-
20h00
Thưa bác sĩ, hơn 97% bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà, mỗi F0 có những trải nghiệm, triệu chứng riêng do cơ địa mỗi người khác nhau. Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế, nhất là ở TP HCM, Hà Nội, xin hỏi bác sĩ những triệu chứng đặc trưng khi nhiễm Omicron là gì?
Những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể biểu hiện triệu chứng tương tự như các biến thể trước đó. Sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể bị tác động bởi tình trạng tiêm chủng ngừa Covid-19, bệnh nền, tuổi tác và tiền sử nhiễm bệnh trước đó. Các dấu hiệu thường gặp khi nhiễm Omicron gồm ho (thường gặp nhất với khoảng trên 80%). Tiếp theo là mệt mỏi, đau họng, đau đầu, đau cơ, sốt, hắt xì, giảm cảm giác thèm ăn, giảm khứu giác, khó thở. F0 mắc chủng này ít khi mất khứu giác và vị giác. Đây là điểm khác biệt với biến chủng trước đó như Delta và Alpha.
-
20h06
Nhiều người cho rằng chủng phụ Omicron có thể "tàng hình", "lẩn trốn" test nhanh, tức là test nhanh không phát hiện được virus? Quan điểm của bác sĩ về điều này thế nào?
Gọi là biến thể "tàng hình" nhưng theo các nghiên cứu, Omicron không phải là "tàng hình" thực sự với các loại xét nghiệm. Thông tin về việc Omicron lẩn tránh test nhanh hiện nay dường như là không có cơ sở. Theo một nghiên cứu của Umass Chan (sử dụng dữ liệu từ hơn 5.000 bệnh nhân tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên tại nhà và PCR) cho thấy 82% số người nhiễm chủng Delta và 92% số người nhiễm Omicron có kết quả dương tính khi sử dụng sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên tại nhà trong vòng 48 giờ sau khi xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính lần đầu tiên.
Những người bị nhiễm nhưng lại có kết quả test nhanh âm tính có thể có một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, độ nhạy của phương pháp xét nghiệm test nhanh kém hơn so với PCR vì vậy nồng độ virus trong cơ thể phải cao thì mới phát hiện dương tính.
Thứ hai, chất lượng kit test. Hiện trên thị trường bán rất nhiều loại test nhanh của nhiều hãng tại nhiều nước sản xuất, độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại khác nhau. Người dùng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... thì khi test sẽ cho kết quả sai lệch.
Thứ ba, kết quả xét nghiệm nhanh phụ thuộc thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu. Ví dụ, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, bạn có thể đã nhiễm song tải lượng virus trong cơ thể còn thấp. Lúc này lấy mẫu test, khả năng kết quả âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để kit test có thể phát hiện. Ngoài ra, khi tự test, bạn có thể thực hiện sai thao tác, kỹ thuật lấy mẫu và quy trình. Trong gia đình, người già và trẻ nhỏ không tự lấy được mẫu thì người khác có thể hỗ trợ.
Trong bối cảnh thế giới vẫn thiếu hụt xét nghiệm, trong khi xét nghiệm PCR mất nhiều ngày mới cho kết quả, test kháng nguyên nhanh tại nhà, cho kết quả trong vòng chưa đầy 15 phút, là công cụ hữu ích đưa để xác định các ca nhiễm tuy nhiên những test này cần được sử dụng đúng cách.
-
20h08
Tôi có triệu chứng nhưng test nhiều lần đều âm tính thì có cần xét nghiệm PCR nữa không? (Thúy Quỳnh, 29 tuổi, Hà Nội).
Đối với câu hỏi này, tôi nghĩ còn thiếu một số thông tin để trả lời bạn Thúy Quỳnh. Bạn Quỳnh có triệu chứng bao lâu rồi, gồm các dấu hiệu thế nào? Hiện nay còn biểu hiện gì? Vì nhiều triệu chứng nhiễm Covid 19 không đặc hiệu, có thể gây nên bởi nhiều căn nguyên khác nhau như virus cúm mùa hoặc một tình trạng nhiễm vi khuẩn nào đó. Nếu thực sự bạn vẫn còn triệu chứng ở thời điểm này nhưng đã test nhanh nhiều lần âm tính với kit test chuẩn được Bộ Y tế cấp phép thì nên đến một cơ sở y tế để được bác sĩ khám. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc làm xét nghiệm RT- PCR và một số thăm dò khác để chẩn đoán nhiễm Covid-19, hay bạn nhiễm một loại virus khác, bệnh khác...
-
20h13
Xin bác sĩ tư vấn cách lấy mẫu test nhanh để cho kết quả đúng (Mai Anh, 33 tuổi, Ba Đình, Hà Nội).
Bạn cần lưu ý mua ở các cửa hàng thuốc, các sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép, còn hạn sử dụng, không nên mua hàng trôi nổi, trên mạng không đảm bảo chất lượng. Khi mua về, việc đầu tiên là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng vì một số loại kit test có các kỹ thuật khác nhau.
Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm test nhanh các bạn cần chuẩn bị bộ sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nCoV gồm các thành phần: que ngoáy dịch tỵ hầu (dịch mũi) vô trùng, ống nhựa đựng dung dịch đệm, nút màng lọc nhỏ giọt, thanh/khay thử, giá đỡ ống chiết mẫu, hướng dẫn sử dụng.
Ngoài ra chuẩn bị thêm một cây kéo nhỏ để cắt que tỵ hầu, một bình xịt sát khuẩn, giấy thấm, đồng hồ đếm thời gian, túi rác đựng rác thải lây nhiễm (nếu có loại màu vàng dùng cho y tế là tốt nhất).
Tiến trình gồm có 6 bước thực hiện test nhanh:
1. Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay bằng
2. Chuẩn bị lấy mẫu:
Lấy thanh/khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng một giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và thu thập mẫu xét nghiệm.
3. Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)
a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)
Trước tiên bạn cầm ngay phía sau khất của que tỵ hầu, sau đó ngước cổ ra sau 70 độ, lưu ý tập trung thở bằng miệng, sau đó nhẹ nhàng đưa que tỵ hầu vào đến khi nào ngón tay cầm que tỵ hầu chạm mũi là đạt yêu cầu, sau đó xoay, miết nhẹ que tỵ hầu khoảng 5- 8 giây rồi rút nhanh que tỵ hầu ra.
Đối với F0 là trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/ mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.
- Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng một phần hai độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 – 8 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
Lưu ý: Nếu chưa đạt được độ sâu một phần hai bằng chiều dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra.
b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)
Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu.
- Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 5 - 8 giây.
- Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
4. Tách chiết mẫu:
- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.
- Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.
- Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.
5. Đọc kết quả:
Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm. Nếu thời gian đọc của test là 15 phút thì thời gian vàng đọc kết quả 13-15 phút, nếu thời gian đọc của test là 30 phút thì thời gian vàng đọc kết quả 28-30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm và nhà sản xuất.
Cách đọc và biện luận kết quả test nhanh kháng nguyên:
Kết quả âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).
Kết quả dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.
Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.
Các bạn cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc thanh thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.
6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng.
-
20h14
-
20h15
Tôi có triệu chứng sau 5 ngày thì test nhanh âm tính, đến ngày thứ 7-10 rất khó thở và mệt. Có phải hiện tượng thiếu oxy thầm lặng không? (Hoàng Nam, 39 tuổi, Tân Bình, TP HCM ).
Đa số bệnh nhân hết giai đoạn khởi phát đã có thể có xét nghiệm âm tính. Nhưng cũng có nhiều F0 dù rất nhẹ vẫn tái dương tính kéo dài. Hoặc, cũng có trường hợp dù xét nghiệm virus đã âm tính nhưng không chuyển sang giai đoạn hồi phục ngay mà vẫn diễn biến sang giai đoạn toàn phát hoặc có biến chứng.
Thực tế hiện nay, số F0 nhẹ và không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi âm tính trở lại, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng... đã thoái lui, các F0 xuất hiện tâm lý chủ quan âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, họ bỏ hết việc theo dõi sức khỏe, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) - chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi, thiếu oxy thầm lặng.
Việc người bệnh chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. Độ nặng - nhẹ của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus.
Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh sau 5-7 ngày.
Nếu đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên. Nếu bão cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
F0 cần quan tâm, theo dõi việc có xuất hiện tổn thương phổi gây suy hô hấp hay không bằng đếm nhịp thở, đo SpO2 và những chỉ số khác được hướng dẫn cụ thể trong tài liệu "Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà" để liên hệ y tế, nhập viện ngay. F0 chỉ thực sự an tâm đã khỏi bệnh nếu sau ngày thứ 10 không xuất hiện dấu hiệu nặng lên.
Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày 6-10 từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5-7, F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày.
-
20h20
Các dấu hiệu nào cho thấy F0 đang chuyển nặng cần được hỗ trợ y tế ngay? Lúc này cần liên hệ với ai? Trong trường hợp khẩn cấp này gia đình tôi cần liên hệ với ai, số điện thoại như thế nào? (Hoàng Sơn, 44 tuổi, Thanh Hoá)
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà " của Bộ Y tế, những việc F0 cần làm để theo dõi sức khỏe tại nhà đó là theo dõi các chỉ số như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2, huyết áp và các triệu chứng như mệt mỏi, ho đờm, ho máu, thở dốc, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.
Bộ Y tế lưu ý khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, F0 đang theo dõi tại nhà cần liên hệ để được hỗ trợ y tế ngay:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít.
- Nhịp thở bất thường đối với người lớn ≥20 lần/phút. Đối với trẻ em: trẻ từ 1-5 tuổi: nhịp thở ≥40 lần/phút, trẻ từ 5-12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút.
