![]() |
Chúc mừng năm mới. Ảnh minh họa do tác giả cung cấp. |
Tôi sống trên đất Pháp đã 12 năm, mỗi độ xuân về là lòng tôi lại nôn nao, chờ đón. Lại một năm nữa tôi không được cùng cả gia đình quây quần bên cỗ giao thừa để cùng đón mùa xuân sang.
Tuy không được về Việt Nam ăn Tết thường xuyên, nhưng cứ đến độ hoa đào nở rộ (xem được qua VnExpress hay qua VTV4), cái làn gió lạnh hiu hiu là tôi lại quay về với quê hương tôi, với gia đình tôi bằng cả con tim yêu không biết mỏi của mình. Tất cả kỷ niệm tuổi thơ của tôi đều òa về chen lẫn với niềm vui và nỗi nhớ.
Nhìn từng cành hoa đào rực rỡ màu sắc, những cặp bánh chưng xanh mà nhớ cái Tết Việt Nam quá. Nhớ nhất là cái cảnh chuẩn bị Tết. Nhớ cái tuổi thơ của tôi. Hồi ấy nhà nghèo đâu có tiền mua hoa đào hay hoa mai mà chỉ đi đến nhà người quen hay hàng xóm xin một cành về cắm trước bàn thờ tổ tiên.
Những ngày gần Tết hồi cha tôi còn sống thường hay lên rừng kiếm rễ hương để về làm hương cho ngày Tết. Mùi rễ hương thơm phức do cha làm. Sản phẩm không thể thiếu trong ngày Tết. Vài tháng trước đó cha phải lên núi kiếm rễ hương trầm (cái hương vị nó ngọt ngào của loại hương này rất đặc thù, không thể quên được, mùi Tết), đem về rửa sạch, phơi khô nghiền nhỏ trộn với một ít mụn cưa rồi cuốn với một loại giấy mầu trắng chỉ đỏ.
Bình chọn cho bài dự thi tuần 3 |
Nhà cửa cũng được chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ để đón Tết. Ngày gói bánh chưng, thường thường là 3 ngày trước Tết. Lần nào cha cũng gói cho một cái "bánh con" để ăn trước vì tôi là con út trong nhà. Tồi ngồi bên cha phụ giúp việc buộc lạt quanh các bánh tét.
Hồi đấy, cuộc sống khó khăn, trước Tết mấy tháng là cha và mấy chị tôi đã phải đi lên núi để kiếm rễ rành rành về để nấu bánh. Hôm nấu bánh thường thường thức khuya để trông bánh, lúc nào cũng phải canh để bánh khỏi cạn nước. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa hồng sưởi ấm hồng đôi má, và xua đuổi đi cái lạnh giá của mùa đông.
Nhà tôi thường nấu rượu để phục vụ Tết. Tất cả dường như là tư cung tự cấp hết vì nhà nông lấy tiền đâu mà cái gì cũng mua! Ngày nấu rượu cũng rất quan trọng vì phải thay nước thường xuyên và cái nước nóng đổ ra thì lại dùng để tắm. Cha mẹ tôi thường nói để đón năm mới phải được tắm rửa sạch sẽ, nhẹ nhõm, sảng khoái.
Nước nóng nấu rượu đủ dùng cho cả nhà. Chị em tôi lần lượt thay nhau tắm. Khi đổ nước nóng lên người, hơi bốc lên nghi ngút nhưng ngay sau đó lại càng lạnh hơn vi nhà tắm chỉ được khép bằng một cánh cửa hở gió chứ không phải được kín đáo như bây giờ. Ôi cái lạnh ấy bây giờ tôi vẫn đang cảm thấy nó. Lạnh nhưng không lạnh lẽo mà cái lạnh của niềm phấn chấn vì sau cái lạnh ấy, mình sẽ sảng khoái hơn, sạch sẽ hơn để đón chào một năm mới.
Tôi là bé nhất trong nhà, là con gái nhưng năm nào tôi cũng phụ giúp cha trang hoàng lại nhà cửa, dọn dẹp, rửa các đồ thờ ... và tôi rất thích làm điều đó. Tôi thèm khát được chuẩn bị bàn thờ, được thắp một nén hương trầm tự cuốn cho cha, cho ông bà, tổ tiên.
Rồi ngày 30 Tết cũng đến, ngày hôm đó thường là không phải đi chăn trâu mà mẹ cho nghỉ ở nhà và thường thường được theo mẹ đi chợ. Chợ 30 Tết ngưòi đông như kiến, chen chúc nhau... nhưng mà vui lắm. Đi chợ Tết thường được áo mới hay được vài quả bóng bay, thổi đỏ cả miệng.
Ôi chợ Tết quê tôi, khi tôi lớn hơn một tí lại phải đi chợ bán xu hào, rau mùi... các sản phẩm mà nhà làm được để có tiền tiêu Tết. Tôi nhớ nhất là cái lần tôi được cử đi chợ Vịnh để bán su hào. Mọi người trong gia đình phải đi một chợ khác nhau để hy vọng bán được nhiều và phòng khi bị ế ở một chợ nào đấy.
Tôi năm ấy mới có 13-14 tuổi (nhưng tôi bé lắm, khoảng 35kg), gánh một gánh su hào qua sông, còng cả lưng, đi băng qua đường đê, rồi còn một quãng đường rất dài nữa mới đến chợ Vịnh.
Tôi thuộc loài "còi" nên gánh cũng chẳng được nhiều. Đường đất trơn như đổ mỡ. Thế mà chợ Vịnh hôm đó ế, bán không hết cuối buổi lại phải gánh về hơn nửa. Ôi trên đường về nhà, trời rét căm căm, tôi chán nản vì không hoàn thành nhiệm vụ và cứ thể tôi không thể nào điều khiển được hai hàng nước mắt. Nhưng ở quê là thế, tuy vất vả nhưng vui và nhớ lắm!
Càng đi xa càng nhớ. Đã hơn 12 năm tôi sống và làm việc có con cái ở Paris, nhưng những ngày gần Tết lòng tôi luôn nôn nao và muốn được ở nhà cùng đón Tết với cả gia đình. Năm nay tôi không được cùng cả gia đình tôi ăn Tết nhưng tôi vẫn gói bánh chưng, bánh tét, làm một hũ thịt ngâm nước mắm và không khi nào tôi quên dạy cho các con tôi thế nào là Tết cổ truyền Việt Nam.
Dù các con tôi chỉ mang trong người một nửa dòng máu Việt Nam nhưng chúng rất thích ăn bánh chưng, bánh tét, còn đòi cả một bát nước mắm cay để chấm. Tôi thầm mỉm cười rằng tôi đã thành công dạy các con tôi yêu thích các món ăn rất đặc trưng của Việt Nam.
Tết này con không được về bên mẹ, nhưng lòng con nôn nao vô cùng, con nhớ tất cả, nhớ cái Tết quê hương. Nhớ cái không khí đầm ấm bên cỗ giao thừa. Nhớ những gì của Tết, Tết ơi!
Xuan Lauque