![]() |
Mười chín tuổi, con xách vali lên đường đi du học. Tâm trạng háo hức của một đứa con gái 9X năng động sắp được đặt chân lên một vùng đất mới đã lấn át nỗi buồn nhớ vì xa nhà của con. Ở Vancouver nhộn nhịp này, cuộc sống của con bận rộn với việc thích nghi hoàn cảnh mới, trường lớp mới, ngôn ngữ mới và bạn bè mới... Con cũng không nhớ nhà nhiều. Hơn nữa, trong thời đại của công nghệ, con và cả nhà có thể vừa nói chuyện vừa nhìn thấy mặt nhau mỗi ngày. Thế nhưng, lần đầu tiên con thấm thía cái cảm giác buồn não ruột khi không có gia đình bên cạnh là khi Tết đến, xuân về. Từ nhỏ con đã quen với mỗi dịp Tết đến là mỗi dịp cả nhà mình quây quần sum họp sau cả năm bận rộn, mệt mỏi với công việc và học hành. Tết là những ngày giặt giũ mùng mền, lau rửa bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa. Tết là những ngày con cùng mẹ đi chợ sắm sửa, nấu nướng chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà. Trong ký ức của con, Tết còn là hình ảnh đêm 30 cả gia đình dòng họ mình tụ tập chúc Tết nhau và cùng kéo nhau ra đường xem pháo bông bắn đì đùng, là mùi nhang thơm và khói nhang cay xè mắt trong chùa Ông quận 8, là nồi thịt kho thơm ngon ăn với củ kiệu của bà ngoại... Tết trong con là tình cảm thương yêu gắn bó của cả gia đình mình! Còn giờ đây, trong cái khí trời lạnh buốt của vùng Bắc Mỹ này, con khó mà nhận ra mùa xuân đang về bên cạnh nếu như con không may mắn được sống gần trong một cộng đồng người Việt. Đó là khi bạn bè con ở Việt Nam bắt đầu đếm từng ngày trên Facebook để được nghỉ Tết. Đó là khi vài người bạn trong trường con rủ nhau về quê ăn Tết với gia đình. Đó là khi chợ Việt Nam ở Vancouver tràn ngập bánh chưng, bánh tét và mứt quả cho người xa xứ đón Tết. Hay đó là khi những con đường trong khu phố Tàu bắt đầu rợp đỏ bởi bao la là lồng đèn và câu đối mừng năm mới. Nhờ những dấu hiệu đó con biết là Tết đang đến bên cạnh, hay ít nhất là Tết đang đến trong lòng mỗi người con Việt Nam đang sống trên đất khách như con. Con đi làm thêm ở chợ người Việt trong những ngày cận Tết, nhờ đó được thấy cảnh sắm Tết hối hả của đồng bào mình: từ lá dong, lá chuối, nếp, đậu xanh, đến thịt heo, thịt gà, rồi trái cây, ngũ quả, bánh mứt, dưa hành... có thể nói là không thiếu thứ gì để làm nên một cái Tết cổ truyền của dân tộc mình. Có thể thấy là người mình bên đây phần nào vẫn giữ được những nét cổ truyền trong ngày Tết dân tộc. Mấy ngày cận Tết, con gọi điện về nhà nhiều hơn, chỉ để nghe mẹ kể chuyện Tết nhứt trong nhà: hôm nay nhà mình dọn dẹp xong khang trang sạch sẽ rồi, cây mai nhà mình năm nay ra hoa nhiều hơn năm ngoái, bà ngoại đi tới đi lui cứ nhắc cháu gái ăn Tết xa nhà mà thương... Những lúc đó con chỉ dám nuốt nước mắt vào lòng để năm mới của cả nhà được trọng vẹn tiếng cười và niềm vui. Thay vào đó con kể cho mẹ nghe về Tết Vancouver của con, lần đầu tiên con gái mẹ ăn Tết xa nhà như thế nào. Du học sinh tụi con bắt đầu dùng lịch âm để nói chuyện với nhau: "hôm nay 23, là ngày đưa ông táo nè", "27 Tết rồi đó", "tối nay 30 mẹ mình cúng giao thừa"... Tụi con còn háo hức kể với bạn bè nước khác và các thầy cô trong trường về ngày Tết truyền thống của dân tộc mình. Thậm chí tụi con phải luôn miệng giải thích rằng đây gọi là Tết Nguyên Đán chứ không phải Tết Trung Quốc như đa số người vẫn gọi. Vì Tết Âm Lịch bên đây tụi con không được nghỉ học, nên cả bọn tranh thủ cuối tuần, hôm đó là 26 và 27 Tết, tụ họp lại với nhau cùng gói bánh chưng, cùng nấu mâm cơm tiễn năm cũ đón năm mới, và đến đêm thì ra sông thả đèn trời. Xen kẽ trong đó là những câu chuyện về ngày xuân tuổi thơ của mỗi đứa, Tết Hà Nội, Tết Hải Phòng, Tết Sài Gòn... đủ cả. Những câu chuyện tràn ngập tiếng cười nhưng không sao giấu nổi tiếng thở dài và những ánh mắt đượm buồn vì nhớ xuân quê. Đêm giao thừa tụi con cũng lì xì nhau lấy hên và rủ nhau đi chùa cầu nguyện cho năm mới mọi sự được bình an. Năm nay con tròn 20 tuổi, con lại có thêm nhiều cảm nhận và nhiều trải nghiệm về ngày Tết dân tộc. Năm đầu tiên con ăn Tết xa nhà, năm đầu tiên con thấm thía sự quan trọng của gia đình đối với mình trong dịp lễ Tết. Và con cảm ơn những cô chú, anh chị, bạn bè đã ở bên cạnh con, giúp con không cô đơn trong khoảnh khắc giao mùa của đất trời. Chính nhờ những khoảnh khắc bên nhau, những tâm sự trải lòng với mọi người mà con thấy ấm áp hơn và phần nào cảm nhận được ý nghĩa của ngày Tết, đặc biệt là ngày Tết xa quê. Kim Ngân Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây. Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây. |