Theo PGS.TS BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19, các bệnh lý nền nói chung khi gặp tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virus sẽ là nhân tố kích thích, tạo điều kiện thúc đẩy tình trạng bệnh nền trở nên bất ổn. Covid-19 cũng là một điều kiện rõ ràng làm nặng lên bệnh sẵn có của người bệnh.
SARS-CoV-2 khi xâm nhập cơ thể sẽ tàn phá miễn dịch, xâm nhập hệ hô hấp của người bệnh và toàn cơ thể. Đặc biệt, đối với người có bệnh nền như hen phế quản, SARS-CoV-2 có thể dẫn đến những cơn hen và các vấn đề về phổi nghiêm trọng khác.
Bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền, cần được theo dõi chặt chẽ để sớm phát hiện các triệu chứng gợi ý đợt cấp. Bệnh nhân được ưu tiên tiếp tục điều trị bệnh lý nền bằng các thuốc, liệu pháp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi bệnh nền vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát và bệnh nhân đã tiêm đủ mũi vaccine thì điều trị Covid-19 không còn là vấn đề lớn đối với nhóm bệnh nhân này, theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải.
Trong quá trình điều trị Covid-19, người bệnh hen phế quản phải đảm bảo dùng đầy đủ thuốc chữa hen do bác sĩ khám bệnh chỉ định, bao gồm liệu pháp corticosteroid dạng hít, thuốc xịt và thuốc giãn phế quản hay những thuốc điều trị hen khác.
Có nhiều lo ngại khi dùng corticosteroid trong điều trị Covid-19, bởi hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị ức chế, vô hình tiếp sức cho virus nhân lên. Tuy nhiên, đối với trường hợp có bệnh lý nền như hen phế quản, COPD... vẫn phải tiếp tục dùng thuốc để cắt cơn hoặc điều trị duy trì.
"Người đang dùng corticoid kéo dài, Covid-19 có thể nặng hơn người khác, song người bệnh dừng thuốc điều trị nền trong đó có corticoid thì nguy cơ bệnh hen phế quản chuyển thành đợt cấp cao hơn nhiều. Hơn nữa, việc dùng thuốc corticosteroid cho bệnh nhân cũng là một điều trị cơ bản khi tổn thương phổi do Covid-19 phải thở oxy", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Những bệnh nhân hen phế quản nói riêng và tất cả F0 có bệnh lý nền khác nói chung ở trong tình trạng ổn định, hợp tác và quản lý được thuốc của mình hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết nhập viện.
Đối với những F0 bệnh nền hen phế quản điều trị tại nhà, bác sĩ Hải khuyến cáo bệnh nhân nên thực hiện vệ sinh cá nhân tốt để tránh bội nhiễm ở da, răng miệng, phần phụ... Phòng ở phải thoáng khí, được vệ sinh sạch sẽ, tránh ở nơi ẩm thấp, khói bụi, khói thuốc lá, tiếng ồn, hạn chế rèm, thảm sàn. Người bệnh cũng không tự ý giảm liều hoặc bỏ thuốc khi thấy hết triệu chứng... luôn giữ liên lạc với bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ theo dõi riêng.
Người bệnh nên duy trì các bài tập hô hấp hàng ngày, tập yoga và những bài tập vừa sức của mình, không hoạt động gắng sức. Bên cạnh đó, bổ sung thuốc hỗ trợ như các nhóm vitamin C, B, D, bổ sung nước, điện giải và các khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ hỗ trợ điều trị Covid-19 cũng cần thiết.
Ngoài ra, tiêm vaccine là biện pháp giảm thiểu rủi ro hàng đầu trước Covid-19, bệnh nhân mắc hen phế quản ổn định có thể tiêm được vaccine như thông thường, theo bác sĩ Hải.
Tuấn Thủy