Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga mắc Covid-19 từ tháng 12/2021 nhưng gần đây, cô mới chia sẻ cách trị bệnh tại nhà với "bài thuốc tự nhiên" do bạn thân Thùy Dung thực hiện giúp.
Ban đầu, người đẹp không nghĩ mình nhiễm bệnh vì triệu chứng sổ mũi, hắt hơi và nóng sốt nhẹ như khi bị xoang. Khi không ngửi được mùi, cô mới test nhanh và nhận kết quả dương tính, test PCR cho kết quả CT16. Ngay sau khi biết nhiễm bệnh, Phương Nga ho nhiều, nặng về chiều. Mỗi lần ho, cô cảm thấy đau nhức trong phổi và ngực. Cô cũng bắt đầu chán ăn.
Phương Nga cho biết được bạn thân sử dụng các phương pháp dân gian để hỗ trợ điều trị Covid-19.
Theo đó, bạn thân cô dậy từ sớm, nấu nước xông gồm chanh, sả, tỏi, tía tô, mỗi thứ 0,5kg, gừng 2 củ đập dập và bỏ vào nồi xông, xông 2 cữ sáng và tối, mỗi lần 20 phút. Sau đó, Phương Nga sẽ uống trong ngày các loại nước do được bạn chuẩn bị. Người đẹp chia sẻ cụ thể như sau:
Nước dừa - gừng - đường phèn: mỗi ngày 2 quả dừa nấu với gừng và đường phèn để trị ho. Nước dừa có tính hàn nên nấu cùng gừng để khi uống vào cơ thể không bị lạnh.
Nước sắn dây: sắn dây mỗi ngày 3 muỗng cafe pha thành 1,5 lít uống để hạ sốt và làm mát cơ thể, thải độc. Sắn dây nguyên chất rất dễ vón cục, người dùng cần hòa tan bằng nước nguội trước rồi mới cho nước sôi già vào khuấy đều cho chín. Sắn dây nếu không chín cũng sẽ có độc tố, tích tụ lâu ngày sẽ ảnh hưởng sức khoẻ.
Nước nụ tam thất: nụ tam thất sấy khô, lấy 15 - 20 bông pha với 700 ml nước sôi và ủ để ra nước, đến khi uống hết thì pha thêm một lần nữa để ra nước thứ 2. Loại nước này có tác dụng làm sạch mạch máu, thải độc, giúp thải trừ xác virus ra khỏi cơ thể nhanh.
Nước chanh - gừng - sả - húng quế - tía tô - đường phèn: đây là loại nước bồi bổ phổi. Mỗi loại húng quế, tía tô, sả 0,5 kg, gừng 2 củ nấu với 2,5 lít nước. Sau khi nấu xong mới vắt thêm chanh, không nấu cùng chanh vì sẽ làm nước bị đắng. Đường phèn được gia giảm tùy theo khẩu vị.
Về ăn uống, Phương Nga cố gắng bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, chỉ ăn kèm thêm tỏi "cô đơn". Theo cô, tỏi là kháng sinh tự nhiên. Trong những ngày đầu, người đẹp ăn 4 củ, khi triệu chứng giảm dần cô cũng giảm liều lượng tỏi. Cô bổ sung thêm các loại trái cây nhiều nước và năng lượng cao như: dưa hấu, lê, nho, cam, bưởi...
Bên cạnh việc sử dụng các loại nước để trị bệnh và ăn uống khoa học, Phương Nga tập thở đều bằng cách sử dụng những đoạn nhạc trên mạng (những đoạn nhạc này chỉ lặp đi lặp lại báo hiệu thở ra - hít vào). Thùy Dung còn dạy cho Phương Nga cách day huyệt nội quan ở trên cổ tay giúp ổn định tinh thần, thư giãn, thở đều hơn và bớt căng thẳng.
Sang ngày thứ 4, các triệu chứng của Phương Nga bắt đầu giảm dần. Đến ngày thứ 7, hoa hậu không còn ho và đau ngực, test nhanh hai lần đều âm tính. 10 ngày sau, cô test PCR và cũng nhận kết quả âm tính. Gần đây, Phương Nga đi tái khám, sức khoẻ hoàn toàn bình thường, không bị di chứng hậu Covid-19. Bệnh viêm xoang dị ứng của cô cũng bớt nhiều.
