Sau một tháng khỏi Covid-19, chị Mai Yến rơi vào tình trạng khó ngủ, chân, tay thường lạnh dù ủ ấm trong chăn. Có khi chị giật mình tỉnh dậy lúc 3h, khó ngủ lại và thức luôn đến 6-7h. 2-3 tuần mất ngủ khiến chị càng uể oải, xuống tinh thần, dễ mệt mỏi. Chị Yến quyết định thăm khám tại một phòng khám y học cổ truyền theo tư vấn của đồng nghiệp. Tại đây, chị được bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt kết hợp ngâm chân thảo dược.
"Chế độ ăn uống của tôi vẫn duy trì bình thường với nếp sinh hoạt, tuy nhiên, có điều khác biệt là tôi được hướng dẫn ngâm chân nước nóng với thảo dược trước khi ngủ mỗi tối. Tôi thấy phương pháp này khá hiệu quả với bản thân, đảm bảo tiêu chí ngon bổ rẻ", chị Yến chia sẻ.
Cụ thể, chị Yến ngâm chân với nước đun cùng gừng, ngải cứu và muối hột khoảng 20 phút. Vừa ngâm vừa massage bàn chân. "Các nguyên liệu đều dễ tìm mua lại khá rẻ, dễ làm nên tôi thường xuyên thực hiện", chị Yến kể.
Cũng gặp chứng mất ngủ hậu Covid như chị Yến nhưng chị Lê Phương (Hà Nội) mệt mỏi gấp đôi khi con gái 21 tháng tuổi cũng trằn trọc, thức giấc liên tục mỗi đêm từ sau khi mắc Covid-19. Hai mẹ con đêm nào cũng vài lần tỉnh giấc, bế ẵm nhau. Bé còn bị sụt sịt, sổ mũi chưa dứt suốt hai tuần từ sau khi khỏi Covid.
Chia sẻ với các mẹ trên một hội nhóm, chị Phương được mách cho bé ngâm chân trước khi đi ngủ bằng nước đun sôi với một ít gừng giã nhỏ và muối hột. Chị Phương còn cẩn thận hỏi ý kiến một bác sĩ quen trước khi thực hiện cho con. "Trộm vía bé hợp tác, thích thú với việc ngâm chân. Bé cũng tự giác khi ngủ hơn, bớt quấy khóc. Không biết là tác dụng của nước gừng ngâm chân hay vì hai mẹ con có khoảng thời gian tương tác vui vẻ mỗi tối mà bé dễ ngủ hơn", chị Phương nói.
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không quay trở lại được giấc ngủ hoặc ngủ dậy có cảm giác không ngon giấc và mệt mỏi. Mất ngủ theo y học cổ truyền thuộc phạm trù chứng thất miên, bất mị, hay bất đắc miên. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, như do suy giảm chức năng của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận), do tinh huyết không đủ, do tà khí bên ngoài nhiễu động dẫn đến thần không được yên ổn. Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng, y học cổ truyền phân mất ngủ thành các thể và cách chữa trị khác nhau.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trường hợp của những bệnh nhân trên có thể do tinh thần thiếu yên ổn, dễ bị lo sợ. Phương pháp ngâm chân thảo dược có thể giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi khiến người bệnh dễ chịu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Đông y quan niệm, bàn chân là "trái tim thứ hai" của cơ thể, tập hợp 6 đường kinh và nhiều huyệt vị quan trọng. Chân tiếp xúc trực tiếp với mặt đất hàng ngày, thông qua da bàn chân, các độc tố và vi khuẩn có thể tấn công cơ thể. Do đó, khi ngâm chân hay massage chân đều có tác dụng kích thích vùng huyệt đó và có lợi cho sức khoẻ.
"Nước từ các loại lá thảo dược thẩm thấu qua da, tác động tới tạng phủ, gây phản xạ kích thích, nâng cao năng lực hoạt động của tạng phủ. Các tinh dầu từ thảo dược có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông kinh lạc... Bên cạnh tác dụng làm ấm, ngâm chân còn có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa, chống viêm, chống stress và điều hòa cơ thể. Giải phóng cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp, tác động lên bộ phận phía ngoài cơ thể như: da, gân cơ để phòng, chữa bệnh", bác sĩ Hải lý giải thêm.
Có nhiều công thức pha chế nước ngâm chân, theo Tiến sĩ Ngô Quang Hải. Với những người thuộc thể hàn có thể dùng gừng, ngải cứu và muối. Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải độc, làm ấm cơ thể. Ngâm chân bằng nước ấm và gừng giúp làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến khắp cơ thể, giảm đau nhức xương khớp, giúp ấm cơ thể đặc biệt là vào mùa đông. Ngải cứu có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, đẩy lùi ẩm ướt, lạnh lẽo trong cơ thể. Hơn nữa, ngải cứu có thể đả thông 12 kinh mạch, điều hòa âm dương. Ngâm chân với ngải cứu không những làm tăng lưu thông khí huyết mà còn giảm lượng nước dư thừa trong cơ thể. Các dưỡng chất có trong ngải cứu sau khi thẩm thấu vào cơ thể sẽ tác động tới 20 dòng kinh mạch, điều hòa âm dương, đào thải độc tố, đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng.
Bác sĩ Ngô Quang Hải khuyến cáo, khi ngâm chân không nên nhúng bàn chân vào trong chậu ngay mà đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi nước, vừa giúp chân không bị sốc nhiệt và giúp mở lỗ chân lông, sau đó từ từ hạ cả bàn chân xuống ngâm cả chân. Ngâm chân trước khi ngủ 30 phút và lau khô chân ngay sau khi ngâm. Với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nên ngâm chân từ 8 đến 10 phút và cần kiểm tra nhiệt độ nước trước khi ngâm cho trẻ để tránh gây bỏng da. Đặc biệt, trẻ dưới 1 tuổi hạn chế ngâm chân vì da bé còn non nớt, dễ bị tổn thương, theo bác sĩ Hải.
"Không phải bài thuốc ngâm chân thảo dược nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Căn cứ vào thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh để việc ngâm chân phát huy hiệu quả. Tốt nhất là người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y có chuyên môn, nhất là những người có bệnh nền", bác sĩ chia sẻ.
Huyền Anh