Chia sẻ câu chuyện tại đây
Thời điểm cuối tháng hai, dịch Covid-19 lan nhanh tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ truyền thông Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế cũng không tránh khỏi bị lây nhiễm.
Ngay khi nhận tin gia đình có người mắc Covid, chị chủ động test nhanh và làm việc tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm, sau đó, thông báo với gia đình và trung tâm y tế phường để mọi người nắm thông tin.
Chị đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và sắp xếp các đồ đạc khử khuẩn, thực hiện cách ly tại phòng. Nữ cán bộ cũng chuẩn bị găng tay, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, túi đựng rác hai loại to - nhỏ, nhiệt kế, xà phòng, túi thuốc dự phòng đã chuẩn bị từ trước (thuốc hạ sốt, xịt mũi, họng, nước muối sinh lý, muti-vitamin và một số loại thuốc thực phẩm chức năng đa tác dụng giảm triệu chứng đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, ho...).
"Có thể do đặc thù công việc làm trong ngành y nên khi nhận kết quả test nhanh 2 vạch, tôi khá bình tĩnh", chị kể.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: NVCC
Sau hai ngày đầu sốt nhẹ, sang ngày thứ ba, chị Thảo cắt sốt, không bị tức ngực, khó thở, mất vị giác mà chỉ hơi đau họng dẫn đến húng hắng ho.
Tại thời điểm mắc Covid-19, chị vẫn làm việc bình thường nhưng sau 5 ngày quá sức với công việc, cơ thể bắt đầu thấm mệt, chị buộc phải điều chỉnh lại thời gian biểu, nghỉ ngơi nhiều hơn. "Tôi khá may mắn vì nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp nên mọi việc đều không bị ảnh hưởng. Thời gian bị F0 của tôi được đánh giá là khá nhẹ nhàng và cuộc sống không bị đảo lộn nhiều", chị chia sẻ.
Hàng ngày, nữ cán bộ truyền thông áp dụng chế độ ăn uống đa dạng, 3 bữa chính và một bữa phụ. Nhờ người thân trong gia đình giúp đỡ, hỗ trợ, các suất ăn của chị được thay đổi thường xuyên, đa dạng và cung cấp đủ dinh dưỡng. Các món ăn được chế biến nóng sốt như: khoai tây xào, cá hồi sốt, vịt nướng, gà rang gừng, trứng gà rán, canh cải nấu cá với gừng. Đồ ăn phụ có ngô luộc, khoai lang nướng, sữa tươi... giúp bữa ăn không bị nhàm chán.
Gia đình của chị Thảo còn có thêm 3 thành viên bị nhiễm với triệu chứng nhẹ nên chị đề xuất các suất ăn của từng người đựng vào khay thức ăn nhiều ngăn để giảm thiểu số lượng bát, đĩa cần phải sử dụng. Cốc, thìa, phích nước ấm được đặt riêng trong phòng của từng người. Các thành viên áp dụng triệt để việc tự vệ sinh, dọn phòng ở, phòng vệ sinh, thay ga, gối... để giặt sấy riêng.
Về sinh hoạt, chị xông hơi gừng, xả hàng ngày để cơ thể sảng khoái và đường mũi họng thông thoáng hơn. "Tôi chỉ xông mặt, tay, không xông cả người và uống bù nước ấm ngay sau khi xông", chị nói. Nữ cán bộ cũng chú ý giữ ấm cơ thể, hạn chế tắm gội, nếu có sẽ tắm nhanh với nước sả đun nóng. Khi khó ngủ, chị thường nghe nhạc, nghĩ về những điều tích cực để cơ thể thả lỏng dễ chìm vào giấc ngủ.

Suất ăn với đủ đầy dinh dưỡng của chị Thảo trong quá trình điều trị bệnh. Ảnh: NVCC
Sau 9 ngày nhiễm bệnh, chị nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Từ trải nghiệm của bản thân, nữ cán bộ truyền thông rút ra một số kinh nghiệm như tinh thần vững vàng rất quan trọng, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi khi mắc Covid.
Theo chị, F0 nếu triệu chứng nhẹ, không sốt, không quá mệt, không uống kháng virus Molnupiravir, chỉ cần bổ sung các loại vitamin C, E, D...; xịt họng, mũi thường xuyên; điều trị theo triệu chứng. Nữ cán bộ truyền thông ngành y cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ.
"Nếu có hiện tượng khó thở, sốt cao, hụt hơi, SPO2 nhỏ hơn 96%... hay bất kỳ triệu chứng tăng nặng, người bệnh cần gọi điện cho bác sĩ, y tế địa phương. Đồng thời, chủ động trang bị kiến thức đầy đủ về cách chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và cách khử khuẩn môi trường phòng, nhà ở theo hướng dẫn của Bộ Y tế", chị nói.

Sau 9 ngày nhiễm nCoV, chị Thảo nhận kết quả test nhanh âm tính. Ảnh: NVCC
Sau 10 ngày, với việc có quyết định hoàn thành cách ly do trung tâm y tế phường cấp thông qua kết quả PCR, chị Phương Thảo quay trở lại làm việc. "Thời kỳ nhiễm virus là một trải nghiệm giá trị giúp công việc xây dựng các tài liệu truyền thông, chiến dịch, hoạt động truyền thông của tôi hướng đích tốt hơn", chị chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo là cán bộ truyền thông Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế. Suốt hơn 2 năm qua, chị và các đồng nghiệp phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức sản xuất hơn 1.800 sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch, bao gồm các tài liệu về hướng dẫn cách ly, chăm sóc, điều trị F0, F1 tại nhà. Chị còn cùng Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành xây dựng chuỗi video hướng dẫn chăm sóc, điều trị, hướng dẫn các bài tập thở dành cho F0, F1 tại nhà; cùng đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị truyền thông xây dựng infographic và video về chế độ dinh dưỡng hay hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn tại nhà có người mắc Covid-19...