tháng:

Người bệnh lựa chọn một trong các thuốc sau:

- Enoxaparin (Lovenox hoặc các biệt dược khác): với BMI <30, tiêm dưới da 1mg/kg cân nặng, 2 lần mỗi ngày; BMI > 30, tiêm dưới da 0,8mg/kg cân nặng, 2 lần mỗi ngày.
- Rivaroxaban (Xarelto hoặc các biệt dược khác) 15mg uống 2 lần/24h.
- Apixaban (Eliquis hoặc các biệt dược khác) 5 - 10mg, uống 2 lần/24h.
- Dabigatran (Pradaxa hoặc các biệt dược khác) 150mg, uống 2 lần/24h.

Khi đã dùng liều điều trị, bệnh nhân cần dùng thêm các thuốc kháng đông nhóm Acecumarol (Sintrom hoặc các biệt dược khác), Warfarin (Coumadin hoặc các biệt dược khác) để đạt chỉ số INR trong khoảng 2 - 3.

Lưu ý:

- Với phụ nữ mang thai, chỉ dùng Enoxaparin (Lovenox) và liều dùng dựa vào xét nghiệm D-dimer.
- Nếu người bệnh đang dùng Aspirin thì tiếp tục nếu dùng liều dự phòng, nếu dùng liều điều trị thì ngừng Aspirin.
- Nếu người bệnh đang dùng thuốc chống đông đường uống không phải Aspirin thì ngừng và chuyển sang dùng Heparin hoặc Enoxaparin (Lovenox).
- Nếu có bất ký triệu chứng chảy máu hay đau ngực, sưng nề chi thì cần liên hệ bác sĩ khám lại ngay.
- Nếu điều trị dài ngày, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm theo dõi như INR, Fibrinogen, D-dimer, anti-Xa...

Hải My

Từ ngày 16/12, chuyên trang Tư vấn F0 của VnExpress mở thêm mục Chia sẻ để bệnh nhân hay người nhà F0 có thể chia sẻ hành trình chữa trị tại nhà, chế độ dinh dưỡng, luyện tập, quy trình khử khuẩn, kỹ năng chăm sóc, thiết bị y tế... Độc giả chia sẻ bài viết hoặc đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây.