Mắc Covid-19 bị mất khứu giác, vị giác, tiêu chảy, mẩn ngứa..., có phải bệnh đang nặng lên không?
Không. Đây là diễn biến bình thường của Covid-19. Các triệu chứng trên không phải dấu hiệu cho thấy tình trạng diễn biến của bệnh đang nặng lên. Nếu bị mất khứu giác, vị giác, cần tập ngửi các mùi quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc, dùng các vitamin nhóm B và thuốc bổ thần kinh để nhanh hồi phục. Thời gian thường vài ngày đến vài tuần. Các vấn đề còn lại, chỉ cần điều trị triệu chứng với các thuốc thông dụng như thường ngày.
Người nhà tôi 7 ngày vẫn không hết sốt, phải làm sao?
Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, ở đây sốt kéo dài chỉ là một trong hai lý do, hoặc là do virus, hoặc là do vi khuẩn, hoặc cả hai. Nếu sốt do virus thì dùng kháng virus (molnupiravir hoặc favipiravir) ngăn sự nhân lên của virus, từ đó có thể nhanh cắt sốt. Tuy nhiên ngoài Covid-19, một số người đồng thời nhiễm cúm hoặc các loại virus đường hô hấp khác (có khoảng vài trăm loại) thì không có cách gì khác ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, điều trị triệu chứng (đau đầu, buồn nôn, nôn, vật vã kích thích...).
Sốt do vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, để xác định có phải nhiễm khuẩn hay không cũng không dễ. Để dự đoán phải dựa vào tiền sử bệnh là có hay viêm xoang, viêm họng, viêm amidan hay viêm phế quản không, phải xét nghiệm máu xem bạch cầu có tăng cao không, chỉ số procalcitonin, chỉ số CRP... có tăng không, từ đó mới có quyết định sử dụng kháng sinh. Nếu sốt cao quá mà không có cách nào hạ sốt thì phải xin nhập viện để xử lý.
Đang dùng thuốc chống đông (bệnh van tim, sau đột quỵ nhồi máu, đặt stent...) hoặc thuốc kháng viêm (bệnh khớp, bệnh lupus, các bệnh tự miễn dịch...), SpO2 vẫn trên 95% thì có phải ngừng các thuốc đang sử dụng không?
Không. Nếu vẫn đang phải sử dụng kháng đông hoặc kháng viêm corticoid từ trước thì bây giờ vẫn tiếp tục sử dụng, kể cả khi SpO2 trên 95%. Trong trường hợp SpO2 giảm xuống dưới 95%, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều dùng phù hợp. Với các thuốc nhóm khác (ngoài kháng đông, kháng viêm corticoid) để trị bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh khớp... thì vẫn tiếp tục sử dụng.
Tôi được chỉ định dùng kháng đông và kháng viêm, nhưng hiện xét nghiệm PCR âm tính rồi, có ngừng kháng viêm, kháng đông không?
Không. Thuốc kháng đông và kháng viêm coticoid không phải để tiêu diệt virus, mà là để phòng và điều trị tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Dù cơ thể đã hết virus, nhưng nguy cơ rối loạn đông máu, rối loạn đáp ứng miễn dịch vẫn còn, do vậy cần tiếp tục dùng kháng đông/kháng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Rối loạn đông máu hậu Covid-19 cũng là vấn đề đáng quan tâm, có thể tham khảo hướng dẫn của bác sĩ để dùng kháng đông liều thấp dự phòng tắc mạch trong vòng 12 tháng.
Tôi xét nghiệm PCR âm tính rồi, nhưng sau 3 hôm xét nghiệm PCR lại dương. Có phải tái nhiễm không?
Không. Tình trạng tái nhiễm là có, tuy nhiên rất hiếm khi nó xảy ra ngay sau khi bệnh nhân khỏi. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính có thể do lấy mẫu chưa đúng, do cơ thể chưa hết hẳn virus (mới chỉ hết ở dịch tỵ hầu) nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên. Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày virus vẫn chưa hết hẳn. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả âm tính.
Tôi và người nhà bị lây nhiễm nhau cùng lúc. Tôi âm tính trước thì có chăm sóc người nhà tôi được không?
Được. Nếu đã âm tính thì nguy cơ bị nhiễm trở lại chính biến chủng đó là rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề là kết quả xét nghiệm của bạn đã chính xác chưa. Dù xét nghiệm PCR rất nhạy nhưng vẫn có âm tính giả. Hơn nữa, dù PCR âm tính thật, nghĩa là dịch tỵ hầu không còn virus, nhưng có thể virus vẫn còn trong cơ thể. Do vậy, vẫn cần tập luyện nhẹ, ăn uống tốt, đeo khẩu trang đúng chuẩn khi tiếp xúc gần với người nhà.
Người nhà tôi hết sốt, xét nghiệm âm tính nhưng vẫn ho kéo dài không đỡ, phải làm sao?
Ho là phản ứng bảo vệ, nhằm tống khứ các tác nhân có hại ra khỏi cơ thể. Nhưng nếu ho quá nhiều thì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân. Cách điều trị là dùng chanh mật ong, bổ phế, chống dị ứng, long đờm, giảm ho thảo dược. Nếu vẫn kéo dài tình trạng ho thì cần xét nghiệm để loại trừ tình trạng nhiễm nấm đường hô hấp, kiểm tra xem có nhiễm khuẩn không để dùng kháng sinh. Cần kết hợp các bài tập thở, tập khạc đờm để giúp giảm các tác nhân kích thích đường thở.
Tôi khỏi Covid-19 rồi nhưng người mệt, sức yếu, thường xuyên thấy lạnh, không làm được việc gì. Cần phải làm sao?
Đây là các dấu hiệu của tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19, nguyên nhân có thể do tình trạng viêm lan tỏa toàn thân do Covid, do rối loạn đông máu hậu Covid, do lo lắng căng thẳng. Cách xử trí là tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đều đặn, ăn các đồ ấm nóng, dùng các thảo dược có tác dụng hoạt huyết, an thần... Thông thường sau 4-6 tuần thì các triệu chứng sẽ đỡ dần. Nếu không đỡ, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng