Vào dịp tết đến hầu hết các gia đình Việt kiều ở Lào đều mua những cành hoa mai, đào mang từ Việt Nam sang để chưng hầu vơi nỗi nhớ quê hương và chuẩn bị đầy đủ bánh kẹo, mứt tết, bánh chưng, dưa hấu, câu đối, vàng mã... (Phạm Thị Xuân Bốn, Lào)
Khói hương tỏa ngát ra xa
Người Tây hàng xóm, biết là Tết ta.
Ta, Tây, Giáng sinh, cả ba
Việt Nam ẩm thực, người ta tôn sùng. (Bùi Quý Long, Đức)
Tết năm nào phố cũng chìm trong tuyết
Chẳng mưa phùn, sao vẫn thấy nôn nao
Giữa trời Tây nhớ về xuân đất Việt
Chặt cành lê gập giấy dán thành đào… (Thanh Nga, Voronezh, Nga)
Hiện tại quê nhà đang vào xuân, nhưng bên xứ sở chuột túi này thì cuối hạ sang thu ba à, hàng cây dạ lan hương tím cả góc trời thay cho sắc đỏ của đào và vàng rực của mai lại càng làm con nao lòng khi nghĩ về ba má. (Dương Quốc Bửu, Australia)
Khi đồng hồ nhảy đến số 0, mọi người hô vang“Chúc mừng năm mới”. Mọi nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống dường như tan biến. Chỉ còn lại những nụ cười hân hoan, những lời chúc lẫn trong tiếng nhạc chào đón Xuân về. (Nguyễn Chí Thông, Algeria)
Các em nhỏ của trường Việt ngữ Lạc Hồng, thành phố Everett, Mỹ không chỉ biết đọc, biết viết tiếng Việt mà còn biết ca hát, biết yêu chiếc áo dài Việt Nam và rất hào hứng được chúc Tết bằng tiếng mẹ đẻ. (Lâm Tố Tâm, Mỹ)
Không khí Tết quê hương đã lan sang đến bên này. Trong khu chợ của người Việt bà con mua sắm đồ Tết tấp nập, những đồ ăn truyền thống, bánh chưng, mứt Tết đủ loại được làm thủ công, ngon, bổ, rẻ. (Lê Tuấn Phong, Berlin, Đức)
Cái Tết đầu tiên xa nhà của mười ba sinh viên trường Mèo thiệt là ấm áp, đọng lại trong lòng Mèo và các bạn là những kỉ niệm của một thời du học xa nhà, lấy bạn bè làm người thân để cùng cố gắng, cùng vượt qua khó khăn. (Nhàn Phạm, Hàn Quốc)
Tết, người ta kéo nhau về với với gia đình. Bước chân tôi cũng vội về với ngôi nhà nhỏ và những trái tim lớn ở thành phố cổ Yogyakarta, một ngày không như mọi ngày, bởi rực rỡ đào mai, câu đối đỏ, đèn lồng nơi căn nhà nhỏ ấy. (Hoàng Diễm, Indonesia)
Tết của Ta người Tây đâu có nghỉ
Việc làm ăn giao dịch chẳng thể dừng,
Tám giờ tối khi vừa rời công sở,
Pháo giao thừa đã nổ ở quê hương. (Châu Hồng Thủy, Nga)
Cô bạn thân người Indonesia hỏi tôi, Tết là gì? Thế là tôi bắt đầu kể cho cô bạn tôi nghe về Tết, Tết là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, ai xa mấy cũng hướng về quê hương. (Bảo Trâm, Quang Bách, Hà Lan)
Năm cái Tết hay mười cái Tết đi nữa, con vẫn là con yêu của gia đình, là đứa mê mẩn Sài Gòn, nghiện phở, thích chả giò, khoái món của mẹ, thèm mặc áo dài và “thần thánh hoá” cái hương vị ngày Tết. (Huỳnh Phương, Australia)
Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến, ngày không chỉ trẻ con háo hức chờ mong mà cả những cô bác cũng cảm thấy rạo rực. Ngày tà áo dài cất kỹ trong tủ được mang ra mặc, gác hết những bận rộn lo toan để đến vui Tết chung của đại gia đình. (Như Quỳnh, Pskov, Nga)
Đã hơn 12 năm tôi sống ở Pháp, dù các con tôi chỉ mang trong mình một nửa dòng máu Việt nhưng chúng rất thích ăn bánh chưng, bánh tét, còn đòi cả một bát nước mắm cay để chấm, vì mẹ của chúng luôn nhớ về quê nhà. (Xuan Lauque, Pháp)
Tiết mục hài kịch là sự thể hiện sống động nhất về cuộc sống của người Việt đang sinh sống ở Czech, cảnh buôn bán ở ''chợ Trời'' được tái hiện sinh động với những cô gái trên những chiếc giày quá khổ, chân đi 4-5 đôi tất. (Lê Văn Toán, Cộng hòa Czech)
Sinh viên Việt Nam xa nhà cùng làm cành đào, cành mai, gói bánh chưng để chung vui với không khí Tết tại quê hương và mời các thầy cô, bạn bè ở Nga cùng ăn Tết. (Dương Bùi, Belgorod, Nga)
Xin mời độc giả bình chọn cho bài viết hay nhất tuần thứ 3 của cuộc thi Xuân Quê hương, được đăng từ ngày 23 đến 29/1.
