Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, ghi nhận hiện nhiều người có triệu chứng Covid-19 rõ ràng như ho, đau rát họng, người gai rét, ớn lạnh, song test nhanh nhiều lần đều âm tính trong khi xét nghiệm PCR dương tính. Bác sĩ nhận định: "Biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế trong cộng đồng, song kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus 'trốn' test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác".
Thứ nhất, theo ông Hà, là độ nhạy của phương pháp xét nghiệm. Kit test nhanh có độ nhạy kém hơn xét nghiệm PCR, vì vậy nồng độ virus trong cơ thể phải cao thì test nhanh mới phát hiện dương tính. Trong khi đó, kỹ thuật xét nghiệm PCR phát hiện các đoạn gene (RNA) virus trong mẫu bệnh phẩm từ người bệnh hoặc người nghi nhiễm, sau đó sao chép và nhân lên gấp nhiều lần để tìm kiếm virus. Do đó xét nghiệm PCR độ nhạy cao hơn test nhanh.
Thứ hai là chất lượng kit test. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại test nhanh của nhiều hãng nhiều nước sản xuất, độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại khác nhau. Người dùng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... thì khi test sẽ cho kết quả sai lệch.
Thứ ba, kết quả xét nghiệm nhanh phụ thuộc thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu. Ví dụ, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, bạn có thể đã nhiễm song tải lượng virus trong cơ thể còn thấp. Lúc này lấy mẫu test, khả năng kết quả âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để kit test có thể phát hiện. Ngoài ra, khi tự test, bạn có thể thực hiện sai thao tác, kỹ thuật lấy mẫu và quy trình test. Trong gia đình, người già và trẻ nhỏ không tự lấy được mẫu thì người khác có thể hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cũng chia sẻ rằng câu hỏi "có phải test nhanh không phát hiện được Omicron" đang còn là vấn đề tranh cãi. Ông cũng đồng tình với phân tích của bác sĩ Hà, là thực tế nhiều người thực hiện sai thao tác tự lấy mẫu, sai thời điểm lấy mẫu, cũng như độ nhạy của test nhanh kém... khiến kết quả sai lệch. "Tải lượng virus trong cơ thể phải tương đương với chỉ số CT dưới 25 nếu xét nghiệm PCR thì kết quả test nhanh mới rõ ràng; còn CT ở mức 25-30 hoặc trên 30, tức thấp, thì test nhanh gần như rất khó phát hiện virus", bác sĩ Hoàng giải thích.
Một giả thiết khác được các chuyên gia đưa ra, là thực sự người được test không mắc Covid-19. Các triệu chứng như rát họng, ho, người gai rét ớn lạnh có thể do thời tiết gây ra các bệnh lý khác. Nếu nghi ngờ, những trường hợp này cần xét nghiệm PCR để kiểm tra cho chính xác.
Trên thế giới, dữ liệu vào cuối tháng 12/2021 của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận xét nghiệm kháng nguyên vẫn hiệu quả với ca nhiễm Omicron, song độ nhạy giảm. Bruce Tromberg, Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh Y sinh Quốc gia của NIH, Mỹ, cũng cho rằng kit thử nhanh phát hiện biến chủng Omicron kém hơn Delta.
Nghiên cứu của Viện Johns Hopkins chỉ ra rằng lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai. Ngoài ra, một số loại kit kém nhạy cảm hơn với chủng Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19. Theo dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu đăng tải trên medRxiv, khảo sát hơn 700 người, một loại kit test phổ biến ở Mỹ phát hiện hơn 95% người nhiễm Omicron có tải lượng virus cao. Tuy nhiên khi tải lượng virus thấp, kit test bỏ sót khoảng 35% ca nhiễm.
Tiến sĩ Gerald W. Fischer dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ở người mắc Covid có triệu chứng là 20%, người không triệu chứng là 59%.
Để test nhanh có kết quả chính xác, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, khuyên đầu tiên là cần mua loại kit test kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép. Danh sách này đã được đăng tải công khai trên website của Sở Y tế Hà Nội. Sau đó, thực hiện các bước sau:
Bước 1: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu phải vệ sinh, sát khuẩn tay.
Bước 2: Lấy khay thử ra khỏi túi đựng, đặt trên mặt phẳng sạch nằm ngang và sử dụng ngay trong vòng một giờ. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi.
Bước 3: Lấy mẫu xét nghiệm đúng cách để tránh kết quả không chính xác.
Nếu sử dụng bộ test dịch tỵ hầu, người được lấy mẫu cần ngồi yên, xì nhẹ mũi vào khăn giấy rồi nghiêng đầu về phía sau một góc 70 độ. Nhẹ nhàng đưa que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu. Độ sâu khoảng bằng một nửa độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía. Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa, sau đó từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn dung dịch đệm dùng để chiết mẫu.
Nếu sử dụng bộ test mẫu dịch mũi, nên ngồi tư thế tương tự khi lấy dịch tỵ hầu. Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây rồi rút ra, cho vào ống chứa sẵn dung dịch đệm chiết mẫu. Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại, sử dụng cùng một que lấy mẫu.
Bước 4: Tách chiết mẫu.
Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết, xoay miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần, ngâm đầu que trong dung dịch một phút. Sau đó, bóp 2 thành ống ép vào đầu que rồi từ từ xoay, rút, ép đầu que để thu dịch càng nhiều càng tốt. Tiếp theo, đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt, lắc mạnh theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu, tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Xong xuôi, nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.
Bước 5: Đọc kết quả.
Thời gian đọc kết quả phụ thuộc vào loại test nhanh. Thông thường, test nhanh cần khoảng 15-30 phút để cho kết quả. Nếu âm tính, trên khay thử sẽ chỉ xuất hiện một vạch màu đỏ ở chữ C. Nếu dương tính, khay thử sẽ xuất hiện hai vạch ở chữ C và T. Trường hợp khay thử không xuất hiện vạch ở chữ C và T hoặc chỉ xuất hiện vạch ở chữ T, kết quả không có giá trị.
Trong bối cảnh Omicron đang dần chiếm ưu thế tại Việt Nam, các bác sĩ khuyến cáo người có triệu chứng Covid điển hình song xét nghiệm nhanh âm tính cũng không nên chủ quan. Những người này cần theo dõi 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.