Hội chứng hậu Covid-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng và có triệu chứng bệnh kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Các triệu chứng phổ biến thường kéo dài 2 - 6 tháng, gồm: mệt mỏi, khó thở, ho, rối loạn nhận thức...
Người bệnh trong giai đoạn hậu Covid-19 thường gặp những biểu hiện thông thường:
- Lú lẫn, mất vị giác và khứu giác, bệnh não và đột quỵ.
- Khó thở và ho, đau ngực, tổn thương phổi mô kẽ hậu Covid-19.
- Nổi mẩn đỏ, mề đay ở chân, tay hoặc khắp người.
- Trầm cảm, stress, lo lắng, sống cô lập.
- Đánh trống ngực, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, suy tim.
- Mệt mỏi và đau cơ, đau khớp, bệnh lý thần kinh ngoại biên, thiếu máu ở đầu chi.
Các triệu chứng bệnh nhân thường gặp trong thời gian này gồm:
- Các triệu chứng dai dẳng như mất ngủ, đau khớp, đau đầu, viêm mũi, rối loạn tiêu hóa, kém ăn, chóng mặt, đau cơ, mất ngủ, rụng tóc, đổ mồ hôi và tiêu chảy.
- Một số triệu chứng hết nhanh hơn như sốt, ớn lạnh và các triệu chứng khứu giác, tăng tiết dịch thường hết trong 2 - 4 tuần.
- Mệt mỏi, khó thở, tức ngực, suy giảm nhận thức và ảnh hưởng tâm lý có thể kéo dài trong nhiều tháng (từ 2 đến 12 tháng).
- Mệt mỏi, cảm giác đuối sức (13-87%) phần lớn phục hồi, cũng có thể gặp và kéo dài 3 tháng hoặc hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân từng nằm khu chăm sóc tích cực (ICU).
- Khó thở, cảm giác hụt hơi (10-71%) có thể kéo dài, phục hồi dần trong 2-3 tháng, có một số trường hợp kéo dài hơn (đến 12 tháng).
- Ho kéo dài (17-34%) 2- 3 tuần sau khi khởi phát triệu chứng. Ho thường phục hồi trong 3 tháng và hiếm khi kéo dài đến 12 tháng.
- Cảm giác khó chịu, tức ngực (12-22%) thường phục hồi dần sau 2-3 tháng, hiếm khi dài hơn.
- Phấn lớn bệnh nhân mất vị giác, khứu giác phục hồi sau một tháng khi mắc, nam giới hồi phục nhanh hơn nữ giới.
- Chứng rối loạn nhận thức thường gặp là rối loạn khả năng tập trung, trí nhớ kéo dài đến 6 tuần hoặc hơn, tính từ thời điểm bệnh nhân xuất viện.
- Các rối loạn về thần kinh hay gặp là kém tập trung và giảm trí nhớ.
- Rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn rất hay gặp, đặc biệt lo âu và thường kéo dài hơn 6 tháng ở nhóm bệnh nhân phải nhập viện.
Để điều trị các triệu chứng hậu Covid-19 trên, bệnh nhân cần thực hiện càng sớm càng tốt, chữa trị kiên nhẫn và lâu dài sau khi hết Covid-19. Mục đích là giảm, ngăn ngừa các tổn thương lâu dài. Trong đó, trị liệu phục hồi chức năng là biện pháp quan trọng với các bệnh nhân đã nhập viện hay phải dùng máy thở. Các trị liệu bao gồm vật lý trị liệu tại chỗ trong bệnh viện như tập cử động tay chân. Tập phục hồi chức năng phổi qua bài tập thở, thổi spirometry hay tập thở bụng.
Bệnh nhân trị khó thở bằng các bài tập đơn giản như hít sâu thở ra chậm. Có thể tập thở bất cứ lúc nào: Khi ngồi, nằm, khi tập đi bộ, kết hợp dùng máy thổi spirometry... Các bài tập thiền (meditation) cũng giúp bệnh nhân thở chậm và thở sâu, giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiều bệnh nhân tổn thương phổi do Covid-19, bị ho lâu hay ho có đờm sau khi phục hồi bệnh cần trị ho mạn tính. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ho như benzonatate, thuốc xịt proair, thuốc chống đờm mucinex... để làm tăng đường thở. Tuy nhiên, cần kết hợp tập thở và thuốc ho để trị dứt ho mạn tính.
Người bệnh bị tim đập nhanh, loạn nhịp, mất nhịp sau khi phục hồi Covid-19. Lúc này, cần trị tim đập nhanh bằng cách gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, kiểm tra siêu âm tim, xem kết quả điện tâm đồ. Bệnh nhân cần kết hợp các bài tập thể dục nhẹ nhàng, từ từ để cải thiện nhịp tim.
Để trị mệt mỏi và yếu sức, bệnh nhân cần tập thể dục từ từ để tăng sức bền và sức mạnh của cơ bắp chân tay, đặc biệt dành cho các bệnh nhân trở về từ bệnh viện hay ICU. Các bài tập tạ nhẹ kết hợp với tập thở có thể giúp cải thiện sự mệt mỏi. Nếu mệt mỏi dai dẳng, bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa tim hay phổi để tìm nguyên nhân mệt mỏi kéo dài.
Đối với trị mất mùi, mất vị, người bệnh dùng các bài tập nhớ mùi hay nhớ vị để cải thiện dần triệu chứng này.
Nếu đau nhức khớp, bệnh nhân dùng thuốc không kê đơn như ibuprofen (nếu không bị đau dạ dày, bệnh lý ở thận) hoặc acetaminophen để giảm đau. Sau đó, tập vật lý trị liệu để điều trị phục hồi cho khớp bị đau. Với bệnh nhân lớn tuổi, các bài tập phục hồi đau khớp do Covid-19 có thể lâu hơn, do đó cần kiên trì luyện tập.
Đọc sách, chơi các trò chơi kích thích trí nhớ như đánh cờ, học thêm các môn khác như nấu ăn, làm bánh... là cách giúp bệnh nhân trị mất trí nhớ, giảm tập trung, mau quên, giữ cho não bộ hoạt động trở lại bằng các kích thích phản xạ lành mạnh.
Phần lớn bệnh nhân bị rụng tóc sau khi mắc Covid-19 là do bị lo lắng và stress. Vì vậy, đa số bệnh nhân sẽ mọc lại tóc trong vài tuần hay vài tháng sau khi hết bệnh. Chúng ta có thể dùng các thuốc kết hợp như rogaine để xịt kích thích tóc mọc.