Cụ thể, theo hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế, người bệnh không có triệu chứng thì không cần uống molnupiravir. Người bệnh nặng và nguy kịch cũng không có chỉ định dùng, thuốc dùng cho bệnh nhân nhẹ và trung bình dưới sự theo dõi của nhân viên y tế.
Bệnh nhân được đánh giá nhẹ khi chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút. Bệnh nhân mức độ trung bình có SpO2 trên 96%, nhịp thở 20-25 lần/phút.
Bệnh nhân nặng khi SpO2 dưới 94%, nhịp thở cao hơn 25 lần/phút, tổn thương trên X-quang hơn 50%. Bệnh nhân nguy kịch là người bện suy hô hấp, cần đặt nội khí quản thông khí hoặc xâm nhập. Người bệnh có sốc hoặc suy đa tạng.
Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng cho người mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh, Cục Quản lý Dược không khuyến cáo dùng với người cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều molnupiravir cuối cùng. Molnupiravir không được phép sử dụng cho người dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều molnupiravir cuối cùng. Thuốc chống chỉ định với người quá mẫn với monulpiravir hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thuốc được dùng với liều 800 mg/lần, ngày uống 2 lần, trong 5 ngày.
Molnupiravir là thuốc kháng virus điều trị Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp ngày 17/2. Thuốc dùng cho bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Tuần qua, một số nhà thuốc đã bán molnupiravir trên thị trường. Những ngày đầu, nhiều người dân gặp khó khi tiếp cận thuốc, do nhà thuốc chỉ bán cho người có toa thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Trong khi đó nhiều người tự test nhanh, tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương nên không có giấy xác nhận F0 từ cơ quan chức năng.
Sau đó, các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua. Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu chấp thuận thêm phương án người dân quay video tự test nhanh tại nhà dương tính làm điều kiện bán thuốc. Điều này căn cứ trên cách xử trí của một số phường tại Hà Nội chấp thuận cho người dân quay video tự test nhanh tại nhà để xác định ca bệnh và cấp phát thuốc, trong bối cảnh F0 tăng cao, nhiều người không kết nối được với cơ sở y tế. Lãnh đạo FPT Long Châu cũng gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị xem xét chấp thuận các điều kiện bán thuốc như trên, cũng như có những hướng dẫn cụ thể.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất thuốc cũng khuyên người dân bình tĩnh, không cần nôn nóng tìm cách trữ thuốc vì sẽ không thiếu thuốc.
Lê Cầm