Thông tin được ông Hải nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch thành phố, chiều 28/2. Theo đó, người dân test nhanh dương tính nên khai báo với trạm y tế địa phương, được nhân viên y tế theo dõi, quản lý, chăm sóc. "Khi đánh giá F0 nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ kê đơn, phát thuốc miễn phí, người dân không nên tự động uống hoặc mua", ông Hải nói.
Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người mắc bệnh nhóm này được khám và điều trị miễn phí. Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cho biết, trong hai năm qua rất nhiều bệnh nhân đã được chữa trị miễn phí. Thành phố đã cấp phát hàng nghìn túi thuốc A (hạ sốt, vitamin), túi B (kháng viêm, chống đông), túi C (thuốc kháng virus molnupiravir) cho người bệnh. Trong đó, túi thuốc A được phát cho tất cả F0, riêng thuốc B và C tùy từng trường hợp đủ điều kiện sử dụng thuốc.
Molnupiravir được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp hôm 17/2, cho phép bán trên thị trường với giá 8.675 đồng một viên. Thuốc hết giai đoạn thử nghiệm, do đó Bộ Y tế ngưng chương trình thí điểm cấp phát molnupiravir cho F0 và tính đến phương án cấp miễn phí cho F0 điều trị tại cơ sở y tế.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Sở đã gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn về việc sử dụng, kinh doanh thuốc, hiện chưa nhận được phản hồi.
Về việc một số F0 phản ánh thuốc molnupiravir được cấp phát chậm, bà Mai nói rằng, thành phố còn khoảng 36.000 liều molnupiravir do Bộ Y tế phân bổ miễn phí thời gian qua trong chương trình thí điểm sử dụng thuốc có kiểm soát. Nhưng số thuốc này đang được ưu tiên cấp cho nhóm F0 nguy cơ và những người đáp ứng yêu cầu sử dụng thuốc.
Bà Mai giải thích thêm, molnupiravir là thuốc kháng virus, thuộc danh mục thuốc kê toa. Theo quy định, nhóm thuốc này phải được kê toa bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, bác sĩ ở trạm y tế chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn được phép kê toa. Trước khi kê toa, bác sĩ có trách nhiệm xác định F0 bằng những biện pháp chẩn đoán xét nghiệm đã được Bộ Y tế quy định và đủ điều kiện sử dụng thuốc kháng virus. Thuốc chỉ định cho F0 từ 18-65 tuổi, không có bệnh lý nặng như suy gan, suy thận, sử dụng cho người có triệu chứng nhẹ. "Khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, thành phố sẽ cập nhật nhóm người nào buộc phải mua thuốc", bà Mai nói.
Tuần qua, một số nhà thuốc đã bán molnupiravir trên thị trường. Những ngày đầu, nhiều người dân gặp khó khi tiếp cận thuốc, do nhà thuốc chỉ bán cho người có toa thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Trong khi đó nhiều người tự test nhanh, tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương nên không có giấy xác nhận F0 từ cơ quan chức năng.
Sau đó, các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua. Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu chấp thuận thêm phương án người dân quay video tự test nhanh tại nhà dương tính làm điều kiện bán thuốc. Điều này căn cứ trên cách xử trí của một số phường tại Hà Nội chấp thuận cho người dân quay video tự test nhanh tại nhà để xác định ca bệnh và cấp phát thuốc, trong bối cảnh F0 tăng cao, nhiều người không kết nối được với cơ sở y tế. Lãnh đạo FPT Long Châu cũng gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị xem xét chấp thuận các điều kiện bán thuốc như trên, cũng như có những hướng dẫn cụ thể.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất thuốc cũng khuyên người dân bình tĩnh, không cần nôn nóng tìm cách trữ thuốc vì sẽ không thiếu thuốc.
Molnupiravir là thuốc kháng virus điều trị Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Một hộp molnupiravir có 20 viên loại 400 mg hoặc 40 viên loại 200 mg, đủ một liệu trình điều trị trong 5 ngày cho một người.
Thuốc không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 hoặc điều trị khởi đầu cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Trẻ em, bệnh nhân dị ứng với molnupiravir hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc này.
Lê Phương