> Bình chọn
Tết Hà Nội trong kí ức của tôi là những dây pháo hồng kêu đì đùng cuối ngõ, là niềm vui khi được cùng đại gia đình bên nội lên studio ở hang Khay chụp bức ảnh kỉ niệm đầu xuân. (Lê Yến Khanh, Fukuoka, Nhật)
Giờ đây, đón xuân trên đất nước hoa anh đào. Ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa, và lạnh lẽo. Bạn bè háo hức rủ nhau về Việt Nam đón xuân mới, tôi lại nôn nao nhớ xuân quê mẹ. (Phạm Bình, Ishikawa, Nhật)
Em mắc nợ anh một mùa xuân
Mùa xuân thay áo đã bao lần
Anh chờ em mãi, em chẳng tới
Có cánh hoa đào rơi rưng rưng. (Minh Thảo, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất)
Cộng đồng người Việt ở thành phố thủ phủ Lincoln, bang miền trung tây Nebraska của nước Mỹ, quây quần bên nhau để đón cái Tết cổ truyền. (David Vũ)
> Lễ hội Tết đậm chất Việt ở Cali
> Người Việt tưng bừng đón Tết ở Mỹ
Một ngày mưa Tết lạnh nhưng bình yên và ấm áp vì cảm thấy quê hương ngay trong trái tim nhỏ bé của mình. (Nguyễn Thị Kim Cúc, California)
> Gửi bài dự thi Xuân Quê hương
Sáu xuân đón Tết xa nhà, năm xuân rồi đón Tết nơi xứ người, nhớ lắm những tất bật ngày cuối năm gói bánh cùng bố cùng ông nội, chuẩn bị cơm tất niên cùng bà, cùng mẹ, cùng chị, cùng em. (Phạm Thế Trung, Nga).
Cuộc sống cứ thế trôi, nó làm con mất nhiều thứ lắm Mệ ạ. Cứ tưởng là mình được nhiều nhưng nhìn lại ta cũng để mất nhiều thứ. Gia đình và anh em sống thật xa nhau, đến cả Tết mà cũng thật khó để đoàn tụ gia đình. (Võ Văn Dũng, Đức).
Con vẫn nhớ tối 28 Tết, ba gọi điện cho con và nói cả nhà đã chuẩn bị đầy đủ cho ngày Tết rồi, nhưng ba mẹ vẫn thiếu một thứ quan trọng nhất trong bữa cơm tất niên và những bữa cơm đầu năm, đó là con. (Trà Mi, Philippines)
Phút giao thừa lòng ta ngất ngây
Tình yêu quê hương bỗng dâng đầy
(Trương Duy Hòa, Đức).
Tết ở nơi đây cũng xôi gà
Cũng mâm ngũ quả cũng đào hoa.
Bánh chưng ai gói mà xanh thế?
Quặn xé lòng ta nỗi nhớ nhà. (Hoàng Việt Hùng, Đức).
Tết này con đã mười năm xa nhà
Nhưng lòng con chẳng phôi pha
Nhớ hoài giếng nước, cây đa sân đình
Con nhớ những đêm giao thừa các bác trong tổ dân phố đến từng nhà để chúc tết, nhớ cả những hình ảnh của những đồng tiền lì xì may mắn đầu năm từ ba mẹ trong đêm giao thừa. (Nguyễn Trà Mi, Philippines).