Trước sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 từ cuối năm 2019, cộng đồng y tế toàn cầu đã nỗ lực tìm ra các liệu pháp chống lại mầm bệnh chết người và các biến chứng kèm theo. Hai trong số các biểu hiện hô hấp phổ biến nhất của Covid-19 là giảm đáng kể khả năng khuếch tán của phổi (DLCO) và tổn thương mô kẽ phổi kèm theo.
Một năm sau khi Covid-19 hoành hành, tỷ lệ suy giảm DLCO và tổn thương phổi dai dẳng vẫn vượt quá 30%. Bên cạnh đó, 1/3 số bệnh nhân bị suy giảm DLCO nặng và xơ phổi. Các biến chứng hô hấp dai dẳng có thể gây ra nhiều bệnh tật, tàn tật lâu dài và thậm chí tử vong do quá trình xơ hóa phổi.
Tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi do Covid-19 được phỏng đoán dựa trên một nghiên cứu quan sát kéo dài 15 năm về bệnh lý phổi sau virus SARS. Hầu hết bệnh nhân SARS bị xơ phổi đều hồi phục trong năm đầu tiên và sau đó vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, tình trạng xơ hóa phổi 5-10 năm tiếp theo xuất hiện ở 20% trong số người được khảo sát. Dựa trên những dữ liệu này, tỷ lệ mắc xơ phổi sau Covid-19 được các nhà khoa học ước tính vào khoảng 2-6% sau khi khỏi bệnh.
Ngoài ra, dựa trên nhiều nghiên cứu khác, xơ phổi có thể trở thành một trong những biến chứng dài hạn chính của Covid-19, ngay cả ở những người không có triệu chứng. Hiện, y học thế giới vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị xơ phổi do Covid-19. Các chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ đang phân tích dữ liệu mới nhất từ các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến điều trị xơ phổi sau Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cũng đang phân tích các loại thuốc phù hợp để chữa trị di chứng này, trong đó có vaccine IN01, thuốc Glucocorticosteroid. Ngoài việc chữa trị, những loại thuốc này còn phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tổn thương phổi do Covid-19.
ThS.BS Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, ngoài vaccine IN01, thuốc Glucocorticosteroid, các biện pháp điều trị hiện nay bao gồm cả tập thở, thuốc kháng xơ phổi.
"Virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể có thể gây phản ứng viêm, xơ hóa, rối loạn đông máu. Lâu dài có thể gây ra các tổn thương phổi. Trong đó, xơ phổi và tắc mạch phổi là 2 di chứng nặng nề nhất, cần được phát hiện sớm, theo dõi và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Theo ThS.BS Nguyễn Chí Tuấn, việc thăm khám sức khỏe sớm giai đoạn hậu Covid-19 giúp phát hiện và xử lý những di chứng ở phổi, kết hợp chế độ dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ nhanh phục hồi chức năng phổi cũng như cơ quan hô hấp. Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan nếu cảm thấy khó thở, hụt hơi, ho kéo dài, đau tức ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực hậu Covid-19. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi đang bị tổn thương.
Trước đó, một nghiên cứu vào tháng 3/2021 cho thấy kẽm Salicylate và Methylsulfonylmethane có khả năng làm giảm quá trình tái cấu trúc tế bào cơ trơn đường thở, nguyên nhân gây xơ phổi đã mở ra hy vọng mới cho việc giải quyết vấn đề xơ phổi hậu Covid-19. Nghiên cứu đã chứng minh sự phối hợp chặt chẽ của kẽm Salicylate và Methylsulfonylmethane có tác dụng ức chế đồng thời cả hai quá trình gây ra tái cấu trúc mô phổi, xơ phổi, đó là tăng sinh và lắng đọng collagen type I tại nhu mô phổi, phế nang.
Kẽm Salicylate được kết hợp với Methylsulfonylmethane (MSM) làm tăng tác dụng có lợi của muối kẽm. Methylsulfonylmethane được chứng minh hỗ trợ giúp làm giảm căng thẳng oxy hóa tế bào.
Thanh Thư (theo NIH)