Cũng trái lê này, ngày xưa mỗi buổi sáng, haı chị em ngồi chờ má đi chợ về, chạy ùa đến lục vỏ má có hai trái bắp hoặc hai trái lê đã bị dập vài chỗ, nhưng cắn vào ngon ngọt hết biết. (Nguyệt Nhi, Thổ Nhĩ Kỳ)
Những năm tháng còn niên thiếu ở Việt Nam khi xuân về, trước tết vài ngày, lòng lúc nào cũng rộn rã và hâm hấp nóng như người đang sốt cao. Ban đêm chẳng tài nào chợp mắt. Mong cho đến ngày tết để được mọi thứ như bao trẻ thơ khác. Hạnh phúc chỉ giản đơn là thế. (Trần Lập Hùng, Mỹ)
Tết đối với người Việt không chỉ mang tính chất lễ hội đơn thuần mà còn là dịp ôn lại cội nguồn của mình, hướng về Tổ quốc, đánh giá lại bản thân. (Đoàn Mạnh Tuấn, Singapore)
Mấy hôm Tết lẽo đẽo theo bố đi chúc Tết họ hàng mà không biết mỏi. Ngày nào cũng theo lẵng nhẵng, thích nhất là khoản "cháu xin ạ, cháu ảm ơn ạ’’... Đó, Tết trong mắt tuổi thơ em đó! (Khổng Thu Hiền, Nga)
Đường đời lắm nẻo truân chuyên
Vui như xuân Tết phải xuyên thăng trầm
Ngày mai còn đợi má hồng
Trăm năm xuân hết vẹn không cuộc đời. (Lê Thị Ươm, Hàn Quốc)
Con gái tôi dù mới bảy tuổi không hiểu hết nhưng cũng nhất định phải đi Tết Việt Nam vì được lì xì và xem múa lân. Cháu cũng đã được về thăm ông bà ngoại và các cậu khi bập bẹ tập nói, vậy mà cháu rất yêu Việt Nam. (Thúy Hằng, Đức)
Con đi làm thêm ở chợ người Việt trong những ngày cận Tết, nhờ đó được thấy cảnh sắm Tết hối hả của đồng bào mình: từ lá dong, lá chuối, nếp, đậu xanh, đến thịt heo, thịt gà, rồi trái cây, ngũ quả, bánh mứt, dưa hành... (Kim Ngân, Canada)
Đã hơn một năm và cũng hơn một cái Tết tôi không ở nhà. Ai bảo phải đi xa lâu rồi mới thấy nhớ Tết quê hương, tôi thì đã nhớ Tết ngay từ lúc vẫn còn đang ăn Tết. (Hà Linh, Đức)
Lúc nhỏ, tôi không thích Tết vì mẹ bắt phải lau dọn nhà từng ly từng tí, dù tôi có soi kính cũng chẳng thấy một hạt bụi. Bây giờ, tôi vẫn không thích Tết vì mẹ vẫn tự tay lau dọn nhà mà không có tôi phụ giúp. (Đan Vy, Phần Lan)
Ở Vancouver có một loại cây dại, mọc ven đường. Cứ đến xuân là cây lại ra hoa vàng 4 cánh. Nhìn cành cây khẳng khiu, trơ lá, lại đầy hoa vàng rực rỡ, tôi nhớ cây mai Việt nam da diết. Vì vậy, tôi gọi đó là mai Canada. (Xuannhat, Canada)
Tôi nhớ đến thắt lòng cái không khí bận bịu rộn ràng của ngày 30 Tết, nhớ mùi thơm ngan ngát của cây mùi già mà mẹ tôi thường mua về để nấu nước tắm cho cả nhà. (Thanh Cam, Ireland)
Người đi xa nhớ về cái Tết mà lặn lội quay về nhà cũ. Nhưng tôi nay đứng giữa mênh mông đất trời, nhìn đâu cũng thấy tuyết rơi ngập lối, rơi trắng cả những nỗi nhớ trong lòng, buốt giá cô quạnh trên những nẻo đường đi. (Như Ý, Nhật Bản)
Chẳng có dấu hiệu gì của cái Tết quê nhà ở đây, ngoài nỗi nhớ cồn cào gan ruột. Không ba mẹ và em, không có bánh chưng, củ kiệu, mai vàng và mùi thơm đặc biệt ngập tràn không gian. (Phương Phương, Mỹ)
New England thuộc vùng đông bắc nước Mỹ, thời tiết đang mùa đông, tuyết rơi dày đặc song người Việt ở đây đều hân hoan đón Tết, mừng xuân. (Huy Tử, Mỹ)
Những người con Việt Nam thường có cảm giác nhớ nhà, thường vào những ngày giáp Tết. Nhớ mùi mứt, hạt dưa, nhớ con phố, nhớ mùi áo mới năm xưa... ký ức như thế cứ kéo về đến nao lòng. (Canada, Thi Trần)
Công việc chiếm mất nhiều thời gian nhất là các khâu chuẩn bị cho nồi bánh chưng xanh. Không nói thì ai cũng biết ở Cuba mọi thứ đều rất khó khăn. Gạo nếp và đậu xanh đều phải gửi từ trong nước sang, hoặc nhờ người bên Mexico mua giúp. (Hà Thu Hoạch, Cuba)
Con chúng tôi bắt đầu quan tâm đặc biệt đến chuyện Tết nhứt, hết hỏi vì sao phải có hoa mai, hoa đào, dưa hấu, bánh chưng lại quay sang hỏi vì sao phải mặc áo mới, phải đi chúc Tết họ hàng. (Phụng Hiền, Mỹ)
Tháng ngày bơ vơ
Chợt thấy giao thừa chênh vênh bên khung cửa
Vội vàng làm chi - xui thời gian dừng lại
(Trần Hoàn, Nhật Bản)
Ba mươi xuân chưa đến
Mùng một tết đi rồi
Bóc thêm tờ lịch mới,
Tháng năm dài vuột trôi.