- SpO2 ≤96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phts, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
- Với người lớn mạch nhanh >120 lần/phút hoặc <50 nhịp/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa <90mmHg, HA tối thiểu <60mmHg.
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Với trẻ em phụ huynh chú ý xem trẻ có bú mẹ bình thường không, hay bé kém, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
- Mắc thêm các bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng
Khi F0 có 1 trong các triệu chứng nặng như trên, cần thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, tổng đài 1022, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
-
20h23
Bác sĩ cho biết thêm mạch và nhịp thở như thế nào là bất thường? Trường hợp bất thường (cao hoặc thấp hơn) thì cần xử trí thế nào? (Nam Anh, 29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
Nhịp thở bình thường sẽ tính theo độ tuổi. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh: 40-60 lần/ phút
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 35-40 lần/ phút
- Trẻ 7-12 tháng tuổi: 30-35 lần/ phút
- Trẻ 2-3 tuổi: 25-30 lần/ phút
- Trẻ 4-6 tuổi: 20-25 lần/ phút
- Trẻ 7-15 tuổi: 18-20 lần/ phút.
Đối với mạch bình thường thì trẻ nhanh hơn người lớn một chút. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh: 120-140 lần/phút;
- Trẻ 1 tuổi : 100-130 lần/phút;
- Trẻ 5-6 tuổi : 90-100 lần/phút;
- Trẻ 10-15 tuổi: 80-90 lần/phút;
- Người lớn: 70-80 lần/phút;
- Người già: 60-70 lần/phút.
Người lớn mạch <50 nhịp/phút là chậm trừ một số vận động viên.
Khi có F0 có một trong các triệu chứng bất thường như trên, cần thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, rung tâm vận chuyển cấp cứu... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
-
20h24
Bác sĩ có thể hướng dẫn cách tự đếm nhịp thở, bắt mạch tại nhà? (Hoàng Sơn, quận 7, TP HCM)
Nhịp thở, nhịp tim, mạch có thể tăng giả khi chúng ta quá lo lắng, xúc động, vận động mạnh... Do đó chúng ta cần trấn an bệnh nhân bình tĩnh, cho họ nằm nghỉ 5 phút trước khi đo. Có thể dùng đồng hồ hoặc điện thoại đếm giây.
Nhịp thở, mạch cũng thay đổi nếu chúng ta tập trung chú ý vào nó. Vì vậy, nếu đo nhịp thở cho người khác chúng ta nên đánh lạc hướng người đó. Ví dụ chúng ta giả vờ bắt mạch cho bệnh nhân khi đếm nhịp thở. Nếu tự đếm cho mình, bạn phải cố gắng hết sức thư giãn. Tóm lại, trước khi đo, người được đo phải bình tĩnh và thư giãn.
Chúng ta nhìn đồng hồ, điện thoại có tính giây, bắt đầu đếm nhịp thở, mạch trong 60 giây. Với nhịp thở: Đối với người lớn, chúng ta có thể nhìn lồng ngực di động lên xuống. Đối với trẻ em, nhìn vào bụng sẽ dễ hơn. Người càng nhỏ có nhịp thở càng nhanh. Đối với đếm mạch: người bệnh đặt bàn tay ngửa, người đếm đặt chúng ta đặt ngón giữa và ngón trỏ lên vị trí động mạch quay (ở bên ngoài cách nếp cổ tay khoảng 1,5-2 cm) và cảm nhận động mạch nảy nhẹ giữa gân và xương cổ tay.
-
20h32
Có cần thiết dùng máy đo Spo2 tại nhà. Kết quả máy đo này có chính xác với tất cả các đối tượng không? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách dùng giúp? Xuân Hòa, 39 tuổi, Nghệ An.
Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp F0 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường. Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.
Cách bước sử dụng thiết bị đo SpO2:
- Xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2.
- Để cố định bàn tay lên trên mặt bàn. Bấm nút "On" trên máy sẽ thấy chùm ánh sáng màu đỏ ở một phía trong máu: kẹp ngón tay vào sao cho chùm ánh sáng màu đỏ chiếu lên móng tay. Trẻ em nên dùng ngón tay cái, người lớn có thể dùng ngón trỏ hoặc ngón cái.
- Khi đo cố gắng không cử động trong vòng một phút để kết quả được chính xác hơn
· Yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2:
- Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp.
- Người bệnh cử động nhiều.
- Đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp.
- Người được đo SpO2 có sơn móng tay, đặt nhầm mặt có tia sáng không vào móng tay.
- Chất lượng của máy đo.
Khi đo nếu thấy spO2 <96% thì cần thực hiện đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, giữ nguyên vị trí đo. Chỉ số SpO2 trong máu bình thường là 98-100%. F0 khi có chỉ số SpO2 <96% sẽ cần liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ.