Một nghiên cứu quy mô lớn hơn được đăng tải trên tạp chí Lancet Oncology cho thấy, vaccine Covid-19 có tác dụng phòng ngừa bệnh với hầu hết bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, tác dụng của vaccine ít hơn và hiệu quả giảm nhanh hơn so với những người không mắc bệnh.
Trong thời gian các ca mắc tại Anh nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 377.194 bệnh nhân ung thư và hơn 28 triệu người không có các khối u ác tính.
Sau khi tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer, BioNTech hoặc của AstraZeneca, hiệu quả phòng bệnh tổng thể của vaccine ở những người không có khối u ác tính là 69,8% và ở những bệnh nhân ung thư là 65,5%. Tuy nhiên, từ 3 đến 6 tháng sau đó, tỷ lệ này giảm xuống lần lượt còn 61,4% và 47%.
Các nhà nghiên cứu cho biết, vaccine có hiệu quả 83,3% đối với các ca nhập viện liên quan đến Covid-19 và phòng ngừa tỷ lệ tử vong 93,4% với bệnh nhân ung thư nhưng khả năng bảo vệ này suy yếu trong vòng 3-6 tháng.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine thấp nhất và suy yếu nhanh nhất với bệnh nhân ung thư hạch hoặc bệnh bạch cầu. Ở những bệnh nhân ung thư đã được hóa trị hoặc xạ trị trong vòng 12 tháng trước, hiệu quả của vaccine thấp hơn và giảm nhanh hơn so với những bệnh nhân không tiếp nhận các phương pháp điều trị tương tự trong cùng khoảng thời gian.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Peter Johnson tại Đại học Southampton, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng tăng cường và khả năng tiếp cận nhanh chóng với phương pháp điều trị Covid-19 với các bệnh nhân ung thư.
Do đó, tiêm vaccine Covid-19 nên được kết hợp với việc sử dụng thuốc và điều trị kháng virus để giảm thiểu các nguy cơ Covid-19 gây ra cho bệnh nhân ung thư.
Hồng Thảo (Theo Reuters)