Tết của tôi ở Pskov. Ảnh tác giả cung cấp. |
Hơn năm năm xa Việt Nam, tự dưng tôi nhận ra là tôi ít nhớ Việt Nam nhất chính là vào ngày mùng một Tết. Những ngày giáp Tết ngồi thừ ra ngắm những bông tuyết trắng xóa ngoài cửa sổ, ngẩn ngơ xem những bản tin chuẩn bị Tết, ngán ngẩm nhìn cái list trong Yahoo vắng lèo tèo vì bạn bè đi chơi Tết hết, thấy trống rỗng, ghen tị với mọi người vô cùng.
Ngoài những ngày ấy, nỗi nhớ quê còn luôn thường trực trong tim tôi, thỉnh thoảng lại cuộn lên, dâng trào. Đôi khi là lúc ngồi học trên trường bỗng nhớ dáng cô viết bài trên bảng gọi tôi lên kiểm tra, là mùa hè chợt thèm một cốc nước mía mát lạnh, se se lạnh chợt nhớ đợt gió mùa cắt da cắt thịt, ngồi ăn bát súp trong căng tin chợt nhớ bát canh rau đay cua mát lành.
Trung thu chợt thèm được thấy chiếc đèn ông sao lung linh. Nhưng chính ngày mùng một lại là ngày tôi ít nhớ Việt Nam nhất. Ngày ấy nỗi nhớ được gác lại để tất cả cùng góp sức tạo nên một Việt Nam của chúng tôi. Ngày chúng tôi tổ chức ăn Tết cùng mọi người, ngày của Việt Nam và chỉ Việt Nam thôi trên mảnh đất Nga lạnh lẽo này.
Thành phố nhỏ mang tên Pskov cách thủ đô tráng lệ của nước Nga hàng nghìn km. Số người Việt có lẽ cũng vì thế mà khiêm tốn vô cùng, khoảng 100 người từ bé tí xíu đến đầu hoa râm. Ngày ngày đi chợ, một năm nghỉ được một hai ngày, nói là sướng đấy nhưng mà cũng dầm mưa dãi nắng như ai thôi.
Làm một cái Tết chung, một ngày lễ cây nhà lá vườn khó vô cùng, chắc ít người hiểu nổi. Nhưng năm nào cũng cố thêm một tý nữa, vất vả thêm một tý nữa. Tất cả cũng vì em nhỏ chưa được ăn Tết ở Việt Nam bao giờ, nói tiếng Việt ngọng líu ngọng lô, vì mấy cô cậu mới từ Việt Nam sang học, còn nhớ nhà quay quắt, vì những người xa quê đằng đẵng hàng chục năm trời mong được cảm nhận chỉ một chút thôi cái không khí ngày Tết quê hương…
Tết bắt đầu được nhắc đến từ khoảng một, hai tháng trước. Và với lũ trẻ con thì Tết bắt đầu từ kì nghỉ đông, khi các chị lên lịch gặp nhau để tập văn nghệ cho một buổi biểu diễn duy nhất mỗi năm. Là Tết cây nhà lá vườn thật sự vì từng công việc từng thứ nhỏ nhặt đều là do mọi người chia nhau mà làm thôi. Người thu tiền, cân đối danh sách, người đi thuê loa đài, người làm dẫn chương trình, người chụp ảnh….
Người làm cây đào, người vẽ phông, đến hôm ấy người đồ xôi, người làm nem, người kê bàn ghế… Chẳng có đại sứ quán, nhà tài trợ nào cả, chỉ có những con người bình dị vì khao khát một cái Tết mà vất vả hơn một tý, gánh vác những việc mà có khi chưa bao giờ làm….
Nụ hoa đào có lẽ vì thế mà giống thật hơn, cái phông nhìn cũng lộng lẫy đẹp đẽ hơn, chiếc đầu lân tự may từ một đống gấu bông đem ra so với chiếc mua từ Việt Nam xem ra cũng chả kém cạnh. Miếng nem ăn sao mà ngon thế, nắm xôi ngọt ngào làm sao! Miếng bánh chưng sao mà xanh mà đẹp thế!
Tiết mục văn nghệ được chuẩn bị công phu. Ảnh tác giả cung cấp. |
Các cô các bác các chú vất vả tiền nong bàn ghế đồ ăn bao nhiêu thì các cháu cũng không hề nhàn nhã. Với nguồn nhân lực là hơn 50 cháu trải ra từ chưa biết nói đến xấp xỉ người lớn, chúng tôi phải nghĩ ra các tiết mục ca nhạc tập cho các em nhỏ. Chẳng phải có năng khiếu âm nhạc gì chỉ cần tham gia góp vui là được rồi.
