Bệnh hồng cầu hình là một bệnh thiếu máu di truyền phổ biến do huyết sắc tố (hemoglobin) bị khiếm khuyết. Hồng cầu biến dạng khiến cho việc di chuyển trong các vi mạch nhỏ gặp khó khăn, dễ gây tắc mạch và thiếu máu huyết tán (Thalassemia). Khi hiện tượng tắc mạch xảy ra, khả năng viêm và bội nhiễm là rất lớn.
Theo Báo cáo của Liên đoàn Thalassemia Quốc tế (TIF - Thalassemia International Federation), phần lớn những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm đi kèm với các bệnh lý khác như tim, phổi do cơ thể không được cung cấp đủ oxy bởi các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, nên dễ mắc Covid-19 và gặp biến chứng nặng.
Đến nay, trên thế giới chưa có nghiên cứu nào đưa ra phác đồ điều trị Covid-19 đối với từng nhóm bệnh nền cụ thể. Tuy nhiên, những F0 có bệnh nền là bệnh hồng cầu hình liềm có thể đối mặt với nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với F0 không có bệnh nền.
Vì vậy, khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau tức ngực, cơn đau đầu kéo dài và phát ban bất thường, bệnh nhân phải báo bác sĩ chuyên khoa điều trị ngay, xét nghiệm Covid-19 và nhập viện càng sớm càng tốt.
F0 có bệnh nền thiếu máu hồng cầu hình liềm cần được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng liên quan đến hội chứng ngực cấp tính (ACS - acute chest syndrome) để bổ sung máu hoặc thay máu, lọc huyết tương kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng như ho, sốt trên 37,8oC cần được chụp phổi để đánh giá tình trạng bệnh. Nếu có hình ảnh X quang ngực bất thường hoặc có dấu hiệu giảm oxy máu thì phải truyền máu nhằm giảm mức hemoglobin S (HbS) xuống dưới 30%.
Vẫn chưa có kết luận chính thức việc giảm Hbs qua truyền máu có cải thiện được nguy cơ suy hô hấp do Covid-19 hay không, nhưng chắc chắn có thể giảm nhẹ hội chứng ngực cấp tính và các biến chứng phổi liên quan.
TIF cho biết, tình trạng suy hô hấp do Covid-19 dẫn tới thiếu oxy, tăng thêm sự hình thành các tế bào hình liềm trong các mạch máu nhỏ ở phổi, gây ra hiện tượng nhồi máu phổi, hoặc tắc mạch. Tình trạng viêm phổi vì thế đến nhanh và nặng hơn. Nếu không được chăm sóc thích hợp và kịp thời, hội chứng ngực cấp tính có thể tiến triển nhanh hơn khiến bệnh nhân tử vong.
Ngoài ra, F0 bị phát ban xuất huyết cũng cần phải đến khoa cấp cứu ngay, do tình trạng thiếu máu, tan máu có thể làm mất tri giác, giảm tiểu cầu, hạ albumin, có thể tử vong trong vòng 48h. Nếu F0 có triệu chứng nhẹ, được xuất viện để tự cách ly nên dùng thêm kháng sinh phổ rộng, dưới sự giám sát chặt chẽ từ các nhân viên y tế chuyên khoa bệnh huyết sắc tố. Còn những bệnh nhân đang điều trị Hydrocarbamide (thuốc chống ung thư) hoặc thải sắt sẽ vẫn duy trì đơn thuốc nhưng cần được theo dõi thường xuyên.
Đối với trẻ sơ sinh bị hồng cầu hình liềm kèm theo sốt hoặc khó thở nên tuân thủ quy trình tiêu chuẩn theo phác đồ/hướng dẫn điều trị. Nếu không có chuyên gia điều trị trực tiếp, cha mẹ nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu chuyên khoa nhi ngay lập tức.
Báo cáo của TIF cũng chỉ ra rằng, cách tốt nhất để kiểm soát nguy cơ rủi ro của Covid-19 đối với các bệnh nhân hồng cầu hình liềm hiện nay chỉ có tiêm chủng và các biện pháp thực hiện giãn cách để phòng dịch.
Tuấn Thủy (Theo TIF)