Theo TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh có hại, ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm và suy nhược khác nhau. Người bị thiếu hụt miễn dịch dễ bị nhiễm trùng tái phát với mức độ nặng hơn người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, thậm chí còn ảnh hưởng tính mạng.
Thiếu hụt miễn dịch có hai nhóm nguyên nhân chính, bao gồm nhóm thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh và nhóm thiếu hụt miễn dịch mắc phải.
Thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh là từ khi sinh ra, trẻ đã mắc một số bệnh lý liên quan đến di truyền, thiếu hụt các tế bào miễn dịch hoặc có bất thường trong bộ gen. Thiếu hụt miễn dịch mắc phải là sự mất chức năng đề kháng do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, các yếu tố môi trường, ức chế miễn dịch hoặc lão hóa. Ví dụ, cơ thể nhiễm phải một số loại virus như HIV gây suy giảm hệ miễn dịch, hoặc một số bệnh lý về ung thư cần điều trị hóa chất cũng gây ra suy giảm hệ miễn dịch ở những người mắc phải. Ngoài ra, nhóm bệnh lý nền khác như xơ gan mất bù, suy gan giai đoạn cuối, tiểu đường giai đoạn cuối cũng làm suy giảm hệ miễn dịch.
Những người mắc chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hay thiếu hụt miễn dịch mắc phải đều rất dễ bị nhiễm tất cả các căn nguyên virus, vi khuẩn, trong đó có SARS-CoV-2.
"Thiếu hụt miễn dịch là điều kiện thuận lợi cho SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể. Hơn nữa, những người có hệ miễn dịch bị suy giảm thì khả năng đào thải virus cũng chậm hơn rất nhiều so với người có hệ miễn dịch đầy đủ. Vì vậy, tác động trước mắt và cả lâu dài của Covid-19 lên người bị thiếu hụt miễn dịch cũng nặng hơn", bác sĩ Hùng nói.
Chuyên gia cũng cho rằng, những bệnh nhân có bệnh lý thiếu hụt miễn dịch nếu không may mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc người lạ, cũng như môi trường bên ngoài, nơi đông người. Người bệnh không nên nhập viện để giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn do lây chéo trong môi trường bệnh viện, môi trường y tế.
Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý khi điều trị tại nhà, F0 trên nền bệnh lý thiếu hụt miễn dịch cần được theo dõi tất cả các triệu chứng lâm sàng như theo dõi về hô hấp, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu ngoại vi (SpO2)..., đồng thời theo dõi về tình trạng, các dấu hiệu, triệu chứng khác của Covid19 như sốt cao, đi ngoài phân lỏng, rối loạn vị giác liên quan đến dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, những người suy giảm hệ miễn dịch cần được quan tâm hơn. Người bệnh phải được điều trị nâng đỡ như đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, bù nước và điện giải, có chế độ nghỉ dưỡng hợp lý. Mọi hoạt động sống và điều trị cho nhóm bệnh lý này cần diễn ra trong môi trường sạch khuẩn nhằm hạn chế khả năng bội nhiễm, như đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và vệ sinh khử khuẩn tại gia đình. Thức ăn và trang phục dành cho bệnh nhân bị thiếu hụt miễn dịch phải được kiểm tra kỹ lưỡng, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Về vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19, bác sĩ Hùng cho biết, người mắc chứng thiếu hụt dinh dưỡng vẫn có thể tiêm bình thường. Tuy nhiên, khả năng sinh ra kháng thể từ những người có cơ địa thiếu hụt miễn dịch thấp hơn nhiều so với người có hệ miễn dịch đầy đủ.
Tuấn Thuỷ