Chia ra một chị tập các em bé xíu, hai chị tập các em nhỡ nhỡ, đến hôm Tết thì từ đạo diễn âm nhạc, đạo cụ rồi chuyên viên thời trang xoay như đèn cù mà chẳng hề thấy mệt. Mấy ngày nghỉ đến gặp nhau tập văn nghệ nhìn cậu bé tiếng Việt không sõi nhưng cố học bằng được, cất tiếng :”Tết Tết Tết Tết đến rồi….” tự nhiên thấy ấm lòng đến lạ. Mấy thằng con trai bình thường nghịch như quỷ sứ cũng có lúc nghiêm túc bàn bạc nên hát bài nào chúc Tết mọi người.
Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến… Ngày không chỉ trẻ con háo hức chờ mong mà đó là ngày cả những cô bác cũng cảm thấy rạo rực… Ngày tà áo dài cất kỹ trong tủ được mang ra mặc, tung bay phấp phới khắp hội trường. Ngày mọi người gác hết những bận rộn lo toan trong cuộc sống để đến vui với một cái Tết chung của đại gia đình.
Dịp này, cả những người sống ở ngoại ô cách vài tiếng đồng hồ đi xe buýt hay những gia đình với những đứa con mang hai dòng máu Việt-Nga cũng không bao giờ bỏ lỡ mà tìm về với cội nguồn đoàn tụ với tất cả. Như một truyền thống chương trình vui Tết sẽ được bắt đầu với một màn múa lân tự biên tự diễn.
Nghe tiếng trống rộn ràng, cái đầu lân vàng rực thoắt ẩn thoắt hiện, pháo giấy lung linh bảy sắc cảm giác như Tết ngay đây thôi, chạm tay vào được, tựa như mở cửa ra là thấy nhà nhà dán câu đối đỏ, người người đi chơi Tết. Nâng cốc lên chúc nhau một năm mới an khang, thấy buồn vì không được đón Tết ở nhà mà cũng vui vì có những người cùng mình chia sẻ những khoảnh khắc thế này.
Màn trình diễn thật sự bắt đầu khi những cô thiếu nữ của cả thành phố duyên dáng trong tà áo dài bước ra với điệu múa nón trên nền nhạc “Việt Nam quê hương tôi” có chút gì đó vừa kiêu hãnh tự hào vừa bình dị hiền hòa.
Rồi mỗi năm một sắc màu, cũng có Thị Màu lẳng lơ đi chùa, có thằng Bờm ngốc nghếch đòi lấy cô Đào, có cái Bống ngồi sẩy sàng, có mấy bé cầm ô đi học. Chẳng hoàn hảo đâu vì Thị Màu phải hát nhép còn thằng Bờm sai động tác mấy lần…
Nhưng nào có quan trọng gì. Khi Thị Màu lướt vào tình tứ liếc mắt hay thằng Bờm ngồi ngẩn ngơ thì chẳng còn ai thấy Thị Màu trên TV hát hay hơn. Dù trong tiết mục hát tập thể có đứa lúi húi giở giấy ra để xem lời bài hát thì đối với mọi người chẳng có bài hát nào sánh bằng. Cô bé biểu diễn thể dục nghệ thuật có lỡ nhịp vài chỗ thì đấy vẫn là cô bé tài năng nhất, màn biểu diễn hip hop có lẽ còn hoàn hảo hơn cả những tiết mục của Big toe crew... Vì tất cả đều cố hết sức, thể hiện hết mình để cùng vui mừng Tết.
Sau các tiết mục chính thống là các tiết mục ngẫu hứng. Ở đây ai yêu ca hát đều được hoan nghênh và lắng nghe. Rồi chơi trò chơi, quay xổ số, nhận lì xì, nhảy múa. Người người nắm tay nhau trong một vòng tròn đoàn kết. Khi tuổi tác, giới tính hay màu da không còn quan trọng, khi mọi người nắm chặt tay nhau vui cùng điệu nhạc, quên đi khó khăn mà xích lại gần nhau trong giây phút quan trọng nhất của một năm.
Được đón Tết trên chính quê hương mình, được tự tay gói chiếc bánh chưng, hít căng lồng ngực mùi hương trầm trong mỗi ngôi chùa… là điều mà người con xa xứ nào cũng mong muốn…
Cho dù vậy, những khoảnh khắc chúng tôi trải qua mỗi mùa Tết vẫn là những kỉ niệm sâu sắc nhất dành cho mỗi người, những người mà không biết sau này số phận sẽ đưa đẩy đến phương trời nào. Và bộ đĩa ghi lại những giây phút ấy, ghi lại sự trưởng thành của các cháu, lòng nhiệt huyết của các cô các bác các chú vẫn là bộ đĩa được yêu thích nhất của tất cả chúng tôi.
Đào Như Quỳnh