Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Trả lời:
Chào chị!
Vàng da là kết quả của tăng sự tích tụ bilirubin trong máu. Bilirubin được tạo ra trong quá trình phân hủy bình thường của các tế bào hồng cầu. Đó là một chất màu vàng cam thường đi qua gan và được đào thải ra khỏi cơ thể. Khi có lượng bilirubin trong máu cao bất thường sẽ dẫn đến hiện tượng vàng da, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu thay đổi màu da và mắt. Vàng da ở trẻ em và người lớn là bất thường và đồng thời là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe cần điều trị.
Vàng da ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đầu tiên, do chế độ ăn của trẻ chứa nhiều caroten như: cà rốt, nghệ, bí ngô... Khi cha mẹ cho bé ăn nhiều thực phẩm đó, có thể dẫn đến vàng da ở trẻ. Thứ hai, các bệnh lý liên quan đến chức năng gan như: viêm gan do virus A, B, C, D, suy gan... Trong quá trình mắc Covid, trẻ có thể dùng nhiều thuốc hạ sốt. Thuốc này gây hại cho gan nếu dùng quá liều và biểu hiện vàng da. Ngoài ra, có các nguyên nhân khác của đường mật, tụy và tan máu...
Chẩn đoán vàng da dựa vào triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân có thể thấy da và niêm mạc vàng. Tùy nguyên nhân mà có các biểu hiện kết hợp. Nếu do chế độ ăn, cơ thể không có biểu hiện bất thường ngoài vàng da. Nếu bệnh lý về gan, trẻ có thể chán ăn, ngủ gà ban ngày, xuất huyết dưới da hoặc phủ tạng... Nếu vàng da tắc mật, bệnh nhân có thêm triệu chứng phân bạc màu...
Khi đi khám, bác sĩ có thể khám sức khỏe và quan sát da, mắt của trẻ. Ngoài ra, xét nghiệm máu và nước tiểu có thể tiết lộ mức độ bilirubin trong cơ thể cùng với các vấn đề với chức năng gan và thiếu máu. Xét nghiệm máu cũng có thể xác định một số virus viêm gan, chức năng mật, tụy...
Phương pháp điều trị vàng da sẽ phụ thuộc vào tình trạng cơ bản. Để xác định rõ nguyên nhân vàng da, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám trực tiếp để bác sĩ có thể đánh giá và chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Bác sĩ Nhi Nguyễn Ngọc Ánh
Nhóm bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0 tại nhà