Da là một trong những yếu tố phản ánh rõ nét nhất sức khỏe của con người. Thông thường, cơ thể khỏe mạnh, được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, làn da sẽ căng, sáng, hồng hào. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, đặc biệt nhiễm nCoV, sức khỏe bị ảnh hưởng khiến việc ăn uống, sinh hoạt đảo lộn; các triệu chứng lo lắng, căng thẳng, mất ngủ... xuất hiện. Những yếu tố này kết hợp khiến nhiều người gặp vấn đề về da sau điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, cho biết, hậu Covid, nhiều bệnh nhân bị nổi mề đay, mụn, phát ban... hay sạm da. Các tình trạng này xảy ra do rối loạn chuyển hóa, thay đổi nội tiết tố và gan bị quá tải dẫn tới quá trình thải độc bị hạn chế.
Trong quá trình mắc Covid-19, do thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, cơ thể mệt mỏi, ít vận động... có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, chất béo và mất cân bằng điện giải, là nguyên nhân gây nên tình trạng mày đay, phát ban hay sạm da...
Trạng thái tâm lý căng thẳng, mất ngủ... kéo dài cũng dẫn tới rối loạn nội tiết tố ở cả nam và nữ giới. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cơ thể, khiến da bị tổn thương, gây sạm da, nổi mụn, trứng cá...
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị Covid-19 khiến gan làm việc quá tải, ảnh hưởng tới quá trình thải đọc. Chưa kể, việc rối loạn hệ miễn dịch do nhiễm virus, lo lắng, trầm cảm... khi điều trị bệnh cũng tác động tới hoạt động của gan. Khi bộ phận tiêu hóa này không chuyển hóa và thải được chất độc, các chất độc sẽ tích tụ dẫn tới tình trạng mụn nhọt, mẩn ngứa, sạm da, vàng da...
Để cải thiện các tình trạng trên, người bệnh cần thay đổi lối sống, tạo dựng thói quen lành mạnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để tạo dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh... Trong trường hợp tình trạng da không cải thiện hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng kéo dài, người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
"Tuyệt đối không sử dụng cũng như bôi thuốc 'truyền tai', không rõ nguồn gốc... để tránh 'tiền mất tật mang', thậm chí gặp hậu quả khó lường", bác sĩ Huy Hoàng khuyên.
Ở góc độ Y học cổ truyên, Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, giải thích, khi mắc Covid-19 tức là tà khí (các yếu tố gây bệnh như phong tà, hàn tà, thấp tà...) xâm nhập vào cơ thể nên gây bệnh.
Tà khí vào cơ thể, đầu tiên là xâm phạm vào tạng phế (nơi trao đổi khí, được thể hiện qua hành động hít thanh khí và thải trọc khí lên phế chủ hô hấp) khiến phế chủ bì mao (da, lông) cùng với vệ khí bảo vệ bên ngoài cơ thể cũng bị hao tổn. Khi chính khí của cơ thể và tà khí từ bên ngoài vào xung đột với nhau gây sốt, làm hao tân dịch. Những yếu tố trên kết hợp khiến bệnh nhân sau mắc Covid-19 có thể bị khô, sạm da.
Do đó, tùy vào các triệu chứng hậu Covid mà người bệnh cần tập luyện, điều trị bằng các phương pháp như khí công dưỡng sinh, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thuốc y học cổ truyền...
Với triệu chứng sạm da sau khi nhiễm nCoV, bệnh nhân có thể điều trị dứt điểm sau 7-14 ngày bằng các phương pháp như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, đắp mặt nạ thuốc Bắc, canh thuốc dưỡng sinh (canh bổ hoa trùng thảo thái tử sâm, canh ngọc trúc hoài sơn, canh thuốc bắc hầm gà, canh bổ hoa trùng thảo liên tử, canh nhân sâm hoa trùng thảo...); dùng các vị thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, sinh tân, nhuận da như: đương quy, kỉ tử, hoàng kì, mạch môn...
Độc giả gửi câu hỏi tại đây