Là du học sinh, Tết thường trùng vào thời điểm học hành, thi cử. Tết Mậu Tý 2008 ở Pháp, chị gái tôi từ bên Đức sang thăm, mấy chị em quây quần làm mâm cỗ nhỏ, đón Tết cùng các bạn Việt nam trong ký túc xá đại học, cũng gà luộc, nem rán, thị bò xào, tôm hấp, sâm banh, dưa hấu; đầy đủ và ấm áp. Năm ấy là năm đầu tiên tôi đón Tết xa nhà, nhưng được an ủi vì có chị gái bên cạnh. Sau Tết, lúc tiễn chị ra ga tàu quay trở lại Đức, tôi hẫng hụt và buồn vô hạn, văng vẳng bên tai tiếng mẹ dặn hai chị em giữ gìn sức khỏe, chăm sóc lẫn nhau. Xa quê hương, chị là gia đình.
Tết 2009 Kỷ Sửu tôi chuyển tiếp sang học kỳ 3 ở Đức, tất nhiên là đón Tết xa nhà cùng chị gái một lần nữa. Hai chị em làm mấy món đơn giản thôi vì chị đi làm cả ngày, còn tôi phải đi học. Tối 30 Tết, hai chị em cụng ly mà thấm thía nỗi nhớ nhà đau đáu. Bật webcam chat với bố mẹ mà ứa nước mắt vì bố cứ nhắc đi nhắc lại là giá mà hai chị em về ăn Tết thì vui biết mấy.
Tết năm ngoái Canh Dần 2010 tôi may mắn được về Hải Phòng ăn Tết với gia đình, chị gái tôi ở Đức cũng đặt vé về cùng một ngày với tôi. Gia đình sum họp, bố mẹ tôi chắc chắn là người vui nhất. Sau hai cái Tết xa nhà, được trở về quê hương ăn Tết cùng gia đình, người thân, bạn bè tôi trân trọng lắm. Trước Tết trời nắng chang chang, tôi chở mẹ đi chợ mua sắm, háo hức ngắm nghía phố phường tấp nập đông vui những ngày giáp Tết, bùi ngùi nhớ lại những khoảnh khắc đón Tết xa quê. Tết ấy hai chị em cùng về, cả nhà đông đủ, mẹ sắm đào và quất, còn thêm bình lan. Chị tôi nói đùa rằng nhà như vườn hoa di động, nhưng trong lòng ai cũng phấn khởi, hân hoan như mùa xuân.
Bố lai tôi về quê nội An Dương tảo mộ, hai bố con đi giữa một rừng đào và quất, cảnh đẹp như trong tranh, không khí thiêng liêng lan tỏa trời đất. Đi tảo mộ cho những đã khuất cuối năm là một truyền thống đáng trân trọng của người Việt. Tôi nhớ là mình xúc động nghẹn ngào thắp hương trước từng ngôi mộ “Con người có tổ, có tông như cây có cội như sông có nguồn”. Trước mỗi chuyến đi xa và mỗi lần trở về nhà, tôi và bố luôn ra mộ thắp hương tổ tiên. Bố luôn căn dặn tôi rằng nếu không có tổ tiên phù hộ thì tôi không trưởng thành được như ngày hôm nay. Sáng 30 Tết, tôi thong dong cùng bố đi dạo chợ hoa dọc đường Trần Phú, tha thẩn xem các ông Đồ cho chữ trước cổng trường cấp 3 Trần Phú, trường cũ của tôi, cảm nhận không khí đặc biệt của ngày cuối năm.
Trưa 30 Tết, gia đình năm thành viên của tôi quây quần trước bữa cơm tất niên. Mâm cỗ có bánh chưng, đĩa gà luộc, canh măng mọc, nem chua, tôm rán, xôi đỗ. Đúng thời khắc giao thừa, bố mở sâm banh, mẹ đồ xôi gấc, cả nhà tôi nâng ly, ăn xôi gấc, chúc nhau một năm mới tốt lành và may mắn. Không ra đường xem bắn pháo hoa như những người trẻ, nhưng tôi cũng háo hức ra ban công nhà, hóng nghe tiếng pháo nổ xa xa, lòng ngập tràn xúc cảm trước thời khắc chuyển giao trời đất, lặng im theo dõi mẹ xì xụp khấn vái trước cửa nhà. Mấy ngày Tết cổ truyền trôi qua thật nhanh, ra giêng, bố mẹ lại ngậm ngùi tiễn chị tôi và tôi lên đường, kẻ vì công việc, người vì việc học.
Những ngày Tết Tân Mão này, tôi đang ở đất nước Trung Mỹ Costa Rica xa xôi, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, múi giờ chênh lệch đến13 tiếng, nhớ đến da diết cái Tết năm ngoái. Ở Pháp và Đức, cộng đồng du học sinh Việt Nam đông, trước và trong Tết, mọi người háo hức tổ chức đón Tết cùng nhau. Hồi đấy tôi cũng tham dự các chương trình đón Tết của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp và Đức, phần nào vợi bớt nỗi nhớ nhà. Cùng là du học sinh, cùng xa nhà, bạn bè nương tựa vào nhau, thành một gia đình lớn.
Năm nay có mình tôi là người Việt ở đất nước xa xôi này, nỗi nhớ cũng khó san sẻ cùng ai. Mùng một Tết tôi mặc thật đẹp đến trường, chạnh lòng khi không mấy ai quan tâm hôm nay là Tết Việt. Mùng 2 tôi quyết định nghỉ học ở nhà đón Tết, vì có một mình nên không bày vẽ nhiều, rán chả nem, xào miến, và nấu bát canh gà. Tôi không thể mời bạn bè đến chung vui vì ai cũng bận bịu, bản thân tôi cũng tất bật với bài luận cuối kì. Tôi chỉ chia sẻ đồ ăn với cậu bạn thân Campuchia gốc Trung Quốc. Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng nói chuyện với bố mẹ qua mạng, ai cũng nhớ và nhắc đến tôi hàng ngày, mong tôi sớm về thăm nhà, hẹn cùng đón Tết năm sau.
Chưa biết chắc năm sau tôi có thể về Việt Nam ăn Tết không, vì còn phụ thuộc vào công việc và học tập, nhưng mỗi cái Tết xa nhà trong tôi đều đong đầy kỷ niệm và nỗi nhớ. Tôi trưởng thành lên trong từng nỗi nhớ ấy, nó trở thành một phần cuộc sống của tôi. Tết nhắc nhở rằng bố mẹ tôi ngày càng thêm tuổi, đất nước đang ngày một vững bước vươn lên trong nỗ lực hội nhập quốc tế. Du học sinh như tôi, cũng như bao bạn trẻ khác học tập xa quê hương với khát vọng đền đáp công ơn cha mẹ và cống hiến cho Tổ Quốc, Tết này có chung một niềm trăn trở lớn. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Thanh Mai
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.