"Khi mắc Covid-19, tôi luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, tránh những lo lắng, căng thẳng. Biểu hiện Covid-19 ở mỗi người khác nhau. Khi bệnh và mệt, sẽ có nhiều việc không muốn làm nhưng chỉ cần cố gắng vượt qua cảm giác đó, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều. Mong mọi người đều có tinh thần để chống lại bệnh tật", Hoa hậu người Việt tại Nga 2007 nói.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Châm cứu Trung ương, những bài thuốc của Hoa hậu Phương Nga thuộc phạm vi "thực liệu" (điều trị thông qua đồ ăn, thức uống). Trong đó, nước dừa có vị ngọt, mát, quy kinh tỳ, thận, vị; có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, lợi niệu, thường dùng trong trường hợp say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn, tiêu chảy... Gừng có vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ, vị; có tác dụng giải biểu tán hàn, ôn thông kinh lạc; thường dùng trong trường hợp cảm mạo, nhức đầu do lạnh, ho, bụng đầy trướng, nôn mửa... Đường phèn có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, phế; có tác dụng bổ trung ích khí, hòa vị nhuận phế, chỉ khái trừ đàm; thường dùng trong các trường hợp viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, đau rát họng, khí huyết hư, chóng mặt, đau đầu... Từ các tác dụng trên, khi phối hợp bài thuốc gồm nước dừa, gừng, đường phèn có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, trị ho (trường hợp ho ít, nhẹ) nhưng cần chú ý đến liều lượng và các trường hợp cần thận trọng như: có bệnh lý tiểu đường, suy thận, rối loạn điện giải.
Sắn dây có vị ngọt, tính bình, quy kinh phế, vị; có tác dụng giải nhiệt, giải biểu, giải cơ, thăng đề vị khí, thường dùng trong các trường hợp giải khát, sốt chỉ nóng không lạnh hoặc gáy cứng, sởi ở trẻ em, cảm nhiệt, ngộ độc rượu... Người dùng cần chú ý không sử dụng quá nhiều trong ngày (dùng khoảng 15 gram một ngày và chỉ nên sử dụng trong mùa hè); không dùng cho người huyết áp thấp, phụ nữ có thai, trẻ em bị lạnh, người có bụng yếu, tay chân lạnh...
Nụ hoa tam thất có tính mát, vị ngọt, sử dụng để uống nước giúp thanh nhiệt, bình can, bổ huyết, an thần; thường được sử dụng trong trường hợp mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, tăng cường chức năng gan... Nguyên liệu này không sử dụng cho phụ nữ có thai, người huyết áp thấp... và không dùng quá 9 gram một ngày; dùng trong thời gian dài, tính mát trong dược liệu có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.
Cuối cùng là nước chanh - gừng - sả - húng quế - tía tô - đường phèn có tác dụng giải biểu, trị ho, nâng cao sức đề kháng nhưng cần lưu ý không được lạm dụng, dùng nhiều, tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh của từng người mà điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Trong đó, chanh có vị chua tính mát, quy kinh phế, vị, có tác dụng thanh nhiệt, cầm nôn, tiêu thực; thường được sử dụng trong các trường hợp giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hóa, làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn. Tía tô có vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ; có tác dụng tán hàn, giải biểu, hành khí, an thai, giải độc cua cá; thường được sử dụng trong các trường hợp: ho, ho có đờm, cảm lạnh, giải độc tôm cá, kích thích tiêu hóa... Húng quế có vị cay, ấm, quy kinh Phế, tâm, có tác dụng giải biểu, hoạt huyết, chỉ thống; thường được sử dụng trong các trường hợp ho, viêm họng, dị ứng, mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa... Còn sả có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải biểu, lợi niệu, tiêu đàm; thường được sử dụng trong các trường hợp cảm lạnh, ho...
Tuy nhiên, những bài thuốc trên chỉ mang tính hiệu quả ở một số thể trạng và dùng để hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh nhân vẫn kéo dài, không khỏi và dùng mọi biện pháp đều ít cải thiện hoặc không khởi sắc, thậm chí tình trạng bệnh nặng lên, F0 cần phải đi khám chuyên khoa để tìm ra cách điều trị thích hợp.