Tết Sài Gòn. Ảnh: Quehuongonline |
Lần đầu tiên con viết lại những cảm xúc của mình dành cho gia đình. Đón năm cái Tết trên xứ người và chưa một lần về thăm, với con, nó là một cái gì đó hơn hẳn cả nỗi nhớ nhà - một nỗi cô đơn lạc lõng đâu đó trong lòng…
Bằng tuổi trẻ và sự háo hức khám phá, con đã quyết định ra đi, tạm rời xa mái nhà với hạnh phúc quây quần của gia đình ta trong cuộc sống thường nhật, thấy đơn giản như một chuyến Mùa hè xanh, “đi gieo chữ” con thực hiện năm nào. Để rồi những năm tháng sau đó, con nhận ra khoảng thời gian bên mẹ cha, được bao bọc lo lắng là sự yên bình vui vẻ nhất của đời người.
Bao mùa xuân đã qua, con chăm học, ham làm, vẫn tinh thần cầu tiến. Rồi đến khi con vấp ngã, khó khăn, con ưu phiền và cả tuyệt vọng… một mình con… con nhận ra thứ gía trị nhất mà con sở hữu chính là gia đình, đang ở một nơi xa.
Xuân này, cũng đã như bao xuân khác, con không về. Mắt con đã cay khi một anh đồng nghiệp người Úc hỏi: “Chừng nào Tết? Có về hay không?” (bạn biết và dùng đúng từ Tết).
Mỗi một năm, con học được nhiều (nhưng cũng tổn thương không ít). Kiến thức là vô giá, trường lớp dạy con kiếm tiền và cuộc sống khó khăn giúp con hiểu được giá trị của nó. Làm nhiều công việc khác nhau để bươn chải và trụ lại, con dần mạnh mẽ, biết chống trả và chai lì. Con thấy mình rắn rỏi, nhưng đôi lúc chạnh lòng mỗi độ xuân sang.
Bình chọn cho bài dự thi tuần 3 |
Nơi đất khách, có những tháng ngày con gồng mình 24/7 với mớ tiếng Anh bủa vây bởi những người bản xứ và quốc tế, con đau đầu và thèm nói tiếng Việt. Nơi đất khách, có những ngày con trở về nhà với cơ thể rã rời vì guồng máy công việc quá sức con, với một tâm trạng tệ hại đến khủng hoảng vì bị kỳ thị, vì mắc lỗi làm sai, vì bị phàn nàn khiển trách, vì sợ hãi điều gì, vì tan nát con tim,…
Nơi đất khách, có những ngày con bệnh và mơ màng thấy tay mẹ rờ trán, có những ngày con không về nhà ngay khi tan trường tan sở vì con biết sẽ chẳng có ai đợi cơm ở nhà và dùng bữa cùng con. Cuộc sống này con đã chọn lựa, và sẽ là không công bằng nếu con trút mọi nỗi niềm, khổ sở của con vào những cuộc điện thoại với mẹ ba. Con làm điều đó với đứa bạn thân. Và con thấy mình lớn lên thêm vì điều đó.
Cái Tết thứ năm, vẫn trên xứ người, không như những cái Tết xa nhà trước đó, con thấy nhớ nhà da diết, nhớ cảnh nhà mình dọn dẹp (ngày đêm) mà than trời không ngớt, nhớ cảnh mẹ làm giò thủ còn con gái mẹ thì mải mê ăn vụng khen ngon, nhớ hai mẹ con đi chợ sắm Tết đêm khuya vừa bàn vừa cản.
Nhớ cây mai hoành tráng rụng te tua nhà ngoại mỗi năm, nhớ cảnh chúc Tết lì xì đông đảo họ hàng ngày mùng một, nào là nâng ly cạn chén,… Cái oi bức khô khốc của mùa hè Melbourne hiện giờ càng làm con nhớ Sài Gòn với mưa rào bất chợt và lộng gió về đêm… Tiếng “quê hương” luôn nghe thấm thía vào dịp Tết.
Bao nỗi nhớ nhung, con gửi hết vào công việc và phấn đấu, con kỳ vọng vào tương lai. Đã từng nói với ba, con chưa giàu nhưng rồi con sẽ… dù cái ngày ấy còn mơ hồ và xa tít ngàn khơi. Mọi cố gắng của con trong hiện tại đều là cho sự êm ấm của gia đình mình khi ba mẹ về già, nay đau mai yếu.
Năm cái Tết hay mười cái Tết đi nữa, con vẫn là con yêu của gia đình, là chị yêu của em; vẫn là đứa mê mẩn Sài Gòn và nghiện phở, thích chả giò, khoái món của mẹ, thèm mặc áo dài và “thần thánh hoá” cái hương vị ngày Tết sau bao năm xa xứ… Thì con vẫn là con, âm ỉ và dai dẳng, với một tình yêu không đổi… cho gia đình và quê hương.
Thư Tết muộn và đầy nỗi niềm. Con chúc ba mẹ thật nhiều sức khỏe, sức khỏe và sức khỏe. Chúc cho thằng em yêu đời và tìm thấy niềm vui trong cái sự nghiệp học hành và cũng là “bể khổ” của nó. Chúc cho cái Tết năm tới con có mặt ở nhà… cho bữa cơm đoàn viên thiêng liêng ngày Tết.
Thương và nhớ!
Huỳnh Cúc Phương