![]() |
"Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng...". Đây là một trong những bài hát tôi rất thích từ lúc tôi vẫn còn ở Việt Nam. Lúc đó lí do yêu thích bài hát thật đơn giản, chỉ vì nhạc điệu ca từ dịu dàng buồn buồn nghe hay hay. Chỉ đến khi sang định cư bên xứ người, tôi mới thấm được trọn vẹn cái ý và hồn của bài hát. Tôi dám chắc một điều những người Việt xa xứ mỗi khi nghe bài hát này đều thấy quặn lên trong lòng một nỗi niềm nhớ thương da diết mảnh đất bé nhỏ hình chữ S đó. Riêng cá nhân tôi, thì hầu như lần nào tôi cũng khóc. Thấm thoắt đã mười hai năm nay tôi không được ăn Tết ở Việt Nam. Thời gian không đợi người, một người bạn Trung Quốc của tôi đã nói vậy. Tôi vẫn còn nhớ như in năm đầu tiên ăn Tết xa quê. Thời đó hệ viễn thông của Ireland không được phủ sóng rộng rãi như bây giờ. Sau khi dùng thử đủ các loại thẻ Internet để gọi về nhà mà không được, tôi đành phải đổi tiền xu ra điện thoại công cộng để gọi về Việt Nam. Lúc đó giá cước bưu điện là khoảng hai pound một phút. Vậy mà chỉ nói được vài câu tôi đã nghẹn ngào không nói được gì nữa. Khóc to thì sợ mẹ biết mẹ buồn. Cuối cùng tôi cố nén sự xúc động của mình nói vài lời chúc Tết cha mẹ, rồi vội vàng buông máy. Tôi đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ bị lạc ba mẹ ngay tại nơi công cộng đó. Lúc đó tôi thực sự chẳng thèm quan tâm ai nhìn mình nữa. Cái Tết đầu tiên của tôi ở Ireland là “một ngày như mọi ngày”: là sáng dậy sớm vội vàng đón hai lần xe buýt đến trường, chiều về lại hai lần xe buýt sặc sụa mùi khói thuốc, mùi người, thấm lẫn mùi ẩm ướt ngái ngái của cơn mưa dầm mùa xuân. Tối giao thừa tôi ngồi co ro trên giường bật to bài hát: "Happy New Year" mà tôi và đám bạn thời sinh viên rất thích nghe trong dịp tết dương lịch. Lúc đó chúng tôi lấy ngày Tết dương lịch làm ngày Tết của sinh viên. Cái Tết đầu tiên của tôi qua đi không bánh chưng, không hoa đào, không người thân, bạn bè. Tôi nhớ đến thắt lòng cái không khí bận bịu rộn ràng của ngày ba mươi Tết, nhớ mùi thơm ngan ngát của cây mùi già mà mẹ tôi thường mua về để nấu nước tắm cho cả nhà vào chiều ba mươi Tết và rửa mặt vào sáng mùng một. Mẹ bảo để gợt bỏ những điều không may mắn của năm cũ, để con người được thanh tịch, sạch sẽ mà đón chào năm mới. Đêm ba mươi mẹ tôi thường nấu xôi, chè cúng trừ tịch ngoài trời. Sau đó mẹ sẽ chúc tết hai chị em và phát tiền mùng tuổi. Sáng mùng một, mẹ dậy sớm sắp lễ cúng. Mẹ dặn chúng tôi không được cãi nhau, tức giận vì như thế cả năm sẽ bị giông. Ba ngày Tết mẹ không cho quét nhà, vì như thế cả năm sẽ không giữ được tiền của. Sau đó tôi và mẹ đi chùa xin lộc đầu năm. Vào ngày mùng một mẹ tôi không cho phép tôi sang nhà hàng xóm, mà đi cùng mẹ đi chúc Tết họ hàng. Sang đến mùng hai, thì tôi mới được phép đi chơi cùng bạn bè. Lệ này mẹ tôi giữ đến khi tôi học lên đại học và có lẽ nếu tôi còn ở Việt Nam thì đến lúc tôi lấy chồng. Đêm giao thừa đầu tiên của tôi ở Ireland ngập tràn nước mắt, tủi thân, nhớ nhà, nhớ mẹ và Việt Nam. Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi cũng như nhiều người khác bị cuốn vào cái guồng quay vội vã của cuộc sống. Tôi trở nên bận bịu hơn với nhiều lo toan của cái nghiệp mưu sinh nơi xứ người. Tôi trưởng thành hơn, và chai sạn đi. Nỗi nhớ quê hương không phô bày ra bên ngoài nữa, mà chôn chặt trong lòng. Vẻ bề ngoài là cái thái độ bất cần, phớt Ăng Lê, nhưng sâu thẳm bên trong, chữ nhớ tọa chình ình trong đó, rớm máu. Phải mất vài năm tôi mới thật sự quen với cuộc sống bên này, và chấp nhận với thực tại. Tôi vẫn còn nhớ những năm đầu, cứ gần Tết tôi lại nhờ mẹ mua và gửi báo Tết sang cho tôi. Thời đó làm gì đã có báo điện tử như bây giờ, truyền hình VTV4 cũng chưa có. Thông tin về Việt Nam thật sự khan hiếm. Gọi điện thoại về cũng chỉ những lúc thật sự có việc cần thiết thì mới dám gọi, vì cước phí quá đắt, thành ra những thông tin từ Việt Nam tôi có được hầu hết là từ những lá thư của mẹ, và bạn. Đầu những năm 2002 -2003 lưu học sinh Trung Quốc dồn dập đến Ireland. Cuộc sống của chúng tôi được cải thiện lên nhiều, vì có cầu thì mới có cung. Hàng hóa, đồ ăn từ Trung Quốc cũng theo đó mà trở nên phong phú hơn. Tôi cũng tập tành học gói bánh chưng. Những cái bánh chưng đầu tiên của tôi, được gói bằng lá chuối và bọc qua một lần giấy bạc (tin foil) và có hình dạng của hình chữ nhật, chứ không phải là hình vuông. Lần đầu tiên ăn cái bánh chưng do mình gói, tôi thấy mình giỏi quá. Cái công việc mà ở Việt Nam đối với các ông, các bà, các bác, các cô nó thật đơn giản chẳng có gì to tát nhưng đối với tôi đó là một bước ngoặt rất lớn. Tôi sẽ được đón Tết Việt Nam ở Ireland. Mày mò trên mạng, tôi tự tập làm những món ăn truyền thống khác như là giò xào và thịt kho đông. Sau này khi đã lập gia đình, dù bận bịu thế nào, tôi cũng cố gắng nấu bữa cơm tất niên để cúng ông bà. Cộng đồng người Việt nơi tôi ở rất ít, thành ra việc duy trì những tục lệ truyền thống cũng không được phổ biến như ở các nước khác như Anh, Pháp, Đức.. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên, bầy mâm cúng đêm giao thừa. Vừa cúng vừa thấp thỏm nhìn quanh sợ bọn Tây biết nó phàn nàn vì tôi cũng đốt tiền vàng sau khi cúng. Đang cúng giữa chừng thì đứa hàng xóm trên lầu đi chơi về muộn. Thấy tôi bày mâm đèn nhang nghi ngút, nó thấy lạ lắm. Thế là giữa nửa đêm, nàng ta giả vờ đi đổ rác đến hai lần để xem trộm tôi đang làm gì. Tôi ở khu chung cư, nên thùng rác công cộng để bên ngoài, những người ở tầng trên phải mang rác xuống đổ. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Tết bên này chúng tôi không giữ được tục lệ đi chúc Tết mọi người, vì ai cũng phải đi làm cả, không được nghỉ, thành ra đành gửi tin nhắn chúc nhau là chính. Con gái tôi rất thích ăn bánh chưng mẹ gói. Ngày ba mươi Tết, tôi gọi điện thoại về chúc Tết mọi người, cháu cũng bắt chước mẹ được một câu: "chúc mừng năm mới". Từ ngày lập gia đình, cứ đến gần Tết gọi điện thoại về, mẹ lại hỏi: "Năm nay vợ chồng con có về ăn Tết không? Mẹ già rồi nhớ cháu lắm". Lòng tôi thắt lại, đành phải hẹn mẹ năm sau vì hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép. Hai vợ chồng tôi dù không nói ra nhưng đều tự nhủ lòng, sẽ cố gắng sắp xếp thời gian và công việc để về cho các cháu về Việt Nam ăn Tết với ông bà nội ngoại một lần. Lời hứa vẫn chưa được thực hiện, mà thời gian thì lại "không đợi người". Tết đến rồi, trong tôi lại đau đáu nỗi buồn thất hẹn mẹ thêm một năm nữa. Thôi thì cũng xin được cầu lạy trời phật phù hộ độ trì cho mẹ già luôn được mạnh khoẻ, mọi sự bình an. Tết sau con sẽ cố gắng để được về thăm mẹ. Thanh Cam Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây. Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây. |