(Hà Chí Trung, Nga)
Cháu tên là Sam, cháu còn 2 tháng nữa thì 9 tuổi. Cháu đang học lớp 3B trường San Ramón ở Madrid. Cô giáo của cháu tên là Rosalia. Cháu học bằng tiếng Tây ban Nha và tiếng Anh. (Đan Sam, Tây Ban Nha)
Tôi bế con rời Hà Nội theo chồng về Tokyo, Nhật Bản, đúng vào cái ngày mà tất cả các gia đình ở Việt Nam đang chuẩn bị mâm cỗ đầu tiên đón Tết. Đó là ngày Táo quân chầu trời. (Khánh Linh, Nhật)
Người Việt hải ngoại đa số chỉ nghỉ làm việc hai ngày cuối tuần, cho nên mọi người đều tổ chức lễ tiệc vào hai ngày này. Mấy ngày trước thì đón Tết và những tuần sau thì tổ chức mừng xuân mà chúng ta có thể gọi Spring Festival. (John Tai, Mỹ)
Nhiều người nghĩ rằng người Việt đã sang đây rồi thì luôn chọn ở lại Hàn Quốc. Vì thế, khi biết mối quan hệ của tôi, một nghiên cứu sinh Việt Nam, và người yêu Hàn Quốc, họ thường tỏ ý không tán thành kế hoạch kết hôn rồi về Việt Nam. (Nguyễn Đình Quân, Hàn Quốc)
Không náo nhiệt như Matxcơva hay St. Petersburg, thành phố Tambov ở miền trung nước Nga chỉ có khoảng gần 100 sinh viên Việt. Tết đúng vào dịp nghỉ đông nên sinh viên ở đây có đủ thời gian để chuẩn bị. (Trần Quang Tuyến, Nga)
Năm nay tết nguyên đán của người ở Đài Loan trùng với tết nguyên đán của người Việt. Do vậy có may mắn hơn rất nhiều người bạn ở châu Âu và Châu Mỹ khác, chúng tôi được nghỉ một tuần để đón tết âm lịch. (Nguyễn Việt Hoài, Đài Loan, Trung Quốc)
Căn phòng nhỏ chờ đón xuân sang
Cứ bập bùng nồi bánh chưng ngày Tết
Nỗi nhớ quê bỗng trở nên da diết
Bỗng lòng mình đang sống giữa quê hương.
(Thế Sáng, Đức)
Chiều ba mươi giữa mùa đông xứ lạnh
Theo dòng người hối hả cộ xe
Con lầm lũi trong cô đơn buồn tủi,
Cố kiếm xung quanh một chút sắc hồng.
(Trần Công Danh, Pháp)
Bốn năm xa quê hương du học và đón 3 cái Tết xa nhà, nhưng cái Tết Tân Mão 2011 năm nay đặc biệt hơn, vì tôi là du học sinh Việt Nam duy nhất ở trường Đại học Hòa bình, Costa Rica. (Lê Thị Thanh Mai, Costa Rica)
Đêm nằm tỉnh giấc chiêm bao
Mơ về quê Tổ mộng vào đất tiên
Xa xôi những bấy năm liền
Bao nhiêu ngày tháng triền miên đêm dài…
(Dương Quang Phong, Mỹ)