"Con chúng tôi nhất định phải mặc áo dài, vì với nó, đó là quần áo Tết". |
Đã nhiều mùa xuân tôi không được đón Tết cùng gia đình, nỗi nhớ quê hương ngày càng da diết. Cảm ơn thượng đế cho tôi được trải nghiệm nhiều nên lòng tôi cũng nhẹ nhàng thỏa vui đón nhận từng hoàn cảnh sống. Có những cái Tết chỉ đơn giản vợ chồng ngồi bên mâm cơm với đòn bánh tét, cùng nhau cầu nguyện mừng năm mới. Nhưng năm nay, chúng tôi đã có một cái Tết thật đặc biệt vì muốn giữ cho con cái Tết của quê hương.
Khi cô giáo ở nhà thờ bắt đầu tập hát Tết cho các em thiếu nhi, con tôi đã về nhà hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Khi nào thì đến Tết?". Nhân có một người biếu cho lốc lịch, tôi mở ra và dạy con ngày thế nào là Tết Tây và thế nào là Tết Ta. Con còn nhỏ nên tôi chỉ giải thích Tết Tây là Tết tính theo mặt trời, Tết Ta là Tết tính theo mặt trăng. Nếu nói đến mặt trăng thì con tôi hiểu liền vì chúng tôi hay cùng con ngắm trăng, con tôi thường quan sát trăng tròn hay trăng khuyết. Từ sau ngày Tết Tây, con tôi cứ gỡ lịch từng ngày, chờ cho đến những ngày "lịch đỏ liên tục"; đó là cách con tôi gọi ba ngày Tết.
Ở nước ngoài, điều mà cha mẹ nào cũng lo là sợ con mất gốc, sợ con không biết nói tiếng Việt. Chúng tôi cũng vậy. Trước khi dạy con bảng chữ cái tiếng Anh là tôi đã lo dạy con cách gọi các chữ cái tiếng Việt, dạy nó cách đánh vần tiếng Việt. Tôi mua nhiều đĩa nhạc thiếu nhi Việt Nam để con nghe và hát tiếng Việt nên mùa xuân này con tôi được nghe những bài hát Tết quen thuộc của thiếu nhi: "Tết đến rồi, vui thật vui, em mặc áo mới đi chúc tết họ hàng…", hay "bánh chưng xanh, bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng, bên cành đào tươi. Tết năm nay bé thêm một tuổi… nhưng bé lớn rồi bé không thích lì xì"...
Con chúng tôi bắt đầu quan tâm đặc biệt đến chuyện Tết nhứt, hết hỏi vì sao phải có hoa mai, hoa đào, dưa hấu, bánh chưng lại quay sang hỏi vì sao phải mặc áo mới, phải đi chúc tết họ hàng. Giải thích cho con những câu hỏi này là chuyện dài nhiều đêm của cả gia đình, từ chuyện "bánh chưng bánh dày" cho đến chuyện vì sao cô giáo ở trường lại chúc mừng năm con thỏ mà về nhà mẹ lại nói năm con mèo là vô vàn những thắc mắc mà nhiều khi tôi phải đọc lại sách vở để giúp con không hiểu sai mà ghi vào tâm trí cho đến lớn.
Vì các con còn nhỏ, thời gian đi học chỉ có sáu tiếng một tuần, vừa đưa rước, vừa lo lắng công việc và những việc gia đình nên tôi không thể làm như má tôi mỗi lần đến Tết. Chúng tôi đi chợ trước Tết gần cả tháng, mua những đồ ăn mà má tôi và mẹ chồng vẫn thường nấu vào dịp Tết. Bánh mứt thì mua một hộp đủ loại để con nếm cho biết. Dưa món, lỗ tai heo thì tôi làm trước để dành ăn từ từ. Món nào đông đá được thì tôi để đó, vài ba ngày lại lấy ra làm một món. Hễ món ăn nào người Việt mình hay ăn vào dịp Tết thì tôi nói với các con đó là món ăn Tết của quê mình.
Hết ăn món miền Trung đến ăn món miền Nam cho con biết cả hai bên ngoại nội, các con chúng tôi dường như thích hơn và ăn nhiều hơn ngày thường. Canh khổ qua, thịt kho tàu, bì chua của miền Nam ăn xen kẽ với thịt xá xíu, giò thủ, thịt muối của miền Trung. Hôm nấu canh khổ qua, tôi giải thích cho con là người quê mình hay nói "ăn khổ qua cho cái khổ nó đi qua", không hiểu sao khi gọi điện thoại cho bà nội, thằng bé lại nói: "Hôm nay mẹ cho ăn canh khổ qua, bà nội biết vì sao phải ăn khổ qua không? Vì trong chữ "khổ qua" nó có chữ "khổ", bởi vậy mình phải ăn cho cái khổ nó đi vô mình". Cả nhà chỉ biết cười với nhau vì cái ngây thơ của trẻ con.
Đi chợ Tết. |
Chúng tôi cố gắng sắp xếp công việc để dẫn con đi chợ hoa trước ngày Tết. Các con cứ sợ ba mẹ quên nên nhắc hoài cho đến khi tay nó rờ được chậu cúc, cành đào. Thấy con vui thích dù chợ hoa ở Little Sài Gòn không lớn bằng những nơi nó đã từng được đi ở quê nhà, lòng chúng tôi cũng thấy vui lây. Dù có tiền bạc nhiều cũng không thể đem lại cho con một suy nghĩ đúng đắn về ngày Tết của quê hương, một cảm nhận đầy hương vị quê hương ở nơi xứ người… nếu mình không quyết tâm tìm mọi cơ hội mình có để giúp con.
Những câu hỏi của con về ngày Tết cứ day vào nỗi nhớ quê hương của mình. Nghe con hỏi: "Giao thừa là gì hả mẹ?", tôi lại chạnh lòng nhớ Hội An, nhớ da diết cái nơi mình đã sống cả quãng đời thơ ấu. Đêm giao thừa bạn bè về hàn huyên bao điều, cùng gia đình đoàn tụ nguyện cầu cho năm mới. Không cùng người thân ngồi "count down" như giao thừa của Tây, gia đình chúng tôi cùng nhau cầu nguyện cho gia đình, cho những người thân yêu, cho quê hương đất nước. Ước mơ một năm mới an lành và ước ao trong giấc mơ của con đêm nay vẹn tròn hy vọng như những đêm giao thừa mình từng đón thuở xưa.
Tết năm nay rơi vào giữa tuần, chúng tôi đã tranh thủ đưa con đi chúc Tết người thân vào những buổi chiều tối. Trước khi đi, con tôi cứ hỏi: "Ba mẹ ơi! Chiều nay mình đi thăm mấy nhà?" và khi về nhà con lại hỏi: "Còn mấy ngày nữa là hết Tết hả ba mẹ?". Thương con quá! Cũng vui là năm nay Chúa Nhật nhằm mồng 4 Tết. Vì thế, con chúng tôi không chỉ có được ba ngày Tết mà còn có thêm một vài ngày xuân. Sáng Chúa Nhật, con xúng xính trong chiếc áo dài đi nhà thờ. Con chúng tôi nhất định phải mặc áo dài, vì với nó, đó là quần áo Tết. Con chúng tôi lý luận: "Tết phải mặc áo dài thì mới là Tết chứ!". Ở nhà thờ, các bạn khác cũng mặc áo dài. Người lớn cũng mừng tuổi các em bằng những phong bì lì xì. Bữa ăn pot-luck với các món Tết của quê hương cùng những ca khúc mừng xuân được nhiều người hát lên khiến con tôi càng thêm rộn ràng. Không thể không chia sẻ niềm vui, con chúng tôi cứ nói: "Vậy mới là Tết chứ!".
Và chúng tôi cũng đưa con đi Hội chợ Tết người Việt để con trọn niềm vui. Con chúng tôi dừng lại ở những gian hàng trò chơi giống như mình ngày xưa. Mùi pháo ai đốt thơm đến lạ, hai vợ chồng hít thật sâu vì sợ nó loãng nhanh trong thênh thang trời đất. Chúng tôi nhìn nhau sung sướng, dù rất mệt và tất bật nhưng mình đã đem đến cho con một điều ý nghĩa là: Giữ cho con Tết quê hương trên xứ người.
Phụng Hiền
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.