Bệnh nhân tăng huyết áp, dễ bị suy yếu hệ miễn dịch nên khi mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến bệnh nặng. Ngoài ra, F0 có thể xuất hiện cơ chế rối loạn đông máu, cụ thể là tăng đông. Đối với những người có bệnh nền tăng huyết áp thì vệc gây rối loạn đông máu, tăng đông có thể kích hoạt bệnh suy tim tiềm tàng, hoặc khởi phát thêm bệnh suy tim. Covid-19 cũng gây ra một số bệnh lý tắc mạch máu, như tắc động mạch não, động mạch thận và động mạch phổi.
"F0 có bệnh nền tăng huyết áp dù được điều trị tại cơ sở y tế hay tại nhà đều phải duy trì chế độ thuốc chống tăng huyết áp định kỳ - thường xuyên và đều đặn, không được bỏ thuốc. Đây là điều kiện tiên quyết để điều trị. Với từng trường hợp cụ thể, có thể tăng nấc thang điều trị ngay từ đầu, không giống như điều trị F0 không có bệnh nền, thậm chí là phải chống đông sớm trước khi có biểu hiện lâm sàng xuất hiện", Ths.Bs Đào Duy Hiếu khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Phạm Văn Trường Sơn - khoa Nội Tim mạch Lão học Bệnh viện TP Thủ Đức, lưu ý thêm, những người tăng huyết áp nếu không uống thuốc thường có nguy cơ bị biến chứng do Covid-19 cao hơn những người đang được điều trị bằng thuốc. Vì vậy, tất cả bệnh nhân tăng huyết áp dù mắc Covid-19 hay không phải luôn kiểm soát huyết áp tốt và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách đo huyết áp thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc tiếp tục sử dụng thuốc ức chế men chuyển và chẹn thụ thể trong điều trị Covid-19 là an toàn.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân theo và duy trì lối sống hợp lý, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giảm lượng natri trong thực phẩm, hạn chế chất kích thích, giảm stress và tập thể dục thường xuyên. F0 điều trị tại nhà có thể tập những bài thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Nếu có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân gọi điện thoại tới bác sĩ điều trị của mình để được tư vấn thêm.
Tuấn Thủy